Thông tin chung

Tác giả/Author: ThS. Đỗ Văn Thành
Ngày phát hành/Issued date: 17/01/2025
Đơn vị phát hành/Issued by: Viện nghiên cứu Hải sản

Nội dung

1) Tên nhiệm vụ: Tư vấn chuyển đổi nghề khai thác hải sản xâm hại, hủy diệt nguồn lợi thủy sản sang các nghề có tính chọn lọc cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An

2) Cấp quản lý: Tỉnh Nghệ An

3) Tổ chức chủ trì: Viện nghiên cứu Hải sản

4) Họ và tên chủ nhiệm: ThS. Đỗ Văn Thành

5) Thành viên tham gia chính:

TS. Phan Đăng Liêm

ThS. Lê Văn Bôn

ThS. Phạm Văn Tuấn

ThS. Lại Huy Toản

KS. Nguyễn Thành Công

KS. Nguyễn Ngọc Sửa

ThS. Lại Duy Phương

ThS. Đỗ Mạnh Dũng

- TS. Nguyễn Văn Hướng

6) Mục tiêu của nhiệm vụ:

* Mục tiêu chung:

Chuyển đổi nghề khai thác hải sản xâm hại lớn đến nguồn lợi, môi trường, hệ sinh thái sang các nghề chọn lọc cao (câu, vây, chụp...), nhằm từng bước cân bằng cường lực khai thác với khả năng phục hồi tái tạo lại nguồn lợi; gắn phát triển khai thác với bảo tồn nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường tự nhiên và đảm bảo sinh kế bền vững cho ngư dân.

* Mục tiêu cụ thể:

- Đánh giá được thực trạng và nhu cầu chuyển đổi nghề của cộng đồng ngư dân khai thác hải sản tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022-2025.

- Xây dựng 01 mô hình chuyển đổi từ nghề khai thác hải sản xâm hại, hủy diệt nguồn lợi thủy sản sang các nghề có tính chọn lọc cao phù hợp với điều kiện thực tế nghề cá Nghệ An, đảm bảo hiệu quả và bền vững.

- Xây dựng được Kế hoạch và đề xuất giải pháp chuyển đổi các nghề khai thác hải sản xâm hại, hủy diệt nguồn lợi thủy sản sang các nghề có tính chọn lọc cao phù hợp nhằm phát triển bền vững nghề khai thác và ổn định sinh kế cho cộng đồng ngư dân.

7) Kết quả thực hiện:

Nhiệm vụ đã thực hiện đáp ứng mục tiêu đề ra theo các nội dung đặt hàng của chủ đầu tư, cụ thể như sau:

1) Đã điều tra, đánh giá được hiện trạng và nhu cầu chuyển đổi nghề của cộng đồng ngư dân làm nghề khai thác hải sản:

- Toàn tỉnh có 2.841 tàu làm nghề khai thác hải sản, đến ngày 30/11/2024, 100% các tàu thuộc diện phải đăng ký (tàu có chiều dài lớn nhất từ 6m trở lên) đã được đăng ký.

- Lợi nhuận của đội tàu dao động từ 26,5 - 826,2 triệu đồng/tàu/năm, tùy theo nghề khai thác; Thu nhập của lao động khai thác hải sản trung bình khoảng 33,3 - 96,0 triệu đồng/người/năm.

- Mức độ phụ thuộc của các hộ gia đình vào hoạt động khai thác hải sản là rất lớn, trung bình khoảng 79,8% thu nhập của gia đình là từ các hoạt động khai thác hải sản.

- Có 6 yếu tố chính ảnh hưởng đến các quyết định chuyển đổi nghề của ngư dân: 1) Thiếu lao động đi biển; 2) Sản lượng khai thác bị giảm sút; 3) Lợi nhuận của tàu thấp; 4) Trình độ học vấn của chủ tàu; 5) Tuổi chủ tàu và 6) Loại nghề hoạt động.

2) Đã xây dựng được mô hình thí điểm chuyển đổi nghề khai thác hải sản xâm hại, hủy diệt nguồn lợi sang các nghề có tính chọn lọc cao:

- Đã xây dựng thành công được 01 mô hình thí điểm chuyển đổi từ nghề lưới kéo khai thác ở vùng khơi sang nghề câu.

- Việc chuyển đổi nghề đã giúp nâng cao hiệu quả khai thác của tàu. Mặc dù, lợi nhuận của tàu tham gia mô hình tương đương với nghề cũ nhưng thu nhập của lao động lại được nâng cao hơn gấp 1,4 lần. Trong khi đó, mức độ xâm hại đến nguồn lợi giảm từ 78,3% xuống còn 14,4%.

3) Đã đề xuất được dự thảo chính sách và các giải pháp chuyển đổi nghề khai thác hải sản xâm hại, hủy diệt nguồn lợi sang các nghề có tính chọn lọc cao phù hợp nhằm ổn định sinh kế cho cộng đồng ngư dân:

- Để phát triển bền vững ngành khai thác hải sản và nâng cao hiệu quả kinh tế của cộng đồng ngư dân thì đến năm 2030, Nghệ An cần phá dỡ 208 tàu cá để chuyển đổi sang các ngành nghề ngoài ngành khai thác và chuyển đổi 319 tàu từ nghề khai thác xâm hại nguồn lợi sang nghề khai thác thân thiện, chọn lọc cao hoặc nghề cá giải trí.

- Đã đề xuất được 02 dự thảo chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề khai thác hải sản: 1) Chính sách hỗ trợ tàu cá chuyển ra ngoài lĩnh vực khai thác hải sản; 2) Chính sách hỗ trợ kinh phí cải hoán tàu, mua ngư cụ, thiết bị khai thác để chuyển đổi nghề khai thác hải sản xâm hại, hủy diệt nguồn lợi sang các nghề có tính chọn lọc cao, nghề cá giải trí.

- Để thực hiện thành công việc chuyển đổi nghề khai thác hải sản cần phải thực hiện đồng bộ 05 nhóm giải pháp: 1) Giải pháp về thông tin, tuyên truyền; 2) Giải pháp về tăng cường quản lý hoạt động khai thác hải sản; 3) Giải pháp về đào tạo; 4) Giải pháp về khoa học, công nghệ và khuyến ngư; 5) Giải pháp về tài chính.

8) Thời gian bắt đầu - kết thúc: 08/2023 - 12/2024

9) Kinh phí thực hiện: 2.785,0 triệu đồng, trong đó kinh phí từ NSNN: 2.785,0 triệu đồng, nguồn khác: 0 triệu đồng