Thông tin chung

Tác giả/Author: ThS. Nguyễn Hoàng Minh
Ngày phát hành/Issued date: 26/07/2024
Đơn vị phát hành/Issued by: Viện nghiên cứu Hải sản

Nội dung

1) Tên nhiệm vụ: Điều tra ngư trường (Điều tra thu thập số liệu nghề cá phục vụ dự báo ngư trường khai thác hải sản) giai đoạn 2021-2023

2) Cấp quản lý: Bộ NN&PTNT

3) Tổ chức chủ trì: Viện nghiên cứu Hải sản

4) Họ và tên chủ nhiệm: ThS. Nguyễn Hoàng Minh

5) Thành viên tham gia chính:

     TS. Bùi Thanh Hùng - Viện nghiên cứu Hải sản

     TS. Nguyễn Văn Hướng - Viện nghiên cứu Hải sản

     TS. Nguyễn Duy Thành - Viện nghiên cứu Hải sản

     ThS. Nguyễn Đức Linh - Viện nghiên cứu Hải sản

     ThS. Hán Trọng Đạt - Viện nghiên cứu Hải sản

     ThS. Nguyễn Thị Thùy Dương - Viện nghiên cứu Hải sản

     KS. Trần Văn Vụ - Viện nghiên cứu Hải sản

     KS. Nguyễn Ngọc Tuấn - Viện nghiên cứu Hải sản

     CN. Trần Thị Thu Quyên - Viện nghiên cứu Hải sản

     Nguyễn Văn Minh - Cục Thuỷ sản

     Nguyễn Tiến Thắng - Cục Thuỷ sản

6) Mục tiêu của nhiệm vụ:

- Xây dựng được bộ cơ sở dữ liệu cập nhật và đảm bảo độ tin cậy về nguồn lợi – nghề cá, hải dương học phục vụ dự báo ngư trường khai thác hải sản.

- Xây dựng dự báo khai thác hạn năm cho cá ngừ đại dương (vây vàng, mắt to và cá ngừ vằn) làm cơ sở cấp hạn ngạch sản lượng khai thác cá ngừ trên vùng biển Việt Nam.

- Xây dựng được bản tin dự báo ngư trường khai thác hải sản cho một số nghề khai thác xa bờ (nghề câu cá ngừ đại dương, rê, vây) và theo đối tượng (cá ngừ vằn, một số nhóm cá nổi nhỏ (các nục, cá trích, cá bạc má …) theo hạn tháng và hạn 07 – 10 ngày.

- Có được phương thức phát hành hiện đại phù hợp và đánh giá được hiệu quả dự báo ngư trường khai thác hải sản.

7) Kết quả thực hiện:

1. Dự án đã cập nhật và bổ sung được một lượng lớn dữ liệu vào cơ sở dữ liệu dự báo bao gồm: i) Thông tin khai thác hải sản tại 10 tỉnh ven biển, dự án WCPFC của 03 nghề (câu, rê, vây) là 324.700 mẻ; ii) Số liệu khí tượng hải dương từ các nguồn khảo sát, giám sát, các đài trạm và viễn thám vào cơ sở dữ liệu lần lượt là 350.592 và trên 24 triệu số liệu. Kết quả này đã làm tăng đáng kể kho dung lượng dữ liệu khí tượng, hải dương và nguồn lợi - nghề cá.

2. Dự án đã triển khai xây dựng và cung cấp kịp thời: 06 bản tin hạn năm; 165 bản tin hạn tháng cho 03 nghề và 02 đối tượng (cá ngừ vằn và cá nổi nhỏ); 132 bản tin hạn 7-10 ngày cho nghề câu cá ngừ đại dương; 84 bản tin hải dương học hỗ trợ hoạt động khai thác phục vụ cho công tác chỉ đạo và thực tiễn sản xuất. Trước khi phát hành, các bản tin dự báo ngư trường đều được thẩm định về nội dung và hình thức.

3. Kết quả kiểm tra, đánh giá dự báo ngư trường từ CSDL cho thấy, các bản dự báo ngư trường hạn tháng và hạn 7-10 ngày của 04 nghề và 02 đối tượng đều được đánh giá ở mức đạt yêu cầu trở lên theo tiêu chí với độ đảm bảo từ trên 60% trở lên, riêng nghề câu cá ngừ đại dương hạn tháng ở mức trên 70%.

4. Các bản tin dự báo tiếp tục được duy trì và phát hành thường xuyên trên các phương tiện truyền thông như: website Viện Nghiên cứu Hải sản (http://www.rimf.org.vn), Tổng Cục thủy sản (http://www.fistenet.gov.vn), nhiều trang web của 28 tỉnh ven biển, phát hàng ngày trên đài Truyền thông duyên hải với tần suất 3 lần/ngày; trên Bản tin dự báo thời tiết nông vụ của VTV1, Bản tin dự báo thời tiết biển và ngư trường của VTC16 để cung cấp thông tin kịp thời về dự báo ngư trường cho ngư dân.

5. Kết quả đánh giá hiệu quả dự báo ngư trường từ điều tra xã hội học cho thấy:

- Có khoảng 87,2% ngư dân được phỏng vấn biết đến bản tin dự báo ngư trường, tỉ lệ này cao nhất ở nghề câu cá ngừ đại dương (97,1%) tiếp đến là nghề vây (90,2%), lưới rê (90,0%). Như vậy, có khoảng 10% ngư dân được phỏng vấn không biết đến bản tin dự báo ngư trường khai thác hải sản.

- Tỷ lệ ngư dân có nhận được bản tin dự báo khác nhau ở mỗi loại nghề. Trong đó, tỷ lệ ngư dân nhận được bản tin dự báo cao nhất cũng ở nghề nghề câu cá ngừ đại dương (trên 80%), tiếp đến là nghề lưới rê (77,0%),  nghề lưới vây (70,0%).

- Ngư dân không nhận được bản tin dự báo là do: Ngư dân không biết có bản tin dự báo do chưa được cơ quan chuyên môn giới thiệu, tập huấn; do thói quen đánh bắt theo kinh nghiệm và ngư trường truyền thống nên ngư dân chưa quan tâm.

- Ngư dân tiếp nhận thông tin dự báo chủ yếu qua kênh thông tin cuả đài Tiếng nói Việt Nam, đài Duyên hải và Chi cục Thủy sản, tỷ lệ ngư dân nhận được bản tin giấy rất hạn chế.

- Tỷ lệ ngư dân đã từng đi khai thác theo bản tin dự báo, chiếm tỷ lệ cao nhất là nghề câu cá ngừ đại dương (89,0%), tiếp đến là nghề lưới rê (72,0%),  nghề lưới vây 59,0%.

- Tỷ lệ ngư dân nghề câu cá ngừ đại dương cho biết thực tế sử dụng bản tin dự báo có giúp nâng cao sản lượng đánh bắt chiếm trên 70%. Đây là tỷ lệ cao nhất trong số các nghề được khảo sát, tỷ lệ này ở nghề khác thấp hơn (lưới rê là 61,0%, nghề lưới vây (66,3%).

- Xu hướng sản lượng của tàu sử dụng dự báo khai thác được ngư dân phản ánh là có cao hơn so với không sử dụng dự báo trong hoạt động đánh bắt. Đặc biệt là nghề câu cá ngừ đại dương ở Bình Định, Khánh Hòa, ngư dân cho biết sản lượng đánh bắt theo bản tin dự báo cao hơn khi không sử dụng bản tin dự báo chiếm tỷ lệ  cao (86,0%), ở các nghề còn lại, tỷ lệ này thấp hơn (nghề rê 83,0%, nghề vây 77,0%).

- Đa số ngư dân (trên 90%) có nhận được bản tin dự báo đều cho rằng bản tin dự báo là cần thiết đối với khai thác trên biển. Trong đó có khoảng 70% số ngư dân cho rằng bản tin dự báo vẫn cần phải nâng cấp, bổ sung; cần nâng cao độ chính xác của bản tin dự báo, cải thiện phương thức phát hành.

8) Thời gian bắt đầu - kết thúc: 4/2021 - 12/2023

9) Kinh phí thực hiện: 6.000,0 triệu đồng, trong đó kinh phí từ NSNN: 6.000,0 triệu đồng, nguồn khác: 0 triệu đồng