Thông tin chung
Tác giả/Author: TS. Nguyễn Văn NguyênNgày phát hành/Issued date: 31/12/2021
Đơn vị phát hành/Issued by: Viện Nghiên cứu Hải sản
Nội dung
1) Tên nhiệm vụ: Hoàn thiện công nghệ sản xuất một số sản phẩm vi tảo biển tươi phục vụ nuôi trồng thủy sản
2) Cấp quản lý: Quốc gia (Chương trình CNSH lĩnh vực Nông nghiệp - Thủy sản)
3) Tổ chức chủ trì: Viện Nghiên cứu Hải sản
4) Họ và tên chủ nhiệm: TS. Nguyễn Văn Nguyên
5) Mục tiêu của nhiệm vụ: Có được quy trình sản xuất sản phẩm vi tảo biển tươi (Nannochloropsis oculata, Isochrysis galbana và Chaetoceros calcitrans) phục vụ sản xuất giống hải sản, quy mô tổng 30 kg/ngày. Có được hệ thống thiết bị hoàn thiện để sản xuất sản phẩm vi tảo biển tươi phục vụ sản xuất giống thủy sản. Sản xuất được 03 loại sản phẩm tảo tươi đạt tiêu chuẩn làm thức ăn thủy sản.
6) Kết quả thực hiện:
1. Dự án đã sưu tập và chọn lựa được 3 bộ chủng giống tảo thuần, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được kiểm chứng bằng hình thái và DNA, bao gồm Nannochloropsis oculata NIES-2146 và Isochrysis galbana NIES-2590 (từ Nhật Bản) và Chaetoceros calcitrans CS-178 (từ Úc) cho tốc độ sinh trưởng và chất lượng tảo tốt, đáp ứng tốt khả năng sản xuất sinh khối tảo sệt quy mô lớn và đã sử dụng để sản xuất lượng sản phẩm sinh khối tảo sệt như yêu cầu đặt ra cho Dự án.
2. Đã hoàn thiện được công nghệ lưu giữ và nhân giống tảo. Trong đó điểm mới về công nghệ là lựa chọn được kỹ thuật phân lập, tạo chủng giống thuần hiệu quả bằng phương pháp ly tâm (5000-6000 rpm) loại bỏ tạp nhiễm kết hợp cấy chuyển. Công nghệ lưu giữ tảo giống với ba phương pháp đều cho kết quả tốt là cấy chuyển dịch lỏng, lưu trên thạch và bảo quản lạnh có bổ sung 10% glycerol. Công nghệ nhân giống được áp dụng và hoàn thiện để đáp ứng sản xuất quy mô lớn.
3. Công nghệ nuôi sinh khối bằng phương pháp túi PE đã được hoàn thiện thông qua các giải pháp chống nóng, bằng địa nhiệt, che lưới và phun sương; phương pháp chống tạp nhiễm và phương pháp nuôi sinh khối bằng túi PE không sử dụng CO2.
4. Đã đào tạo cho 30 lượt người công nhân và kỹ thuật viên của Công ty Hải Long, trong đó có 04 người được đào tạo thành thục các kỹ thuật sản xuất, thu và bảo quản tảo sệt. Các cán bộ sau khi được đào tạo đã trực tiếp tham gia vào quá trình suất thử nghiệm.
5. Đã thiết kế, xây dựng và vận hành hệ thống thiết bị nuôi tảo với quy mô 2060 túi, tương đương thể tích nuôi 51,5 m3, tạo ra sản lượng 30-50 kg tảo tươi/ngày. Tảo nuôi ngoài trời bằng phương pháp túi PE cho mật độ cao, đặc biệt là N. oculata (cao nhất 123 triệu tb/ml) và I. galbana (40 triệu tb/ml).
6. Đã lựa chọn được công nghệ thu sinh khối tảo đơn giản và phù là kết lắng bằng KAl(SO4)2.12H2O hàm lượng 500-600mg/l cho hiệu suất kết lắng cao (9497%), và tỷ lệ sống của tế bào cao (94-98,2%) tùy từng loài.
7. Đã lựa chọn được phương pháp bảo quản tảo phù hợp nhất là bổ sung glycerol với liều lượng 10% sinh khối tảo để bảo quản đông hoặc lạnh trong 2 tháng hoặc bảo quản đông trong 6 tháng. Sau bảo quản, tảo giữ nguyên được màu sắc và mùi, không bị kết dính. Tảo Nanno sau bảo quản bằng phương pháp lạnh và đông cho tỷ lệ sống lần lượt là 95% và 97%, tỷ lệ hao hụt là 4% và 5%; tảo C. calcitrans cho tỷ lệ sống 31% và 31,2% và tỷ lệ hao hụt 2.45% và 7,6%; tảo I. galbana cho tỷ lệ sống 30% và 35% và tỷ lệ hao hụt 0,9% và 3%.
8. Sản phẩm sau bảo quản được phân tích các chỉ số kim loại nặng và vi sinh và cho thấy đều nằm trong giới hạn cho phép của thức ăn thủy sản. Các chỉ số hàm lượng dinh dưỡng đều đạt như đăng ký tại hợp đồng.
9. Sản phẩm tảo được sử dụng thử nghiệm trong 03 mô hình nuôi ấu trùng thủy sản cho thấy đều đạt hiệu quả tốt. Sản phẩm N. Oculata thử nghiệm nuôi luân trùng cho thấy cho mật độ quần thể luân trùng cao hơn, duy trì được mật độ cao lâu hơn, cho tỷ lệ luân trùng mang trứng cao hơn so với luân trùng bằng mem bánh mỳ. Hỗn hợp ba loài tảo sử dụng nuôi ấu trùng ngao cho thấy tốc độ tăng trưởng chiều dài và khối lượng và tỷ lệ sống củang ao đều cao hơn. Thử nghiệm sản phẩm tảo Chaetoceros làm thức ăn cho ấu trùng tôm thẻ chân trắng cho tốc độ tăng trưởng chiều dài và tỷ lệ sống cao hơn và thời gian biến thái ngắn hơn.
10. Ứng dụng quy trình, Sự án đã sản xuất được 3358 kg tảo sệt, trong đó gồm 2330 kg tảo Nanno, 418 kg tảo Isochrysis galbana và 610 kg tảo Chaetoceros calcitrans.
11. Đã tổ chức thương mại và tiếp thị sản phẩm và được một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giống tiếp nhận và ứng dụng sản phẩm tảo sệt trong sản xuất giống thủy sản.
12. Dự án đã căn bản hoàn thành các nội dung và sản phẩm theo đặt hàng.
7) Thời gian bắt đầu - kết thúc: 01/2018 - 12/2020
8) Kinh phí thực hiện: 12.600 triệu đồng, trong đó kinh phí từ NSNN: 4.200 triệu đồng, nguồn khác: 8.400 triệu đồng