Thanh Hóa là tỉnh có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển trung tâm nghề cá biển với đường bờ biển dài 102 km và 5 cửa lạch lớn dọc theo ven biển (Lạch Sung, Lạch Trường, Lạch Hới, Lạch Ghép, Lạch Bạng). Vùng biển Thanh Hóa được xác định là một trong những khu vực có đa dạng sinh học cao và nguồn lợi thủy sản phong phú. Nhiều loài hải sản có giá trị kinh tế với sản lượng khai thác lớn đã được ghi nhận. Giá trị khai thác thủy sản đã đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế, từng bước ổn định và dần nâng cao đời sống ngư dân ven biển. Theo số liệu cập nhật cuối năm 2023, tỉnh Thanh Hóa có 5.877 tàu cá trong đó 4.068 chiếc có chiều dài dưới 12m, 700 chiếc từ 12m đến dưới 15m và 1.109 chiếc từ 15m trở lên. Hoạt động khai thác hải sản tương đối phát triển, đạt sản lượng 140.500 tấn chiếm 65,6% tổng sản lượng thuỷ sản toàn tỉnh. Mặc dù dã đạt được thành quả đáng khích lệ nhưng nghề cá biển Thanh Hóa vẫn mang đặc trưng của nghề cá quy mô nhỏ và công tác quản lý nghề cá còn nhiều bất cập. Số lượng lớn tàu cá kích thước nhỏ dưới 12m khai thác ở vùng ven bờ vẫn chiếm tỷ lệ khá lớn (69,2% tổng số tàu thuyền). Nguồn lợi thủy sản suy giảm, năng suất khai thác thấp và chất lượng nguồn lợi suy thoái rõ rệt. Loại nghề và ngư cụ cấm cấm khai thác vẫn còn tồn tại, hoạt động khai khác tận thu, tận diệt thủy sản con non. Đội tàu có kích thước lớn khai thác sai vùng, sai tuyến ở vùng biển ven ben bờ, dẫn đến tình trạng suy giảm lượng bổ sung và trữ lượng nguồn lợi thủy sản. Quản lý nghề cá gặp nhiều khó khăn do dữ liệu và thông tin nhiều năm chưa được cập nhật. Vì vậy, để cải thiện, dần nâng hiệu quả quản lý và hướng tới phát triển nghề cá biển bền vững thì việc có được các thông tin, dữ liệu, cơ sở khoa học cập nhật là rất cần thiết.
...