Thạc sĩ Nguyễn Văn Hiếu cũng cầm bút chì viết vào tấm bảng nhựa, trả lời anh Thành: “Không thấy gì”. Đến khi họ bơm khí để nổi lên tàu thì mới phát hiện ra hai con cá voi khổng lồ dài cỡ 6-7m đang phì phì thở những cột nước cao tới vài mét từ cái lỗ ở trên đầu giống như một đài phun nước. Đó là chuyện ở vùng biển Hòn Cau của tỉnh Bình Thuận năm 2013.
Dù còn trẻ nhưng kĩ sư Nguyễn Văn Thành hầu như đã từng lặn ở hầu hết các đảo chính từ Bắc vào Nam như Cô Tô, Bạch Long Vĩ, Hòn La, Hòn Mát, Hòn Mê, Cồn Cỏ, Cù Lao Xanh, Lý Sơn… Những lúc khảo sát tổng quan mata-tow, các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu Hải sản tay phải bám vào một tấm ván, đeo kính, mặt úp xuống để nhìn mọi thứ dưới đáy biển. Tàu cứ thế kéo người mata-tow đi như một con nhái mồi bị lôi xềnh xệch bởi sợi dây câu cá chuối vậy. Muốn xuống sâu thì điều khiển ván cắm xuống, tầm 3-5 phút tàu dừng để người quan sát rút bút chì ghi vào bảng. Công việc cứ lặp đi lặp lại như vậy. Nhiều khi mải quan sát động, thực vật dưới đáy thì chiếc ván bỗng đâm sầm vào đá, bảng, bút tung ra, người bật lại.
Đoàn cán bộ của Viện Nghiên cứu Hải sản trên đường đi phục hồi san hô. Ảnh: Dương Đình Tường.
Có lần ở đảo Thổ Chu của tỉnh Kiên Giang đang bị tàu kéo đi mata-tow thì anh Thành bỗng rùng mình, ớn lạnh vì thoáng thấy có hai con cá mập rẽ nước đuổi theo mình. Khi đuổi đến nơi, thấy cái bóng của con mồi to quá, chúng lại sợ hãi bỏ chạy vì thực tế hai con cá chỉ to cỡ bắp chân mà thôi. Ở dưới nước, hình ảnh được phóng to lên gấp hai lần so với trên bờ nên thường có những cú đánh lừa thị giác như vậy.
“Dưới biển, những động vật đẹp sặc sỡ hay xấu xí, kỳ quái thường là có độc ví dụ như cá mao tiên rất đẹp hay cá mặt quỷ rất xù xì xấu xí. Chỉ cần đụng vào chúng là có thể bị ngất ngay hay ít ra cũng bị sưng, nhức gấp hàng chục lần cá ngạnh đâm, phát sốt lên”, anh Thành chia sẻ kinh nghiệm.
Năm 2007 khi lặn ở vùng biển đảo Lý Sơn của tỉnh Quảng Ngãi anh Hiếu thấy cả đàn tôm hùm, con nào con nấy to bằng bắp tay, bắp chân nằm ở trong gầm đá. Khi anh vươn tay tóm lấy râu một con để thu thập mẫu thì nó tự dứt đứt ra rồi cùng đàn bơi lùi vào trong hang. Người càng lặn tiến vào thì đàn tôm càng lùi sâu, cửa hang dần hẹp lại, lắm ngóc ngách, chỗ rẽ khiến cho anh đành phải bò theo. Đến khi trần hang chật quá không thể tiến tiếp, anh mới lùi lại nhưng không nhớ nổi đường.
Chân thò ra ngoài, người ép xuống sát nền đáy rồi mà cái bình dưỡng khí trên lưng anh vẫn bị vướng vào vách đá không thể chui lọt qua. Thấy vậy một đồng nghiệp ở bên ngoài liền tóm lấy hai chân anh để lôi ra. Anh vẫy tay ra hiệu ngừng lại, bởi nếu cố kéo, van khí mà va vào vách đá là hỏng. Nghỉ một lát, lấy lại bình tĩnh anh mới nghĩ, tại sao lúc trước mình vào được mà giờ lại không ra được? Trước vào bên trái thì giờ phải lùi ngược lại, sang bên phải mới ra được. Anh lùi dần như vậy thì quả nhiên là vách hang mở dần ra và thoát được khi bình dưỡng khí đăng sau lưng chỉ còn đủ để duy trì sự sống trong chừng 20 phút nữa.
Các nhà khoa học thường lặn biển theo cặp để có thể bảo vệ nhau. Ảnh: CĐ.
Hay có lần khác, anh Hiếu lặn tại Nam Yết ngoài quần đảo Trường Sa, đang ở độ sâu 15 m nhưng càng đi về phía đông thì càng không thấy đáy đâu. Anh phải bơi áp mặt vào vách đá để thu mẫu thì thình lình người bỗng bị tụt sâu do một dòng chảy đứng dìm xuống. Vội bơm khí vào cho áo nổi lên, cân bằng mãi anh mới trồi được lên gần mặt nước, gặp đoàn đang lặn ở phía trên. Thấy nguy hiểm quá, anh mới bảo tất cả di chuyển sang vị trí khác. Lúc đoàn trở về, gặp bộ đội trên đảo, họ kể năm trước cũng ở chỗ vách đá đó đã lấy đi hai mạng của thợ lặn nước ngoài vì bị dòng chảy đứng dìm xuống.
Về sau ở những nơi đáy biển có địa hình phức tạp, lắm vách đứng, hố sâu, trước khi lặn xuống anh Hiếu đều bẻ một cành san hô thả ra xem nó có chìm với tốc độ bình thường hay là không do có dòng hút, dòng nhiễu loạn, nhất là dòng chảy đứng hay không. Lặn hàng trăm lần nhưng anh chỉ duy nhất gặp dòng chảy đứng ở đảo Nam Yết, còn tất cả các đảo khác đều là dòng chảy ngang.
Trong một dịp lặn ở đảo Hòn Cau của tỉnh Bình Thuận, anh Hiếu đi đầu nhóm xuống đáy biển để trải dây khảo sát, mới được một đoạn thì giông gió kéo đến. Ở trên mưa tầm tã, trời tối đi, ở dưới nắng cũng vụt tắt, bọt khí bị sóng đẩy, trộn cùng với nước như mây mù. Những vách đá nhọn nhô dài ra như một bàn tay khổng lồ muốn chọc các móng sắc lẻm vào các thợ lặn. Nếu bị sóng cuốn mạnh, đẩy người nhét vào những khe đá đó thì không thể ra được.
Dưới biển có đủ thứ bất trắc. Ảnh: Viện Nghiên cứu Hải sản.
Ngậm ngùi nghề bảo tồn biển
Viện Nghiên cứu Hải sản trước đây có duy nhất một con tàu mang tên gọi Biển Đông. Đó là một món quà quý của nước ngoài tài trợ nhưng sau thời gian dài không được duy tu, bảo dưỡng đúng cách, lại thêm mỗi ngày ra biển tốn tới hàng trăm triệu chi phí nên nằm bờ nhiều hơn trên mặt nước. Cuối cùng nó được tặng cho một đơn vị làm công cụ để giảng dạy và sau vài chuyến đi cũng bị bán sắt vụn mất. Giờ cả viện khi muốn đi khảo sát đều phải thuê tàu của ngư dân chứ không có tàu nghiên cứu chuyên dụng.
Gắn bó mấy chục năm với nghề lặn bảo tồn biển, thạc sĩ Đinh Thanh Đạt ngậm ngùi: “Tất cả những kỷ niệm của đời làm nghề biển tôi đều muốn quên đi, không muốn sau này kể cho con, cháu nghe cũng không muốn chúng theo nghề của mình vì vất vả mà lại chẳng có kinh tế”.
Rồi anh kể về người đồng nghiệp ở phòng khai thác cũng thuộc Viện Nghiên cứu Hải sản trong những chuyến đi khảo sát nguồn lợi ở xa bờ đã 2 lần bị chìm thuyền vì bị tàu lớn đâm, suýt mất mạng. Về những đợt đi khảo sát, ngắn cũng 15-20 ngày, dài kéo tới 2-3 tháng lênh đênh trên biển.
Anh Đạt chuẩn bị khí tài để lặn. Ảnh: CĐ.
Khổ nhất là đi theo tàu bắt mực xà ròng rã đến 4 tháng liền ăn, ngủ với mực xà nên mồ hôi của người nào cũng toàn mùi mực xà. Vào bờ cỡ 1 tháng ăn uống bình thường rồi mới đào thải hết được cái mùi đặc trưng này. Còn đi theo các tàu đánh bắt những loại thủy sản khác mùi có nhẹ hơn, chỉ 1 tuần là đào thải hết mùi dầu mỡ, cá tôm và mùi của việc không được tắm nước ngọt.
Cách đây hơn 10 năm anh Đạt cùng anh Hiếu đi khảo sát cá mòi cả tuần trên tàu, do biển động phải lên Cửa Hội của tỉnh Nghệ An để thuê nhà nghỉ nhưng chủ từ chối ngay vì cả hai… nặng mùi quá và đen nhẻm. Nhiều vùng biển đảo họ đến khi đó không hề có điện hay chỉ được mấy tiếng mỗi ngày vì phát bằng máy nổ. Mùa đông trên bong tàu lạnh như hầm đá, còn mùa hè nóng như điên, như dại nhưng nước ngọt chỉ dùng để nấu ăn chứ không có để đánh răng, rửa mặt chứ chưa nói đến tắm.
Có lần anh Đạt đi cùng cánh lưới kéo tàu đôi ở vùng biển Đông Nam bộ, biển động dữ dội, không biết trú ẩn vào đâu. Gió giật, sóng nhồi mọi người trên tàu như những quả bóng trong cái lồng quay xổ sổ. Không ngủ được. Cơm cũng chẳng ăn được vì buồn nôn mà chỉ bốc ruốc nhai cầm hơi.
Một nhà khoa học đang lặn để nghiên cứu, bảo tồn biển. Ảnh: Viện Nghiên cứu Hải sản.
Con tàu chao lắc đến độ mỗi lần đi vệ sinh người ta phải buộc tay vào mạn để khỏi rơi xuống biển, chết mất xác không ai biết. Nghe nói, ở tàu còn lại có nhà khoa học ở một cơ quan nghiên cứu về khí tượng biển đã không dám ra mạn tàu để đi vệ sinh mà 14 ngày biển động là hàng chục cái quần lót bị anh buộc túm chất thải lại rồi vứt đi. Biển động khiến mọi người trên tàu 14 ngày liền không được tắm. Khi vào được bờ, ăn uống, tắm giặt xong thì anh Đạt phải mất 2 ngày mới hết… say bờ bởi vì trên đất liền thăng bằng quá, phẳng lặng quá khiến tiền đình chưa kịp thích nghi vì đã quen trên biển sóng nhồi, sóng giật.
Việc trồng phục hồi san hô ở Việt Nam bắt đầu từ khoảng 20 năm về trước. Năm 2004, trong khuôn khổ đề tài “Nghiên cứu nhân giống, trồng phục hồi một số loài san hô và thả rạn nhân tạo tại Cát Bà”, Viện Nghiên cứu Hải sản đã tiến hành các thử nghiệm phục hồi một số loài san hô. Kết quả trồng được 365 tập đoàn san hô thuộc 6 loài đạt tỉ lệ sống trung bình 70%.
Nguồn: Dương Đình Tường - Công Điền
Nông nghiệp Việt Nam