Cú lột da nhớ đời

Để lặn, người ta phải qua một khóa huấn luyện cả tuần và được cấp chứng chỉ "Open" có khả năng xuống sâu 18m, muốn xuống sâu hơn nữa phải có chứng chỉ "Advanced". Hôm đầu tiên tôi được các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu Hải sản cho mượn một cái kính có miếng che kín mũi và tập úp mặt xuống nước, thở bằng ống snorkel ở bãi Cả thuộc khu vực Hải Vân - Sơn Chà của tỉnh Thừa Thiên- Huế.

Phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam đang tập thở bằng ống snorkel ở trên tàu. Ảnh: Công Điền

Cả ngày ròng rã úp bụng xuống nước, phơi lưng lên trời dưới cái nắng 39-40 độ C tôi cũng đã coi là tạm biết thở. Hí hửng, ngày thứ hai tôi này nì thạc sĩ Nguyễn Văn Hiếu dìu mình xuống dưới đáy biển với đầy đủ khí tài gồm chân nhái, bộ đồ lặn, bình dưỡng khí và dây chì.

Tuy nhiên, anh lắc đầu ngay bởi nếu chẳng may tôi sơ sẩy là có thể nằm mãi ở dưới đáy biển do đeo tới hơn 10 kg chì và bộ đồ lặn có nhiều đai khóa.Anh chỉ chấp nhận cho tôi bơi sát anh, ngậm vòi dưỡng khí (dự phòng) thứ hai từ bình của mình. Thế nhưng khi vừa chụp kính, ngậm vòi dưỡng khí thì tôi đã phải buông vội ra, ho sặc sụa do đã uống phải vài ngụm nước mặn chát. Thở bằng vòi dưỡng khí khác hẳn với ngậm ống, lực nặng hơn hẳn và cơ thể phải vượt qua được bản năng sợ ngạt nước. “Anh phải tập thở tiếp bằng snorkel và lúc nào đã quen thì lặn bộ xuống đáy biển ôm lấy một cục đá ngồi ở dưới đó để cho quen đi”. Kĩ sư Nguyễn Văn Thành bảo với tôi như vậy.

Vậy là tôi phải tiếp tục phơi lưng ra giữa trưa nắng mà tập luyện để rồi tối về trở mình trên giường khắp người đều đau ê ẩm và mấy ngày sau bị bỏng lột cả nửa m2 da như da rắn. Thạc sĩ Đinh Thanh Đạt giải thích lặn dưới nước có muôn vàn nỗi sợ: Sợ một mình. Sợ bóng tối. Sợ hình dáng lạ. Sợ tiếng động lạ. Sợ thiết bị trục trặc. Sợ vướng vật cản. Sợ bị cuốn đi. Sợ chênh lệch nhiệt độ giữa các dòng chảy ngầm. Sợ cá mập, cá nhám… mà thông thường hình ảnh dưới nước sẽ bị phóng đại lên gần 2 lần nên con cá bằng bắp đùi thì trông to như cái cột đình vậy. Anh càng nói, tôi càng sợ hãi nhưng cũng tò mò bởi cảm giác muốn được bơi lội tung tăng dưới đáy biển đã xâm chiếm đầu óc cả lúc tỉnh lẫn lúc mơ.

Tư thế tiếp nước của các thợ lặn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đến buổi thứ ba, cuối cùng tôi cũng trấn áp được bản năng sợ ngạt nước, cứ thả xuống là nổi rồi được anh Hiếu dìu xuống đáy biển. Hai tay phải liên tục bấu chặt lấy đá hoặc san hô bởi tôi lặn bộ, không có chì nên cứ chực nổi lên như một cái phao vậy. Áp suất trong môi trường nước tăng dần, lặn thường bị đau tai nên phải giảm áp bằng cách bịt mũi rồi thở mạnh cho không khí vọt ra hai lỗ tai.

Ở dưới biển, thợ lặn phải cân bằng giống như một con cá, thở vừa đủ để đỡ mất ô xi, có thể làm việc lâu hơn trong những động tác cắm đầu, chúi người xuống trồng san hô. Khi tai tôi quen với tiếng thở rất to của mình thì mắt bắt đầu quen với màu xanh lơ của nước biển. Mặt trời chiếu xuống, những bông hoa nắng rung rinh, lung linh trên đáy biển, trên cả thân thể tôi. Có những chùm hoa nắng như ánh đèn sân khấu cứ xoay xoay trong muôn hình, vạn trạng, trông rất kỳ thú. Những tia nắng được lọc qua màn nước biếc như một thứ lụa là của biển cả, suôn mềm, óng mượt đến lạ thường. Hàng ngàn, hàng vạn bọt khí bắt nắng cũng long lanh, ánh lên như ngọc. Mọi thứ đều kỳ ảo như thế giới của vua thủy tề.

Cán bộ Viện Nghiên cứu Hải sản đang tách san hô giống. Ảnh: Công Điền.

Những đáy biển trống trơn như trên mặt trăng

Nhưng khi nỗi vui sướng qua đi, tĩnh tâm lại tôi thấy khu rừng đó có quá ít cây là những thảm san hô. Biển rất vắng cá, chỉ có những con cá nhỏ bằng ngón tay đang bám miệng vào san hô để tìm thức ăn, thỉnh thoảng mới xuất hiện một con cá song to bằng ba ngón tay đuổi theo chúng để săn mồi. Đó là dưới nước mọi hình ảnh đã được phóng đại lên gần 2 lần. Khi lặn ở bãi Cả cảnh tượng còn tang thương hơn. Tôi đi như mộng du trên một đáy biển trống trơn, gồ ghề sỏi đá giống như phi hành gia đi trên mặt trăng mà chẳng thấy sự sống. San hô hầu như vắng bóng mà cá cũng chẳng thấy tăm.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Hiếu tâm sự từ năm 2005, khi anh bước vào nghề đã thấy nguồn lợi của biển cứ bị giảm dần. Trên diện rộng, chu kỳ suy giảm trung bình trong 5 năm là rất rõ, trên diện nhỏ hơn thì có thể là hàng năm là có thể nhìn thấy. Đảo Cô Tô (Quảng Ninh) năm 2006 đã có hiện tượng san hô chết hàng loạt. Nếu như san hô cành giống như những cây nhỏ thì san hô bàn giống như cổ thụ trong một khu rừng.

Khu rừng đó trước đây rộng trên 300 ha với đủ sắc xanh, đỏ, tím, vàng của san hô nhưng khi bị chết thoạt đầu chúng sẽ biến thành màu trắng toát, sau đó sẽ bị lớp huyền phù (bụi cùng hữu cơ lơ lửng -PV) bám vào chuyển sang màu nâu đen giống như đang bị cháy rụi. Cách đây dăm bảy năm, đoàn các nhà khoa học ra Cô Tô lặn biển còn được người dân chỉ chỗ xem cây san hô bàn cuối cùng. Nó to như một cái giường với màu trắng ngà, to như cái giường với màu trắng ngà - xanh lá lung linh rất đẹp. Chỉ thời gian sau, nó đã bị ngư dân đánh mìn bắt cá làm sập, chết trơ lại là một tảng đá vô hồn.

Vắng san hô, đàn cá cũng chuyển đi vì không còn chỗ trú ẩn cũng như nguồn thức ăn nữa. Ô nhiễm từ việc khai thác than, đánh mìn, xyanua và nhiều hóa chất độc hại khác cũng như cách người dân khai thác nhuyễn thể bằng bơm hút áp lực cao, cày xới tầng đáy làm cho lớp huyền phù cứ bám dày đặc ở bên dưới, giết hết mọi sinh vật.

Nếu như cơn bão lớn ở trên đất liền hoành hành cùng lắm chỉ 1 tuần thì cơn bão ở dưới biển khơi hoành hành quanh năm, ngày tháng. Nó làm cho rạn san hô ở Cô Tô chết gần hết, 20 năm nay vẫn chưa thể phục hồi được.

Cán bộ Viện nghiên cứu Hải sản đang lặn khảo sát. Ảnh: Công Điền.

Năm 2010 xảy ra hiện tượng tẩy trắng san hô ở đảo Nam Yết ngoài quần đảo Trường Sa do Elnino làm tăng nhiệt độ nước biển. Chỉ cần cao hơn mức trung bình 1°C là đủ để làm cho polyp san hô đẩy các tảo sống trong mô của chúng ra khỏi cơ thể, chấm dứt mối quan hệ cộng sinh. Ước tính 90% san hô ở đảo Nam Yết đã chết khi đó nhưng năm 2020 khi anh Hiếu ra đã thấy chúng phục hồi bởi đảo xa, khu vực quân sự ít có tác động của con người. Còn các rạn san hô khu vực ven bờ không có cái may mắn ấy.

Nghiên cứu của Nguyễn Văn Hiếu và Đỗ Văn Khương năm 2013 về mức độ biến động rạn san hô trong khoảng 10 năm tại 19 khu vực rạn san hô biển Việt Nam như sau: Mức độ suy giảm độ phủ tại các địa điểm nghiên cứu từ (-4,25%) đến (-80,09%), mức suy giảm trung bình là (-36,24%). Điều này cho thấy sự suy thoái rạn san hô đang diễn ra trên toàn vùng ven biển từ phía Bắc đến Nam biển Việt Nam. Tại thời điểm này đã ghi nhận 4 khu vực có rạn san hô đang 15 trong tình trạng suy thoái nghiêm trọng là các khu vực Cô Tô, Nam Yết, Lý Sơn và Cát Bà.

Cận cảnh san hô chết rụi. Ảnh: Viện nghiên cứu Hải sản.

Tuy nhiên, các khu vực rạn san hô thuộc các khu bảo tồn biển đã được thành lập luôn cho thấy sự suy thoái ở mức độ nhẹ hơn, trung bình tại 5 khu bảo tồn tại Việt Nam là 14,5%. Trong khi đó, tại các vùng rạn san hô chưa thành lập khu bảo tồn biển, mức độ suy giảm cao gấp hơn 2 lần với -34%. Đặc biệt là có một số khu vực rạn san hô đang trong tình trạng suy thoái nghiêm trọng và khó có thể phục hồi tự nhiên trở lại. Đến thời điểm này (năm 2023), độ phủ san hô ở các vùng biển còn bị suy giảm nhiều hơn nữa.

Nghiên cứu của Võ Sĩ Tuấn năm 2013 về phân tích tư liệu giám sát rạn san hô từ năm 2000 trên 10 vùng rạn và một số khảo sát gần đây ở vùng biển ven bờ phía Nam Việt Nam đã ghi nhận một số sự cố suy thoái rạn san hô mà nguyên nhân là do các tai biến thiên nhiên.

Đó là: nở hoa của tảo trên diện rộng ở vịnh Cà Ná năm 2002; bùng nổ sao biển gai ở các vịnh Nha Trang, Vân Phong và vùng biển Cù Lao Chàm năm 2002 - 2004; tác động tích lũy của nhiệt độ cao và độ muối thấp trong một giai đoạn ngắn ở Côn Đảo năm 2005; nước lũ từ đất liền ảnh hưởng đến biển Cù Lao Chàm năm 2006 và tẩy trắng hàng loạt san hô ở biển Phú Quốc năm 2010. Những tác động này đã làm giảm độ phủ san hô một cách nghiêm trọng do hàng loạt cây đã bị tiêu diệt. Sự phục hồi diễn ra rất chậm.

Suy thoái rạn san hô do tai biến thiên nhiên là vấn đề cần được các khu bảo tồn biển quan tâm thông qua quy hoạch và thực thi quản lý nhằm thích ứng và giảm thiểu những tác động tiêu cực đối với đa dạng sinh học biển.

Nguồn: Dương Đình Tường - Công Điền

Nông nghiệp Việt Nam