Vượt cửa Lăng Cô
Khi tôi đến thì đoàn cán bộ của Viện Nghiên cứu Hải sản trong đề tài “Xây dựng quy trình kỹ thuật nuôi cấy phục hồi san hô cứng ở vùng biển Việt Nam” do Thạc sĩ Nguyễn Văn Hiếu làm Chủ nhiệm đã làm việc được 4 ngày tại khu vực Hải Vân - Sơn Chà, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Tiếc rằng từ đó, hôm thì biển động, hôm thì nước đục, đoàn không thể tác nghiệp được cứ phải ở trên bờ ròng rã suốt 3 ngày liền. Đến ngày thứ ba, được ngư dân báo về sóng yên, biển trong, cả đoàn lục tục lên đường khiến lòng tôi vui như mở hội.
Chúng tôi vượt cửa Lăng Cô trên con thuyền to nhất của thị trấn nhưng nó cũng chỉ dài hơn 10 m, đóng bằng gỗ, ván nhiều thanh đã mục hoặc sứt sẹo, bạc phếch màu thời gian. Trên khoang là 4 bộ dụng cụ lặn, 1 máy nén khí, 8 bình khí nén mỗi chiếc đủ để thợ lặn xuống độ sâu 10 m thở trong khoảng 1,5 giờ, các dây chì buộc vào người cho chìm, thùng xốp, máy ảnh chống nước, túi đựng mẫu…
Đoàn các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu Hải sản chuẩn bị lặn xuống biển. Ảnh: Dương Đình Tường.
“Pành, pành, pành”. Tiếng máy nổ chát chúa át cả tiếng người. Nguyễn Quang Dũng - thành viên tập sự, trẻ nhất đoàn giật dây khởi động chiếc máy nén bơm khí vào bình, đồng thời chuẩn bị những giá thể để cấy san hô bằng những dải lưới inox. Thuyền chực chỉ bãi Cả, chạy chừng 15 phút là tới nơi.
Trong lúc các nhà khoa học lặn xuống biển với cây búa, cái đục và chiếc rổ nhựa để tách giống, phục vụ cho việc cấy san hô, anh Lê Văn Thọ - chủ nhân của chiếc thuyền to nhất thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế kể cho tôi nghe về những biến cố lớn trong đời của dân quê mình. Từ năm 1982-1992 phương tiện đánh bắt lạc hậu cộng với sự sai lầm của cơ chế mà sinh ra đói, rất nhiều người phải bỏ xứ vượt biên với cái giá 1-2 lạng vàng mỗi lượt. Họ chen chúc nhau trên những con thuyền thúng chỉ nhỏ như cái lá, phó mặc mạng sống cho ông trời. 10 người đi thì 7-8 người gửi xác nơi biển cả.
Rồi đợt ô nhiễm của nhà máy thép Formosa năm 2016, cá chết nổi trắng biển như những lớp phao xốp, có những con dài bằng cả cái đòn gánh, đẩy đưa mùi hôi thối xa tới vài trăm mét. Lúc đó, vợ chồng anh Thọ phải gác thuyền tạm nghỉ nghề đi biển, lên đèo Hải Vân dựng vài cái cọc đủ che một tấm vải bạt, bán nước nuôi đàn con 5 đứa. Mấy người quản lý giao thông ra đuổi, anh cứ một hai van xin để cho làm nếu không thì cả gia đình sẽ chết đói. Hơn 1 năm sau, cá lác đác xuất hiện, họ lại giong thuyền ra biển.
Anh Lê Văn Thọ khoe con cá nhói mới câu được. Ảnh: Công Điền.
Nhưng cứ theo anh Thọ, Formosa chỉ là một giọt nước tràn ly chứ trước đó biển đã cạn kiệt lắm rồi: “Mươi năm về trước, khi tôi lặn xuống biển ở bãi Cả thấy san hô mọc dày, cao như một khu rừng rồi chúng cứ chết dần, từ xanh nhạt chuyển sang màu trắng, cuối cùng là màu nâu và tan ra hết. Đủ các loại đánh bắt hủy diệt như giã cào, xung điện, chất nổ, chất độc xyanua khiến cho môi trường bị ảnh hưởng.
Sau sự cố Formosa thì mười phần san hô ở đây chỉ còn lại một, nguồn lợi thủy sản xưa mười phần giờ không còn được hai. Bốn đời nhà tôi làm nghề biển. Biển có thì con cái trong gia đình chi tiêu được rộng rãi, còn không là khó khăn. Tôi đã phải bán ba vàn lưới mắt lớn vì không còn cá nữa, chỉ giữ lại một vàn lưới mắt nhỏ. Khi mua chúng có giá trên 100 triệu, lúc bán chỉ được 30 triệu. Thằng con trai tôi đang theo nghề biển bất đắc dĩ vì sau khi đi bộ đội về vẫn chưa tìm được nghề gì khác”.
Cách đây mấy năm ở khu vực bãi Chuối trong nhiều lần bủa lưới anh Thọ còn bắt gặp cá heo vào theo. Chúng gỡ cá trong lưới khéo còn hơn cả người rồi ngốn cứ rào rào: “Mỗi lần các “ông” cá heo đến là mực, tôm, cá đều sạch phần vì các ông ăn, phần vì ngửi thấy hơi của các ông là tôm, cá, mực sợ chạy trốn hết. Tôi phải nói, các ông bơi đi để tôi kéo mẻ lưới này đã rồi thì cùng đua.
Nghe thế, không thấy các ông đâu nữa. Kéo xong lưới, nổ máy cái là đã thấy các ông xuất hiện rồi. Lúc đầu các ông còn khỏe, bơi trước mũi thuyền của mình, sau 10-15 phút bơi ngang với thuyền, cuối cùng mệt đành bơi sau thuyền, liên tục nổi đầu lên để hít không khí. Sức đâu mà đua với máy được?
Một thợ lặn đang bắt ốc dưới biển. Nền đáy gần như trơ trọi không có gì. Ảnh: Viện nghiên cứu Hải sản.
Cũng khu vực đó có lần chong đèn tôi còn thấy ông cá voi dài ngang với cái thuyền của mình, tức 13,5 mét, nặng chắc cỡ 15-20 tấn nên vội kéo lưới lên, nổ máy mà chạy. Chạy một hồi lâu sau, nghĩ là ông không đuổi theo nữa tôi mới tắt máy, lại thấy ông nổi lên ở bên cạnh thuyền rồi. Nhưng hai năm nay khu vực này chẳng thấy ông cá heo, ông cá voi nào nữa. Biển đã cạn thật rồi”.
Là một đứa con của biển, anh Thọ rắn rỏi như một pho tượng đồng. Tấm lưng của anh bắt nắng, cháy xém đến nỗi mỗi khi lặn biển xong nó đen như một tấm bảng, có thể thấm những giọt mồ hôi và muối đọng trên đó để viết thành chữ được. Bắt tôm hùm nhí, phóng lao cá, mực nang lúc đầu anh toàn “lặn chay”, nghĩa là không dùng ống khí, khi nào cảm thấy phổi cạn ô-xy thì nuốt tí nước biển sẽ được thêm một chút hơi để mà nổi lên.
Về sau, chẳng có khí tài gì chỉ cần ngậm miệng vào cái vòi dẫn khí từ máy nổ đặt trên tàu vậy mà anh lặn miết cả buổi để săn cá tôm được. Có những lúc mệt quá, anh còn nằm ngả lưng ngay dưới đáy biển. Người trên thuyền thấy đám bọt khí không di chuyển nữa là biết ngay thợ lặn lại ngủ gật dưới nước rồi…
San hô bắt lên liên tục được tưới thêm nước biển. Ảnh: Dương Đình Tường.
Nước sống và nước chết
Anh Thọ đã nhiều lần lặn ngụp dưới bãi Cả để nhận ra một điều rằng lượng san hô dưới rạn trước mười phần nay không còn nổi một. Ở bãi Cả, sau khi các giá thể cấy san hô được cố định trên nền đáy biển, các nhà khoa học khai thác phần nhỏ các loại san hô phiến, khối, đĩa tại chỗ để thử nghiệm sự ổn định của giá thể với các dạng sống san hô, chia nhỏ chúng ra rồi cấy xuống như cắt cành, giâm cây trên bờ vậy.
Bình thường san hô phát triển dạng bò lan hoặc bị sóng đánh gãy cũng là một dạng gieo giống nhưng chúng khó bám vào đáy biển được nên hay bị chết. Ở đây, con người đã trợ lực cho chúng bằng những cái giá thể giúp thân cố định vào đáy biển.
Trên thuyền mấy anh em hối hả múc nước biển vào các thùng xốp để sẵn sàng chờ san hô. “Múc ít thôi, chao động từng mô là nước sống từng ấy. Nước dưới biển luôn chảy, còn múc lên thùng thì là tử nước rồi”, anh Thọ dặn.
Khác với ở nước ngọt, những động vật nước mặn khi rời khỏi lòng biển mẹ sẽ nhanh chóng bị chết, dù có được thả trong nước mặn đi chăng nữa. Bởi thế phải thay nước liên tục hoặc tạo dòng chảy hay sục ô-xy. San hô khi đưa lên gặp nắng cũng sẽ chết liền bởi tảo cộng sinh bỏ ra ngoài mất nên phải để chúng vào trong chỗ râm mát.
Cù Lao Chàm tỉnh Quảng Nam năm 2011 vẫn còn nhiều san hô. Ảnh: Viện nghiên cứu Hải sản.
Các kết quả nghiên cứu và tổng hợp của Viện Nghiên cứu Hải sản cho thấy tổng diện tích rạn san hô vùng biển ven bờ Việt Nam ước tính khoảng 13.426 ha. Trong đó các khu vực có diện tích rạn san hô lớn nhất gồm đảo Phú Quý (1.858 ha), Lý Sơn (1.704 ha), vịnh Vân Phong (1.618 ha) và vùng ven bờ Ninh Hải - Ninh Thuận (2.330 ha).
Ngoài ra còn có điểm phân bố nhỏ hơn có thể kể đến như Hòn Mát, Nghi Sơn, Hòn La, Đảo Trần, Ba Mùn, Cát Bà, Kỳ Lợi - Vũng Áng thuộc vùng biển vịnh Bắc Bộ, các địa điểm Hòn Cau, Tuy An, Ghềnh Ráng - Nhơn Hải thuộc vùng biển Trung Bộ và đảo Hải Tặc thuộc vùng biển Tây Nam bộ.
Những nghiên cứu từ năm 1982-2004 đã xác định khoảng trên 400 loài thuộc 79 giống san hô cứng ở ven bờ Việt Nam. Kết quả thống kê hồi ấy thể hiện sự tương đối giàu có về thành phần loài của vùng biển phía Nam với số lượng hơn hẳn phía Bắc và gần tương đương với các vùng giàu có về san hô của thế giới.
Độ phủ san hô cứng được tổ chức giám sát san hô toàn cầu (Reefcheck) xác định như là chỉ thị cho sức khoẻ rạn. Sự thay đổi trong độ phủ thường liên quan đến các vấn đề khai thác quá mức, khai thác bằng mìn, bằng chất độc.
Nhiều vùng biển hiện nay san hô đang chết rụi như thế này. Ảnh: Viện nghiên cứu Hải sản.
Nghiên cứu của Bucke năm 2002 ở gần 200 điểm rạn san hô của ven biển Việt Nam cho thấy hiện trạng độ phủ không tốt. Chỉ khoảng 1% số rạn có độ phủ cao, trong khi số rạn có độ phủ thấp chiếm tới trên 31%. Số rạn có độ phủ trung bình và khá chỉ là trên 41% và 26%. Số liệu thống kê còn cho thấy các rạn ở xa bờ hoặc xa các vùng dân cư duy trì được trong trạng thái tốt hơn gần bờ.
Trước những năm 1954, các chương trình nghiên cứu về san hô ở vùng biển nước ta phần lớn được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu người Pháp thuộc Viện Hải Dương học Nha Trang.
Nguồn: Dương Đình Tường
Nông nghiệp Việt Nam