Thông tin chung
Tác giả/Author: ThS. Nguyễn Công ThànhNgày phát hành/Issued date: 28/02/2023
Đơn vị phát hành/Issued by: Viện Nghiên cứu Hải sản
Nội dung
1) Tên nhiệm vụ: “Quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường vùng nuôi trồng thủy sản trên biển tại một số tỉnh trọng điểm” năm 2022
2) Cấp quản lý: Bộ NN&PTNT
3) Tổ chức chủ trì: Viện nghiên cứu Hải sản
4) Họ và tên chủ nhiệm: ThS. Nguyễn Công Thành
5) Thành viên tham gia chính:
- ThS. Trần Quang Thư
- TS. Lê Tuấn Sơn
- ThS. Trương Văn Tuân
- KS. Đỗ Thị Tuyết
- ThS. Thái Thị Kim Thanh
- KS. Nguyễn Minh Đức
- KS. Nguyễn Thị Ánh
- CN. Lưu Ngọc Thiện
- ThS. Nguyễn Thị Phương Thảo
6) Mục tiêu của nhiệm vụ:
* Mục tiêu chung: Quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường vùng nuôi cá biển tại một số tỉnh trọng điểm nhằm phục vụ hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo hoạt động nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững.
* Mục tiêu cụ thể:
- Quan trắc, đánh giá được hiện trạng, biến động chất lượng môi trường vùng nuôi cá biển tại Quảng Ninh, Hải Phòng và Kiên Giang từ đó đưa ra 32 bản thông báo kết quả quan trắc, khuyến cáo giải pháp xử lý môi trường vùng nuôi cá biển phục vụ thực tiễn của hoạt động nuôi cá biển tại các vùng quan trắc.
- Kịp thời đưa ra cảnh báo biến động chất lượng môi trường vùng nuôi cá biển phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo và thực tiễn hoạt động sản xuất nuôi trồng thủy sản hiệu quả, phát triển bền vững.
- Cập nhật thông tin, số liệu vào cơ sở dữ liệu về quan trắc thống nhất từ Trung ương đến địa phương phục vụ cho công tác quản lý, chỉ đạo sản xuất, bảo vệ hệ sinh thái, cũng như công tác nghiên cứu.
7) Kết quả thực hiện:
Nhiệm vụ đã triển khai thực xác định được 23 điểm quan trắc, với tần suất quan trắc ở Quảng Ninh là 9 đợt, Hải Phòng 14 đợt và Kiên Giang được 10 đợt, xây dựng 33 bản tin và 9 báo cáo tháng về kết quả quan trắc môi trường, 01 công văn cảnh báo diễn biến môi trường bất lợi. Các kết quả quan trắc đã kịp thời gửi cơ quan quản lý, địa phương và người dân phục vụ nuôi biển. Trong thời gian thực hiện không có đợt quan trắc đột xuất, do không nhận được yêu cầu cũng hiện tượng đối tượng nuôi bị chết hàng loạt.
Nhìn chung, các thông số môi trường cơ bản biến động trong khoảng GHCP, ngoại trừ một số khu vực nuôi có hàm lượng DO thấp hơn GHCP, độ muối và độ đục tăng cao trong tháng mùa mưa. Các khu vực nuôi biển đều thể hiện ô nhiễm N-NH4+, COD và một số khu vực bị ô nhiễm dầu, mức độ ô nhiễm ở vùng nuôi biển của Hải Phòng cao nhất, tiếp đến là vùng Quảng Ninh, thấp nhất là vùng Kiên Giang. Mật độ TVPD, coliform, vibrio ghi nhận ở các vùng nuôi cũng tương tự như thông số dinh dưỡng và COD. Theo thời gian, các thông số này biến động rất lớn và có giá trị cao, thậm chí vượt GHCP vào tháng 5-8/2022 ở vùng nuôi của Quảng Ninh và Hải Phòng, ở vùng Kiên Giang vào tháng 6-9/2022, đây là các thời điểm cần tăng cường theo dõi, quản lý môi trường vùng nuôi.
Đối với các khu vực nuôi biển của Quảng Ninh, khu vực Hòn Ông cụ, Soi Nhụ, Béo Cò, Cống Đông-Cống Tây có nhiều bất lợi về môi trường nhất, ghi nhận hàm lượng DO thấp hơn GHCP, N-NH4+ và COD vượt GHCP, mật độ nhóm Coliform và Vibrio cũng ở mức vượt ngưỡng phù hợp với NTTS. Thời điểm cuối tháng 6/2022, ghi nhận nhiệt độ nước khá cao, mật độ Vibrio và các chất ô nhiễm tăng cao, cũng là thời điểm ghi nhận cá nuôi ở khu vực Soi Nhụ, Béo Cò và Tây Hoi bị lở loét, chết rải rác. Đây là các khu vực nuôi rất có khả năng xảy ra sự cố bất lợi đối với cá nuôi, đặc biệt trong những thời điểm nắng nóng kéo dài và các yếu tố môi trường biến động lớn vào tháng 7-8.
Các vùng nuôi biển của Hải Phòng thể hiện mức độ ô nhiễm cao nhất trong 3 tỉnh thành phố được quan trắc. Khu vực nuôi biển ở Hang Vẹm-Vụng O có mức độ ô nhiễm cao nhất, tỷ lệ mẫu có DO thấp hơn GHCP cao, N-NH4+ vượt nhiều lần GHCP, COD cũng ở mức cao và vượt ngưỡng, mật độ nhóm Coliform và Vibrio ở mức vượt GHCP. Các đợt tháng 5-7/2022 đã bắt gặp cá bị lở loét, bỏ ăn và chết rải rác ở 2 khu vực này. Khu vực nuôi ở Hòn Thoi Quýt có mức ô nhiễm thấp hơn, nhưng cũng ghi nhận cá bị lở loét, Vibrio tổng số cao vào tháng 7-8/2022. Cũng tương tự vùng Quảng Ninh, vùng nuôi biển của Hải Phòng trong giai đoạn tháng 5-8 cần tăng cường theo dõi và quản lý môi trường vùng nuôi, cũng như có các biện pháp phù hợp chăm sóc đối tượng nuôi.
Đối với vùng nuôi của Kiên Giang, khu vực nuôi ở Nam Du và Hòn Sơn vẫn ở mức tốt, hầu hết các thông số nằm trong khoảng GHCP. Tuy nhiên, các khu vực nuôi ven bờ như Hòn Tre, Hòn Nhum, Hòn Heo cần tăng tường theo dõi và quản lý môi trường vùng nuôi, đây là những khu vực đã có biểu hiện ô nhiễm, một số điểm có DO thấp hơn GHCP, N-NH4+, COD, Coliform, Vibrio tổng số ở mức vượt GHCP, mật độ thực vật phù du khá cao, nguy cơ bùng phát của các loài tảo độc hại. Trong các đợt quan trắc, có 2 đợt quan trắc vào tháng 7-8 ghi nhận các thông số môi trường có nhiều bât lợi nhất.
Kết quả đánh giá chất lượng nước vùng nuôi biển của Quảng Ninh qua chỉ số WQI cho thấy rõ khu vực nuôi ở Soi Nhụ, Hòn Ông Cụ và Béo Cò có mức chất lượng môi trường thấp; tháng 6-8 có mức chất lượng thấp hơn các tháng được quan trắc. Ở Hải Phòng, chất lượng môi trường nước ở khu vực hang Vẹm-Vụng O có mức chất lượng trung bình; theo các tháng được quan trắc, các tháng 6-8/2022 có mức chất lượng trung bình, các tháng còn lại ở mức tốt. Ở Kiên Giang, khu vực nuôi ở Hòn Nhum, Hòn Tre và Hòn Heo có mức chất lượng thấp, đặc biệt Hòn Nhum ở mức trung bình. Đây là những thông tin quan trọng làm cơ sở phục vụ tác quản lý và thực tiễn sản xuất của mỗi khu vực nuôi biển.
Đánh giá mức độ ô nhiễm T-N, T-P trong trầm tích vùng nuôi đều ghi nhận ở mức ô nhiễm nhẹ, nhưng vùng nuôi của Hải Phòng có giá trị Pi cao hơn vùng Kiên Giang, thấp nhất là vùng Quảng Ninh. Đối với mỗi khu vực nuôi, kết qủa tính toán cho thấy mức ô nhiễm trầm tích ở mức không ô nhiễm đến ô nhiễm trung bình; trầm tích ở khu vực Hòn Ông Cụ (Quảng Ninh), Hang Vẹm-Vụng O (Hải Phòng) và Hòn Tre (Kiên Giang) ở mức ô nhiễm cao nhất. Kết quả đánh giá môi trường bằng phương pháp MOM cho thấy, các vùng nuôi ở Quảng Ninh, Kiên Giang ở mức nhỏ hơn sức tải môi trường, có những tác động nhất định đến môi trường; vùng nuôi của Hải Phòng ở mức bằng với ngưỡng sức tải môi trường, có tác động đến môi trường.
Trong thời gian quan trắc đã ghi nhận những đợt cá nuôi bị chết rải rác, cá nổi đầu, bỏ ăn, lở loét ở khu vực nuôi của Hang Vẹm-Vụng O (Hải Phòng), Hòn Béo Cò, Tây Hoi (Quảng Ninh) và Hòn Tre, Hòn Nhum (Kiên Giang), đây là những dấu hiệu cho thấy rõ nguy cơ xảy ra sự cố môi trường nuôi rất lớn. Đây là những những khu vực nuôi có mật độ ô lồng lớn, môi trường biểu hiện ô nhiễm nhất trong các khu vực được quan trắc. Cần thực hiện các biện pháp phù hợp để phòng tránh và giảm thiểu ảnh hưởng đến hoạt động nuôi ở đây. Thời gian cần tăng cường theo dõi, quản lý môi trường vùng nuôi trong giai đoạn tháng 5-8 ở vùng nuôi của Quảng Ninh-Hải Phòng; ở Kiên Giang tăng cường trong giai đoạn mùa mưa, nhất là tháng 6-9.
8) Thời gian bắt đầu - kết thúc: 01/2022 - 12/2022
9) Kinh phí thực hiện: 2.300 triệu đồng, trong đó kinh phí từ NSNN: 2.300 triệu đồng, nguồn khác: 0 triệu đồng