Lịch sử hình thành và phát triển

LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN VIỆN NGHIÊN CỨU HẢI SẢN

Trụ sở chính của Viện tại 224 Lê Lai, Ngô Quyền, Hải Phòng

Đầu những năm 1960, nghề khai thác hải sản bắt đầu phát triển đòi hỏi nghiên cứu khoa học biển phải chỉ ra các vùng cá tập trung, mùa vụ xuất hiện, phương tiện và các đối tượng khai thác chính để nâng cao hiệu quả đánh bắt. Từ nhu cầu bức thiết của thực tế và dựa trên cơ sở lực lượng cán bộ Việt Nam tham gia điều tra, thăm dò trên các tàu Orlik, Pelamida, Onda và Nora của Liên Xô cũ, tháng 11 năm 1961, Tổng cục Thủy sản đã quyết định thành lập Trạm Nghiên cứu Cá biển (Tiền thân Viện Nghiên cứu Hải sản ngày nay) với các bộ môn Ngư loại, Thủy học, Thủy sinh, Phóng xạ, Khai thác. Cơ sở chính đặt tại 454 Lê Lợi, sau đổi thành 170, nay là 224 Lê Lai, Ngô Quyền, Hải Phòng.

Quá trình hơn 60 năm phát triển, Viện đã nhiều lần tách, nhập, rồi lại tách khối Nuôi trồng Hải sản ra thành một đơn vị độc lập hoặc sáp nhập vào Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I. Qua từng thời kỳ, cơ cấu của Viện phải thay đổi để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ thực tiễn:

1961 - Trạm Nghiên cứu Cá biển, trực thuộc Cục Khai thác Chế biến, Tổng cục Thủy sản

1965 - Trạm Nghiên cứu Cá biển, trực thuộc Viện Nghiên cứu Thủy sản, Tổng cục Thủy sản

1967 - Trạm Nghiên cứu Hải sản, trực thuộc Viện Nghiên cứu Thủy sản, Tổng cục Thủy sản

1975 - Viện Nghiên cứu Hải sản, trực thuộc Tổng cục Thủy sản

1976 - Viện Nghiên cứu Hải sản, trực thuộc Bộ Hải sản

1981 - Viện Nghiên cứu Hải sản, trực thuộc Bộ Thủy sản

2007 - Viện Nghiên cứu Hải sản, trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

 

Giai đoạn từ năm 1961-1964:

Việt Nam sau nhiều năm bị chiến tranh tàn phá nên nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, trình độ dân trí còn thấp, nhiều lĩnh vực khoa học trong đó có cả khoa học biển thiếu cán bộ đầu đàn có trình độ trên đại học. Ngay khi hòa bình được lập lại ở miền Bắc, Nhà nước Việt Nam đã ra sức khôi phục nền kinh tế, đặc biệt rất chú ý đến việc phát triển kinh tế biển.

Để thực hiện Hiệp định Nghề cá Tây Bộ Thái Bình Dương giữa Liên Xô và Việt Nam, và để đón đầu đợt hợp tác giữa Việt Nam và Liên Xô (cũ) trong điều tra nguồn lợi - môi trường biển ở vịnh Bắc Bộ và các vùng phụ cận, các khu vực biển thuộc các Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và kéo dài xuống phía Nam đường Xích đạo, Bộ Nông Lâm và Bộ Công Nghiệp nhẹ phối hợp tổ chức Đoàn Thăm dò cá. Năm 1960, chương trình hợp tác với Liên Xô được triển khai. Để nắm bắt được kiến thức điều tra biển, các cán bộ khoa học của Đoàn thăm dò cá Việt Nam được phân chia thành các nhóm học tập (nhóm Ngư loại, Thủy sinh, Sinh vật đáy, Ký sinh trùng, Thủy hóa, Khai thác) dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia Liên Xô. Đây là một dịp rất tốt cho các cán bộ Việt Nam làm quen, học hỏi nâng cao trình độ nghiệp vụ của mình trong lĩnh vực điều tra biển.

Cùng thời điểm cuối năm 1959, Việt Nam đã ký Nghị định hợp tác với Trung Quốc điều tra tổng hợp vịnh Bắc Bộ. Chương trình hợp tác được bắt đầu từ năm 1959 và kết thúc vào tháng 6 năm 1963. Phía Việt Nam giao cho Ủy ban Khoa học kỹ thuật Nhà nước (Bộ KH&CN ngày nay) và Trạm Nghiên cứu biển (Phân viện Hải dương học vịnh Bắc Bộ nay là Viện Tài Nguyên và Môi trường biển) trực tiếp thực hiện, phía Trung Quốc là Viện Nghiên cứu Hải dương thuộc Viện Khoa học Trung Quốc.

Sau khi kết thúc đợt Hợp tác, trước khi rút về nước, Đoàn nghiên cứu, thăm dò cá Liên Xô đã để lại một bộ mẫu vật, một bộ tài liệu về khí tượng hải văn và nhiều trang thiết bị nghiên cứu có giá trị. Đặc biệt, Đoàn đã trang bị kiến thức về mặt tổ chức cũng như thực hiện trong công tác điều tra biển cho các cán bộ nghiên cứu khoa học biển Việt Nam. Các tài liệu điều tra thu thập được kết hợp với tài liệu khảo sát ở vịnh Bắc Bộ hợp tác với Trung Quốc giúp cho Ngành định hướng và xây dựng các nhiệm vụ chiến lược chuẩn xác hơn. Mặt khác nó còn giúp cho công tác giảng dạy của một số giảng viên, công tác quản lý và chỉ đạo sản xuất của Ngành có cơ sở khoa học hơn.  

Theo Nghị định của Hội Đồng Chính Phủ số 156 CP ngày 5/10/1961 qui định nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Tổng cục Thủy sản (TCTS), tháng 11 năm 1961 trên cơ sở Đoàn thăm dò cá cùng với nhu cầu bức thiết của sản xuất, Tổng cục Thủy sản đã ra Quyết định thành lập Trạm Nghiên cứu cá biển (tiền thân của Viện Nghiên cứu Hải sản ngày nay) và cử Ông Hoàng Xuân Hải (nguyên trưởng Đoàn thăm dò cá Việt Nam) làm Trạm trưởng, Ông Nguyễn Thu làm Trạm phó.

Cán bộ công nhân viên của Trạm lúc mới thành lập trên, dưới 50 người, số cán bộ có trình độ đại học chiếm khoảng 25% tổng số và chia thành các Tổ Nghiên cứu: Nguồn lợi, Ngư loại, Thủy học, Thủy sinh, Ký sinh trùng, Phóng xạ, Khai thác, Bộ phận Tổ chức - Hành chính, Kế hoạch - Vật tư và Thư viện.

Sau khi thành lập, Trạm được Tổng cục Thủy sản giao cùng với Viện Nghiên cứu Hải dương học Nghề cá Tây Bộ Thái Bình Dương (TINRO-Liên Xô) tiếp tục thực hiện chương trình hợp tác của 2 quốc gia. Tháng 2/1962 kết thúc đợt Hợp tác.

 

Từ đầu năm 1962, Trạm Nghiên cứu Cá biển (NCCB) đã độc lập tiến hành chương trình điều tra nguồn lợi - môi trường ven bờ Tây vịnh Bắc Bộ từ Quảng Ninh đến Quảng Bình. Do Trạm mới thành lập nên mọi thứ đều thiếu. Cơ sở làm việc của Trạm vẫn phải nhờ Đoàn tàu đánh cá Hạ Long. Đầu năm 1963, Trạm chuyển về khu nhà 3 tầng mới xây tại số 454 Lê Lợi sau đổi thành 170 nay là 224 Lê Lai - Máy Chai - Ngô Quyền - Hải Phòng. Lực lượng cán bộ vừa yếu lại vừa thiếu, không có cán bộ trên đại học, kiến thức về điều tra biển còn mới lạ đối với nhiều cán bộ, nhân viên, cơ sở vật chất nghèo nàn, trang thiết bị nghiên cứu lạc hậu, cũ kỹ và phần lớn do Đoàn thăm dò cá của Liên Xô để lại sau khi kết thúc Hợp tác. Tàu nghiên cứu là đôi Việt - Đức 11-12 (VĐ 11, VĐ 12) công suất 90cv và tàu 135cv được điều sang từ Đoàn tàu Đánh cá Hạ Long vào đầu năm 1962. Năm 1963-1964, Trạm được điều thêm tàu Việt - Trung 108 (VT 108) công suất 250cv để làm công tác điều tra bổ sung các ngư trường trọng điểm Bạch Long Vĩ, Đông Bắc Long Châu, Nam Cô Tô và tàu Việt - Xô 33.

Từ tháng 1 năm 1962, Trạm NCCB đã mời một số cán bộ thuộc Đài Nghiên cứu Khí tượng Trung ương, Láng - Hà Nội về hỗ trợ quan trắc các điều kiện khí tượng, hải văn và tiến hành chương trình điều tra tổng hợp vùng ven bờ Tây vịnh Bắc Bộ, phạm vi từ 40m nước trở vào bờ bằng lưới kéo đôi (Tàu Việt - Đức 11, Việt - Đức 12) với mạng lưới trạm khảo sát là 69, trạm nọ cách trạm kia từ 10-15 hải lý và tuyến trạm thường song song với vĩ tuyến. Mỗi tháng khảo sát một lần. Khi về bờ, các nhà khoa học tiến hành phân tích mẫu vật, chỉnh lý số liệu, vẽ bản đồ phân bố nguồn lợi và các điều kiện môi trường biển. Ngoài số liệu thu được qua các chuyến khảo sát, Trạm còn cử cán bộ đến các Quốc doanh và các nơi có nghề cá phát triển thu thập số liệu như: Quốc doanh Đánh cá Hạ Long (Hải Phòng), Ninh Cơ (Nam Định), Lạch Trường (Thanh Hóa), Cửa Hội (Nghệ An), Sông Gianh (Quảng Bình).

Năm 1963, từ số liệu đã thu được, Trạm bắt đầu tiến hành làm dự báo cá hàng tháng gửi các Ty Thủy sản các tỉnh ven biển phục vụ kịp thời sản xuất.

Năm 1963-1964, một số cán bộ trẻ là đoàn viên thanh niên của trạm đã hăng hái tòng quân vào Hải quân và lục quân của quân đội nhân dân Việt Nam tham gia chiến đấu chống đế quốc xâm lược.

Từ năm 1964, tàu Việt - Xô 33 (thuyền trưởng Lê Văn Bằng) được Tổng cục Hải quân trưng dụng phục vụ chiến đấu, tàu được giao nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, nhiên liệu cho các hải đảo và các căn cứ quân sự ở Nghệ An và Quảng Bình. Nhiệm vụ đặc biệt quan trọng nhất là lai dắt 2 tàu tuần la vào vùng biển Thanh Hóa để đánh lại tàu khu trục của Đế quốc Mỹ.

  

Giai đoạn từ năm 1965-1975:

Trong giai đoạn 1965-1975, cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ ngày càng ác liệt, chúng cho máy bay ném bom Hà Nội, Hải Phòng và nhiều thành phố khác không kể ngày đêm, hòng đưa miền Bắc Việt Nam trở lại thời kỳ đồ đá như chúng thường tuyên bố. Tàu chiến, tuần dương hạm của Hạm đội 7 tiến sâu vào vịnh Bắc Bộ, xâm phạm lãnh hải của ta. Trên không, máy bay AD.6, Thần Sấm (F-105), Con Ma (F-4H) quần đảo liên tục, Mỹ thả thủy lôi phong tỏa các cửa sông uy hiếp mọi tàu thuyền đi lại trên biển, chiến tranh bao trùm lên khắp cả nước.

Trước năm 1965, các Trạm, Trại nghiên cứu khoa học thủy sản đều do các Cục, Vụ chức năng của Tổng cục Thủy sản (TCTS) quản lý. Trạm nghiên cứu Cá biển có trụ sở ở Hải Phòng trực thuộc Cục Khai thác Chế biến, còn Trạm Nghiên cứu nuôi hải sản có trụ sở ở Quảng Ninh lại trực thuộc Vụ Nuôi, TCTS.

Năm 1965, Viện Nghiên cứu Thủy sản (NCTS) được thành lập, trực thuộc TCTS (đóng tại Hà Nội), vừa nghiên cứu KHKT - trực tiếp quản lý các Trạm Nghiên cứu, vừa có nhiệm vụ quản lý công tác KHKT toàn ngành thủy sản. Bắt đầu từ năm này, Viện NCTS quản lý Trạm Nghiên cứu Cá biển và Trạm Nghiên cứu nuôi hải sản có cơ sở chính ở 47 phố Đoàn Kết, Quảng Yên và Trại Thí nghiệm nuôi cá nước lợ ở Đại Thắng, Hòa Nghĩa, Kiến Thụy, Hải Phòng.

Để chống lại chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, thi hành lệnh của Lãnh đạo thành phố Hải Phòng, Trạm NCCB bố trí những người trong lực lượng tự vệ ở lại trực chiến bảo vệ cơ quan, CBCNV còn lại đều sơ tán ra ngoại thành Hải Phòng, số thanh niên trẻ trong diện nghĩa vụ sẵn sàng tòng quân ra chiến trường. Trạm bắt đầu triển khai nhiệm vụ điều tra ven bờ, thành lập Tổ điều tra tiền trạm ở Quảng Ninh.

Tháng 7 năm 1965, ông Hoàng Xuân Hải, trạm trưởng Trạm NCCB qua đời. Ông Nguyễn Thu được đề bạt Trạm trưởng, ông Trần Hữu Phương và ông Lê Văn Bằng làm Trạm phó.  

Năm 1966, một số bộ phận của Trạm chuyển ra sơ tán ở Móng Cái (Quảng Ninh), gồm 2 nhóm đề tài của Tổ chế biến, nhóm thông tin liên lạc VTĐ và tổ cơ điện cùng với 2 tàu Việt Triều 60cv sơ mi diegel. Các tàu Việt-Trung và Việt-Đức lần lượt đi Trung Quốc sơ tán cùng với Đoàn tàu đánh cá Hạ Long. Trên đường đi sơ tán lần này, tàu Việt Đức 12 (thuyền trưởng Lê Châu) bị máy bay Mỹ bắn phá làm 1 thủy thủ hy sinh và 1 bị thương.

Trong hoàn cảnh chiến tranh phá hoại diễn ra ngày càng ác liệt trên miền Bắc, thực hiện chủ trương “bám biển” nghiên cứu phục vụ phát triển nghề cá của TCTS, Trạm đã huy động toàn bộ lực lượng cán bộ nghiên cứu để thành lập Đoàn điều tra ven bờ làm nhiệm vụ điều tra nguồn lợi vùng ven bờ, vùng triều, cửa sông trên toàn miền Bắc. Đoàn được chia làm 3 đội điều tra ở 3 vùng trọng điểm nghề cá: Đội Quảng Ninh (còn gọi là Đội 304), Đội Thanh Hóa và Đội Nghệ-Tĩnh-Bình (còn gọi là Đội khu 4). Mỗi đội có 25 cán bộ chuyên môn về nguồn lợi, môi trường, khai thác, nuôi trồng do Đội trưởng và 2 Đội phó phụ trách. Mặc dù chiến tranh rất khốc liệt, nhiều cầu cống, đường sá bị phá hoại, đi lại gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm, nhưng mọi người đều bất chấp thủy lôi, pháo kích máy bay bắn phá đêm ngày, ban đêm nằm hầm chữ A, ban ngày vẫn động viên nhau đi hàng chục cây số đến các xã huyện ven biển, đi theo các tàu thuyền của xí nghiệp, của ngư dân tiến hành thu thập mẫu vật, lấy số liệu về hiện trạng khai thác cá, và điều tra nguồn lợi đặc sản ở vùng triều, cửa sông, các đảo… “bám trụ” liên tục cho đến năm 1974.

Năm 1967, Viện NCTS đã tiến hành chỉnh đốn và cải tổ các Trạm, Trại thí nghiệm để thành lập các trạm nghiên cứu mới. Trạm NCCB tiếp nhận Trạm Nghiên cứu nuôi hải sản, có cơ sở chính tại 47 Đoàn Kết (Quảng Ninh) và Trại nước lợ ở Hoà Nghĩa (Hải Phòng), đổi tên thành Trạm Nghiên cứu Hải sản (NCHS) và trực thuộc Viện NCTS quản lý. Cơ sở chính đóng tại 454 Lê Lợi sau đổi thành 170, nay là 224 Lê Lai, P. Máy Chai, Ngô quyền, Hải Phòng. Trạm trưởng là ông Nguyễn Thu, Trạm phó là các ông Lê Văn Bằng, Trần Hữu Phương.

Cơ cấu tổ chức của Trạm NCHS bao gồm các Tổ nghiên cứu: Nghiên cứu Nguồn lợi; nghiên cứu Môi trường biển; nghiên cứu Công nghệ Khai thác; nghiên cứu Công nghệ Chế biến; nghiên cứu Kỹ thuật Nuôi trồng với các trại Nước lợ Hoà Nghĩa (Hải Phòng), Trại Hàu ở Phà Rừng, Trại Trai ngọc Cô Tô (Quảng Ninh); Thông tin-Thư viện- Bảo tàng; Hành chính - Tổ chức; Kế hoạch - Vật tư; Tài vụ; Cơ điện và Đội tàu Nghiên cứu (gồm VT.108, VĐ.11, VĐ.12 và tàu 135cv).

Tháng 3/1968, do thất bại nặng nề tại chiến trường Miền Nam buộc Mỹ phải ngừng ném bom bắn phá Miền Bắc, chấp nhận đàm phán tại Hội nghị Paris.

Các bộ phận sơ tán ở ngoại thành (Hải Phòng) và Móng Cái (Quảng Ninh) cùng 2 tàu Việt-Triều đều tập trung trở về cơ quan. Các tàu Việt Trung 108, Việt Đức 1 và 2 đi sơ tán ở Trung Quốc cũng trở về Cảng Hải Phòng.

Thời gian từ 1965 đến 1974, Trạm NCCB và Trạm NCHS đã tiến hành thu thập số liệu trên 3 loại tàu sản xuất có sức kéo 200cv, 400cv và 1000cv của Quốc doanh Đánh cá Hạ Long. Dựa vào số liệu thu được, bước đầu các nhà khoa học tiến hành tính toán trữ lượng nguồn lợi và khả năng khai thác và tiếp tục làm dự báo khai thác cá phục vụ sản xuất.  

Tháng 5 năm 1971, cán bộ nghiên cứu và cơ sở vật chất của khối nuôi trồng nước lợ thuộc Trạm NCHS được tách ra để chính thức thành lập Trạm Nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản nước lợ (NCNTTSNL), trụ sở chính đóng tại Đại Thắng, xã Hoà Nghĩa, Kiến Thuỵ, Hải Phòng. Trạm NCHS vẫn quản lý các Trại nuôi hàu, trai ngọc và cơ sở ở 47 Đoàn Kết, Quảng Yên (Quảng Ninh) và thực hiện các đề tài nghiên cứu về nhuyễn thể cho đến cuối năm 1975.

Năm 1972, Ông Nguyễn Đình Thức được điều từ Viện Nghiên cứu Thủy sản về làm Trạm trưởng, các ông được đề bạt Trạm phó: PTS.Vũ Văn Liễu (1972 - 1975), PTS. Hoàng Công Hác (1973) và PTS. Hồ Thọ (1974).

Tháng 4/1972, Mỹ điên cuồng ném bom lại Miền Bắc lần thứ 2 với một qui mô lớn, cường độ ác liệt hơn, nhằm giành ưu thế trên bàn đàm phán tại Hội nghị Paris. Chúng thả bom, mìn, thủy lôi phong tỏa các cầu cảng, các cửa sông, luồng lạch thuộc các tỉnh ven biển, đặc biệt là Hải Phòng, Quảng Ninh. Tàu chiến Hạm đội 7 ngày đêm pháo kích vùng ven biển Miền Bắc, dùng máy bay B.52 rải thảm một số thành phố. Trong hoàn cảnh đó, Trạm NCHS một lần nữa phải sơ tán ra ngoại thành. Đội xung kích ngày đêm trực chiến, không rời ụ súng, bắn trả quyết liệt mỗi khi máy bay địch đến quấy phá, bảo vệ an toàn khu nhà làm việc 3 tầng, trừ dãy nhà thực nghiệm chế biến bị hư hại nhẹ.

Ngày 18/12/1972, một lần nữa Mỹ muốn ép ta phải nhượng bộ trên bàn Hội nghị Paris, chúng đã tiến hành cuộc tập kích chiến lược bằng không quân, ném bom rải thảm thành phố Hà Nội, Hải Phòng,… Trận chiến kéo dài 12 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội, (được gọi là “Điện Biên Phủ trên không”), quân và dân ta đã chiến đấu kiên cường và chiến thắng oanh liệt, bắn rơi trên 80 máy bay, trong đó có hơn 30 máy bay chiến lược B 52 của Mỹ.

Mỹ bị thất bại nặng nề trong Trận chiến 12 ngày đêm, buộc Nich Sơn phải ra lệnh chấm dứt không điều kiện cuộc tập kích, chịu thua trên bầu trời Hà Nội, thua trên bàn đàm phán, và ngày 27 tháng 1 năm 1973 buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Mỹ cam kết không dính líu về quân sự hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của Miền Nam Việt Nam, cam kết rút hết quân đội Mỹ và các nước đồng minh ra khỏi Miền Nam, chấm dứt mọi hoạt động quân sự ở Miền Bắc Việt Nam.

Sau ký kết Hiệp định Paris, mọi hoạt động trên vịnh Bắc Bộ dần trở lại bình thường, Trạm NCHS tiếp tục triển khai công tác điều tra các ngư trường trọng điểm: Nam Cô Tô; Bạch Long Vĩ; Hòn Mê; Hòn Mát (1972 - 1973), điều tra bãi tôm vùng biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá trên đôi tàu NC 01, NC 02 có công suất 200cv (1973 - 1974), dùng tàu Việt - Trung 108 đánh cá kiểm chứng các khu vực dự báo khai thác (1974 - 1976), thu thập số liệu trên tàu sản xuất của các quốc doanh Đánh cá Hạ Long (Hải Phòng); xí nghiệp Đánh cá Ninh Cơ (Nam Định); Lạch Bạng (Thanh Hoá); Cửa Hội (Nghệ An), Sông Gianh (Quảng Bình), chỉnh lý toàn bộ số liệu khai thác 11 năm (1965 - 1975) của 3 đội tàu khai thác có công suất 200cv, 400cv, 1000cv của Quốc doanh Đánh cá Hạ Long phục vụ cho dự báo khai thác cá, tính toán trữ lượng nguồn lợi và khả năng khai thác. Duy trì làm dự báo khai thác cá gửi cho các Ty, Sở Thuỷ sản các tỉnh ven biển. Tổng hợp các số liệu thu được, các nhà khoa học đã tiến hành tính toán trữ lượng nguồn lợi và khả năng khai thác tại vùng biển vịnh Bắc Bộ.

Để đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công việc, với sự trưởng thành và lớn mạnh, xứng với tầm cỡ của 2 Trạm, Ngày 20/4/1975 Chính phủ quyết định thành lập Viện Nghiên cứu Hải sản (NCHS) trên cơ sở Trạm NCHS. Địa điểm tại 170 nay là 224 Lê Lai Hải Phòng. Viện NCHS ra đời đánh dấu 15 năm trưởng thành của Trạm NCHS, chính thức đảm nhận nhiệm vụ nghiên cứu khoa học nghề cá trong phạm vi cả nước, được Tổng cục TS tăng cường thêm nhiều cán bộ đại học, trên đại học, tàu điều tra và trang thiết bị nghiên cứu hiện đại. Đặc biệt thành phố Hải Phòng cấp thêm đất đai mở rộng diện tích trụ sở làm việc và khu tập thể. Cuối năm 1975, Viện NCHS chuyển giao cơ sở vật chất ở 47 Đoàn Kết, Trại Hàu Phà Rừng, Đầm Lá Cờ (Quảng Yên), Cửa Lục (Hòn Gai), Trại Trai ngọc Cô Tô cho tỉnh Quảng Ninh.

 

Giai đoạn từ năm 1976-1985:

Miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, mọi người dân đều hân hoan với chiến thắng và vui sống trong bầu không khí hoà bình trọn vẹn. Trên dọc tuyến bờ biển dài 3260 km từ Móng Cái đến Hà Tiên ngư dân đã thực sự làm chủ vùng biển của mình và yên tâm khai thác nguồn tài nguyên phong phú có trong nó.

Là cơ quan khoa học chuyên ngành về biển, Viện NCHS luôn xác định nhiệm vụ nặng nề của mình là phải đưa khoa học kỹ thuật đi trước một bước, phải đào sâu nghiên cứu, áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại trên thế giới vào Việt Nam. Trong hoàn cảnh đất nước mới hoà bình , vết tích tàn phá của chiến tranh còn ngổn ngang, đất nước còn nghèo nàn, lạc hậu đòi hỏi mỗi cán bộ khoa học phải biết lựa chọn cho mình một hướng đi ngắn nhất, có hiệu quả cao, biết tận dụng tối đa sự hỗ trợ của các nước trên thế giới vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam.

Từ nhận thức trên, Viện NCHS luôn sẵn sàng tiếp nhận những sự hỗ trợ, giúp đỡ của các nước bạn. Trong khi chờ đợi các Đề tài/Dự án mới, Viện tiếp tục thực hiện đề tài điều tra cá nổi vùng biển gần bờ ở các tỉnh có nghề cá phát triển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình và dùng tàu Việt Trung 108 đánh kiểm tra các khu vực dự báo khai thác cá. Tổ quốc hoàn toàn thống nhất, cả nước khẩn trương khắc phục hậu quả chiến tranh, Nhà nước cùng các Bộ, Ngành đã xây dựng nhiều chương trình khoa học lớn nhằm thúc đẩy nền kinh tế phát triển, vì vậy nhiệm vụ của Viện trong thời gian này sẽ nặng nề hơn.

Năm 1976, Viện NCHS khẩn trương tuyển dụng đội ngũ cán bộ thuyền viên đi Na Uy học tập và năm 1977, Viện chính thức tiếp nhận tàu Nghiên cứu Biển Đông công suất 1500cv rất hiện đại do vương quốc Na Uy tài trợ tại cảng cá Hải Phòng. Tàu được trang bị lưới kéo đáy, lưới kéo tầng giữa, lưới vây và hệ thống dò thuỷ âm đồng bộ trị giá 5 triệu USD.

Tháng 12/1977, Viện NCHS dùng tàu Nghiên cứu Biển Đông tiến hành điều tra nguồn lợi cá nổi vùng biển Thuận Hải - Minh Hải (gồm 4 tỉnh: Bình Thuận, Ninh Thuận, Bạc Liêu, Cà Mau ngày nay). Đây là đợt điều tra tổng hợp các yếu tố môi trường, nguồn lợi cá nổi khá qui mô. Tổng số 24 chuyến khảo sát được tiến hành hàng tháng, bắt đầu từ tháng 12/1977 đến tháng 1/1981. Tài liệu thu được rất có giá trị cho việc đánh giá trữ lượng cá nổi, qui luật phân bố nhiệt mặn, hệ thống dòng chảy, phạm vi hoạt động của các tâm xoáy thuận, nghịch thuộc vùng biển nghiên cứu.

Tháng 5 năm 1978, Viện NCHS vinh dự được đón tiếp Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm Viện. Thủ tướng đã nghe đồng chí Nguyễn Đình Thức, Viện trưởng báo cáo công tác điều tra nguồn lợi biển Việt Nam, đồng chí Phạm Ngọc Đẳng báo cáo về điều tra nguồn lợi tôm. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã 3 lần đến thăm Viện. Sự kiện này thể hiện sự quan tâm, săn sóc và chỉ bảo ân cần của cá nhân Thủ tướng và Nhà nước đối với Viện. Lần thứ 3 đến thăm Viện, Thủ tướng xuống thăm tàu NC Biển Đông đã tặng nhiều sách chính trị và chụp ảnh kỷ niệm với cán bộ thuyền viên tàu NC Biển Đông, với các chuyên gia Nauy.

Tháng 10/1978, Phó thủ tướng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm và khảo sát công tác điều tra tôm trên tàu NC 01 của Viện.

Năm 1978, Viện NCHS và Tàu NC Biển Đông cũng rất vinh dự được đón tiếp Chủ tịch Đảng Xã hội Nauy, Đoàn Đại biểu TƯ và thành phố Hải Phòng, đồng chí Trần Quốc Hoàn (Bộ trưởng Bộ Công an), đồng chí Đỗ Chính (Bộ trưởng Bộ Hải sản), đồng chí Nguyễn Bá Phát (Thứ trưởng Bộ Hải sản).

Trong bối cảnh đất nước ta lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, bắt đầu từ những năm cuối thập niên 70 và bùng phát trong thập niên 80 của thế kỷ trước, một số nước lại bao vây cấm vận đối với Việt Nam, Nhà nước ta tăng cường hợp tác với Liên Xô (cũ) tiến hành trong nhiều năm các chuyến khảo sát, điều tra nguồn lợi hải sản và môi trường vùng thềm lục địa biển Việt Nam nhằm phát triển nghề cá xa bờ ở nước ta.

Cuối năm 1978 được hai nhà nước Việt Nam và Liên Xô (cũ) cho phép, hai Viện Nghiên cứu Hải sản (NCHS) với Viện Nghiên cứu Hải dương học Nghề cá Tây bộ Thái Bình Dương (TINRO) hợp tác khảo sát và đánh cá thăm dò, điều tra các điều kiện môi trường biển thuộc vùng thềm lục địa biển Việt Nam. Phạm vi khảo sát: Suốt từ Móng cái đến tận 6o30vĩ độ Bắc. Phía Liên Xô điều nhiều tàu khảo sát có trang bị các ngư lưới cụ, thiết bị nghiên cứu hiện đại như tàu lặn, máy phát xung điện, máy quay phim chụp ảnh dưới nước, máy đo dòng chảy tự ghi,… Đây là một trong những chương trình hợp tác với nước ngoài điều tra biển lớn nhất của Việt Nam từ trước tới nay.

Trong năm 1978 - 1979, Viện NCHS còn đón tiếp một số đoàn Đại biểu nước ngoài đến thăm: Đoàn cán bộ khoa học Bộ Nghề cá Liên Xô do Bộ trưởng dẫn đầu, Đoàn cán bộ khoa học trên các tàu nghiên cứu của Liên Xô.

Chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Liên Xô (TINRO) khảo sát và thăm dò nguồn lợi cá biển Việt Nam kéo dài hơn 10 năm (12/1978 - 4/1988) đã tiến hành 33 chuyến khảo sát biển trên các loại tàu có công suất từ 800cv đến 3880cv. Khối lượng tài liệu thu được là rất lớn và có giá trị khoa học cao. Những tài liệu này cộng với tài liệu của đợt hợp tác với Liên Xô 1960 - 1962, chương trình điều tra cá nổi vùng biển Thuận Hải - Minh Hải và các tài liệu điều tra khác đã vẽ lên một bức tranh toàn cảnh về sự đa dạng và phong phú của nguồn lợi cá đáy, cá nổi và một số loài hải sản khác, các khu cá tôm tập trung, hê thống dòng chảy, nước trồi, nước chìm, sự phân bố và biến động của các yếu tố môi trường, vị trí các gò nổi và địa hình đáy trên toàn vùng đặc quyền kinh tế biển Việt Nam.

  

Giai đoạn từ năm 1986-2000:

Những năm cuối thập niên 70 đến năm đầu thập niên 90, đất nước ta phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Hậu quả chiến tranh xâm lược do Mỹ gây ra chưa kịp hàn gắn thì lại xảy ra cuộc chiến ở phía Tây Nam và ở các tỉnh phía Bắc, bị các nước bao vây, cấm vận, cơ chế tập trung, quan liêu bao cấp còn nặng nề dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng, lạm phát tăng nhanh, đời sống của người dân ở dưới mức nghèo khổ, vì vậy kinh tế đầu tư cho KHCN rất ít, một số cán bộ không có đề tài/dự án phải “ngồi chờ công việc” đã nảy sinh dao động nhất định.

Ngày 15/12/1986, Đại hội VI Đảng Cộng sản Việt Nam khai mạc. Nghị quyết Đại hội đã khẳng định: “Kiên quyết đổi mới tư duy, đổi mới cơ chế quản lý kinh tế tập trung quan liêu bao cấp chuyển sang cơ chế thị trường sản xuất hàng hoá theo định hướng XHCN”. Nhà nước quyết tâm áp dụng các biện phap đổi mới quản lý kinh tế, tháo gỡ các khó khăn về nông, công nghiệp, giao thông vận tải, lương thực giữa Nam và Bắc được điều hoà, không còn cảnh ngăn sông cấm chợ, lòng tin của dân vào Đảng và Nhà nước được khôi phục. Từ năm 1992 trở đi, kinh tế nước ta bước vào giai đoạn ổn định và phát triển, các đầu tư cho nghiên cứu khoa học công nghệ cũng tăng lên nhiều.

Trong những năm đầu của thập kỷ 80, thực hiện chủ trương “lấy nuôi bù đánh”, Bộ Thuỷ sản ra sức phát triển nghề nuôi trồng thuỷ sản nhằm đẩy mạnh xuất khẩu trong cả nước. Vì vậy, trong số đề tài/dự án thuộc Chương trình KHCN cấp Nhà nước 08A, Viện Nghiên cứu Hải sản đã được giao chủ trì chủ yếu thuộc về lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Hướng chính của các đề tài/dự án là tập trung vào hai đối tượng có giá trị xuất khẩu cao: con tôm và cây rong câu. Nội dung nghiên cứu cơ bản được thể hiện qua các đề tài: Điều tra sự phân bố và biến động số lượng tôm giống vùng cửa sông ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa; Kỹ thuật sản xuất giống tôm he kinh tế, giống tôm càng xanh; Tìm những biện pháp tạo nguồn tôm bố mẹ nhằm nâng cao năng suất sinh học trong các trại sản xuất giống tôm; Kỹ thuật nuôi tôm he (Penaeus merguiensis) thương phẩm; Điều tra hiện trạng nguồn lợi, đặc điểm sinh học, kỹ thuật sản xuất giống và trồng rong câu chỉ vàng ở vùng nước lợ đạt năng suất 3 tấn khô/1ha/năm; Nghiên cứu cấy trai ngọc và một số loài nhuyễn thể 2 mảnh vỏ; Một số đề tài phụ giúp cho việc sản xuất giống tôm và trồng rong câu cũng được đặt ra: Nghiên cứu kỹ thuật nuôi artemia thu trứng bào xác ở ruộng muối (Đề tài được huy chương vàng tại Hội chợ Giảng Võ); Nghiên cứu công nghệ nuôi sinh khối tảo silic làm thức ăn cho ấu trùng tôm; Nghiên cứu đặc điểm sinh học và cách phòng trừ rong tạp...

Năm 1987, PGS.PTS. Bùi Đình Chung bảo vệ thành công luận văn TSKH trở về Viện tiếp tục công tác và giữa năm này được đề bạt Viện trưởng thay ông Nguyễn Đình Thức chuyển làm Bí thư Đảng ủy kiêm Phó Viện trưởng.

Ngoài nhiệm vụ chính trị, Viện đã giúp Nghĩa Bình (Quảng Ngãi - Bình Định) điều tra các điều kiện sinh thái Đầm Thị Nại (1986-1987); điều tra quy hoạch vùng triều phục vụ nuôi trồng thủy sản xuất khẩu cho huyện Hải Hậu - Nam Định (1987-1988), Thái Bình (1990-1991), Viện vẫn tiếp tục duy trì hợp tác với Hợp tác xã Liên Vị Quảng Yên - Quảng Ninh) chuyển giao công nghệ nuôi trồng hải sản, giúp Công ty Đánh bắt hải sản Tây Nam hợp tác với Tập đoàn BH Thái Lan, với Công ty hải sản Hàn Quốc đánh cá thăm dò khai thác vùng biển Đông - Tây Nam Bộ (1988-1991).

Đặc biệt, theo yêu cầu của Văn phòng Chính Phủ, năm 1986 Viện đã cử một nhóm cán bộ khoa học làm việc với Hãng cáp ngầm Sin - Hon - Tai (Singapore - Hong kong - Taiwan) và năm 1989-1990 với Hãng Sin - Hon (Singapore - Honkong), phân tích, cung cấp một số tài liệu về dòng chảy, nhiệt độ, độ muối, địa hình đáy ở dải hẹp ngoài khơi thuộc vùng thềm lục địa biển Việt Nam và đã mang lại hàng chục ngàn đôla Mỹ cho Nhà nước Việt Nam.

Tiếp tục thực hiện kế hoạch giảm biên, trong năm 1987 và những năm tiếp theo, Viện tích cực giải quyết theo chính sách chế độ cho những người trong diện giảm biên mà xí nghiệp đang quản lý. Đối với những người không có công việc hoặc thiếu năng lực công tác mà hoàn cnảh gia đình rất khó khăn, Viện liên hệ chuyển cơ quan cho thuỷ thủ đoàn của tàu NC01, NC02 sang công ty pha sông biển, nhiều người đi xuất khẩu lao động ở Liên Xô. Đối với số người còn lại, Viện lần lượt giải quyết theo chế độ: số người thiếu năm công tác yếu sức về nghỉ mất sức, số đủ tuổi về hưu, một số chuyển cơ quan khác. Cho đến khi số cán bộ Đại học, Trung cấp được trở lại biên chế phòng chuyên môn, năm 1993 cuộc giảm biên mới thực sự kết thúc.

Cuối năm 1987, Viện thu gọn bộ máy, tinh giảm biên chế của Phòng Cơ điện; gộp các phòng Tổ chức Hành chính, Kế hoạch Vật tư, Tài vụ vào một đơn vị gọi là Văn phòng. Sau khi sắp lại bộ máy, cơ cấu tổ chức của Viện lúc đó là: 1 - Phòng Nghiên cứu Nguồn lợi; 2 - Phòng Nghiên cứu Môi trường biển; 3 - Phòng Công nghệ Khai thác; 4 - Phòng Công nghệ Chế biến; 5 - Phòng Kỹ thuật nuôi; 6 - Văn phòng; 7 - Phòng Thông tin, Thư viện; 8 - Xí nghiệp Sản xuất và Dịch vụ Thủy sản; 9 - Tàu Nghiên cứu Biển Đông; 10 - Tổ Cơ điện; 11 - Tổ tin học (Trực thuộc Viện trưởng).

Để đưa các thành tựu khoa học trong nhiều năm nghiên cứu của Viện vào sản xuất, trên nền tảng của Trung tâm dạy nghề EC. Năm 1990 - 1993, Viện NCHS đã thành lập Trung tâm dạy nghề và chuyển giao công nghệ EC để giúp Cộng đồng chung Châu Âu dạy nghề nuôi trồng và chế biến thủy sản cho những người hồi hương), Viện đã thành lập Trung tâm dạy nghề và chuyển giao công nghệ thủy sản miền Bắc do GS.TSKH. Bùi Đình Chung trực tiếp làm Giám đốc Trung tâm; sau này đề bạt thêm ông Chu Tiến Vĩnh làm Phó Giám đốc (1994).

Trước khi bước sang năm đầu của kế hoạch 5 năm lần thứ 3 sau thời kỳ đổi mới (1996), Chính phủ đã ra quyết định 25 CP ngày 24/1/1995 quy định chức năng, nhiệm vụ mới của Viện NCHS. Từ quyết định 25 CP trên của Chính phủ, các hoạt động KHCN của Viện có định hướng hơn, mở rộng hơn, mạnh dạn liên doanh, liên kết với các tổ chức chính phủ, phi Chính phủ trong và ngoài nước về các lĩnh vực điều tra nghiên cứu nguồn lợi, môi trường, các công nghệ nuôi trồng, khai thác, chế biến, đào tạo và chuyển giao công nghệ, thông tin, tư vấn, dịch vụ KHCN.

Trong kế hoạch 5 năm lần thứ 3 sau thời kỳ đổi mới (1996-2000), Viện NCHS đã nhận thức cần phải nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho từng cán bộ nhân viên toàn Viện để hòa nhập với khu vực và theo kịp nền khoa học tiên tiến, hiện đại của Thế giới. Ngày 28 tháng 12 năm 1996, Hội đồng Đào tạo Sau đại học của Viện lần đầu tiên tổ chức Hội nghị bảo vệ luận án Phó tiến sĩ cho 4 Nghiên cứu sinh của Viện thành công và trước đó, tháng 5/1996 có 01 nghiên cứu sinh đã nhận học vị Phó tiến sĩ sinh hóa do Hội đồng Đào tạo Sau đại học trường Đại học Tổng hợp - Đại học Quốc gia Hà Nội trao.

Hè năm 1998, Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn, Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc và Phó Chủ tịch thành phố Hải Phòng Trần Huy Năng đến thăm và làm việc với Viện. Viện đã báo cáo cho Đoàn các kết quả điều tra, nghiên cứu về nguồn lợi, môi trường biển, về nuôi tôm và trồng rong câu.

Tháng 6 năm 2000, theo Quyết định của Bộ Trưởng Bộ Thủy sản số 521/2000/QĐ-TS ngày 8/6/2000, bộ phận nuôi trồng hải sản được chuyển giao cho Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I, Đình Bảng (Bắc Ninh).

Tháng 7/2000, GS.TSKH. Bùi Đình Chung nghỉ quản lý theo quy định, PGS.TS. Đỗ Văn Khương lên làm Viện trưởng. Các Phó Viện trưởng: Ông Nguyễn Văn Ngoạn, PTS. Đào Mạnh Sơn.

 

Giai đoạn từ năm 2000 đến nay

Bước sang thế kỷ 21, thế kỷ của KHCN cao. Là một cơ quan nghiên cứu khoa học biển rất đa ngành, trọng tâm là nghiên cứu nguồn lợi, môi trường và đa dạng sinh học biển, Viện NCHS phải định ra các hướng nghiên cứu trước mắt và lâu dài phục vụ cho việc hoàn thiện đánh giá chuẩn xác trữ lượng nguồn lợi cá nổi, cá đáy ở các vùng biển Bắc, Trung, Nam Bộ, các vùng biển sâu và gần bờ, khả  năng khai thác chung của từng đối tượng và các vùng khai thác, tác động của môi trường và biến đổi khí hậu đến tài nguyên sinh vật biển. Nghiên cứu đặc điểm sinh học, đặc điểm sinh thái môi trường của các hệ sinh thái biển, các công nghệ khai thác thích hợp cho các đối tượng để bảo vệ đa dạng sinh học biển, giúp chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp, sử dụng hợp lý và quản lý bền vững nguồn lợi hải sản, môi trường vùng biển Việt Nam. Chú trọng nghiên cứu ứng dụng, cải tiến công nghệ bảo quản, chế biến hải sản hiện đại, tiên tiến, nghiên cứu triết suất các hoạt tính sinh học cao từ sinh vật biển. Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong các lĩnh vực cấu trúc gen, di truyền, chọn giống hải sản, vi sinh vật trong xử lý môi trường; Nghiên cứu, đề xuất đối tượng mới của nghề nuôi trồng hải sản.

Xuất phát từ những cơ sở lý luận, những yêu cầu khoa học trên, trong thập kỷ đầu của thế kỷ 21, để triển khai một khối lượng lớn các đề tài/dự án, Viện NCHS đã chuẩn bị lực lượng cán bộ, máy móc, thiết bị, cơ sở vật chất đủ tầm, các biện pháp triển khai, quản lý thích hợp.

Tháng 7 năm 2001, Bộ Thủy sản đã quyết định thành lập “Trung tâm quan trắc, cảnh báo môi trường trên cơ sở Phòng nghiên cứu Môi trường biển” nhằm nâng cao vai trò giám sát và cảnh báo kịp thời ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, của quá trình đô thị hóa, của nuôi trồng và chế biến thủy sản tập trung, của các cảng cá,… đến môi trường thủy hải sản và đề xuất các giải pháp quản lý nghề cá thích hợp.

Ngày 8 tháng 11 năm 2001, Nhân dịp Lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Viện và đón nhận Huân chương Lao động Hạng Ba, Viện đã tổ chức Hội thảo Quốc tế về chuyên đề “sử dụng hợp lý và bền vững nguồn lợi hải sản biển Việt Nam”. Trong Hội thảo đã có nhiều ý kiến đánh giá hiện trạng nguồn lợi biển Việt Nam, đóng góp các giải pháp quản lý và sử dụng bền vững nguồn lợi. Về dự có PTS. Nguyễn Việt Thắng - Thứ trưởng Bộ Thủy sản.

Năm 2002, Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc và Thứ trưởng Nguyễn Việt Thắng đến thăm và làm việc với lãnh đạo Viện Nghiên cứu Hải sản.

Tháng 3 năm 2005, Viện sáp nhập 2 Phòng Thông tin KHCN - Thư viện và Phòng Tin học lấy tên là Phòng Tin học - Thông tin KHCN

Tháng 12 năm 2006, Viện tổ chức Lễ kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Viện và đón nhận Huân chương Lao động Hạng Hai. Bộ trưởng Bộ Thủy sản Tạ Quang Ngọc đã về dự và chúc mừng Viện.

Năm 2009 thành lập mới: Trung tâm Phát triển Nghề cá và Đa dạng Sinh học vịnh Bắc Bộ và Tổ Nghiên cứu Hải dương học Nghề cá. Phòng Tin học - Thông tin KHCN đổi tên thành Phòng Thông tin KHCN và Hợp tác Quốc tế. Văn phòng đổi tên thành Phòng Tổ chức - Hành chính. Năm 2013 thành lập Trung tâm Dự báo ngư trường khai thác hải sản.

Năm 2009, PGS.TS. Đỗ Văn Khương nghỉ quản lý, TS. Chu Tiến Vĩnh - Cục trưởng Cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi kiêm Viện trưởng Viện NCHS.

Đến tháng 03/2010, TS. Chu Tiến Vĩnh nghỉ quản lý theo chế độ, ThS. Phạm Huy Sơn lên làm Phó Viện trưởng Phụ trách Viện.

Tháng 11/2013, ThS. Phạm Huy Sơn nghỉ quản lý theo chế độ, TS. Nguyễn Quang Hùng lên làm Viện trưởng.

Tháng 12/2017, TS. Nguyễn Quang Hùng được phong hàm Phó Giáo sư và được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT điều động lên làm Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, TS. Nguyễn Khắc Bát lên làm Viện trưởng Viện nghiên cứu Hải sản đến nay./.