Thông tin chung
Tác giả/Author: TS. Phạm Quốc HuyNgày phát hành/Issued date: 14/07/2022
Đơn vị phát hành/Issued by: Viện nghiên cứu Hải sản
Nội dung
Tên nhiệm vụ: Điều tra đánh giá nguồn lợi thủy sản vùng biển ven bờ và vùng lộng trên vùng biển của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Cấp quản lý: Sở KH&CN Bà Rịa - Vũng Tàu
Tổ chức chủ trì: Phân Viện nghiên cứu Hải sản phía Nam, Viện nghiên cứu Hải sản
Họ và tên chủ nhiệm: TS. Phạm Quốc Huy
Mục tiêu của nhiệm vụ: Đánh giá tổng thể hiện trạng nguồn lợi và khai thác hải sản ở vùng biển ven bờ, vùng lộng của vùng biển Bà Rịa - Vũng Tàu và đề xuất các giải pháp quản lý, khai thác, bảo tồn và phát triển theo hướng bền vững và có trách nhiệm
Kết quả thực hiện:
1) Vùng biển ven bờ và vùng lộng của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có đa dạng sinh học cao và thành phần loài phong phú. Tổng hợp các chuyến điều tra trên biển và các điểm lên cá chính năm 2020-2021, đã bắt gặp 432 loài, thuộc 236 giống và 107 họ. Trong đó, vùng biển ven bờ bắt gặp 356 loài, thuộc 209 giống và 96 họ và vùng lộng bắt gặp 336 loài, thuộc 190 giống và 89 họ. Phong phú nhất là nhóm cá đáy, xác định được 188 loài, thuộc 99 giống và 35 họ, tiếp theo là nhóm cá rạn (97 loài, thuộc 49 giống và 30 họ), nhóm giáp xác (74 loài, thuộc 42 giống và 15 họ), nhóm nhuyễn thể, chân đầu (43 loài, thuộc 27 giống và 19 họ) và thấp nhất là nhóm cá nổi (30 loài, thuộc 19 giống và 8 họ).
2) Danh sách các loài chủ đạo, có giá trị kinh tế là 84 loài và 92 loài là đối tượng cần được bảo vệ. Trong đó, nhóm rất nguy cấp (CR) có 01 loài; nhóm nguy cấp (EN) có 04 loài; nhóm sẽ nguy cấp (VU) có 26 loài và nhóm gần bị đe dọa (NT) có 61 loài.
3) Trữ lượng nguồn lợi hải sản ước tính khoảng 66.573 tấn, trong đó vùng ven bờ là 21.600 tấn và vùng lộng là 44.973 tấn. Nguồn lợi hải sản tầng đáy chiếm 6,6% (tương đương với khoảng 4.389 tấn) và cá nổi nhỏ chiếm 93,4%, tương ứng với trữ lượng khoảng 62.184 tấn.
4) Hạn mức cho phép khai thác của các đội tàu: Giai đoạn 2022-2025 là khoảng 30.032 tấn, trong đó vùng biển ven bờ là 7.870 tấn (chiếm 26,2%) và vùng lộng là 22.162 tấn - chiếm 73,8%. Nghề lưới kéo chiếm 15,2%, lưới vây chiếm 57,8%, lưới rê chiếm 26,0% và nghề câu chiếm 1,0%. Giai đoạn 2025-2030 là 27.020 tấn, trong đó vùng biển ven bờ là 7.080 tấn - chiếm 26,2%, vùng lộng là 22.162 tấn - 73,8%. Nghề lưới kéo được phép khai thác 4.110 tấn, lưới vây 15.610 tấn, lưới rê 7.020 tấn và nghề câu 280 tấn.
5) Điều chỉnh tổng số lượng tàu giai đoạn 2022-2025: Nhóm nghề lưới kéo giảm từ 91 chiếc xuống còn 52 chiếc (vùng bờ giảm 44%, vùng lộng giảm 42%), nghề lưới vây giảm từ 17 chiếc xuống còn 14 chiếc (giảm 18% chủ yếu khai thác ở vùng lộng), nghề chụp giảm từ 17 chiếc còn 14 chiếc, nghề câu giảm nhẹ từ 285 tàu còn 226 tàu và nghề lưới rê giảm từ 2.182 tàu xuống còn 1.976 tàu. Giai đoạn 2026-2030: tổng số lượng tàu khai thác hải sản ước tính giảm 10% tổng số so với giai đoạn 2022 - 2025, còn 2.054 chiếc, trong đó vùng biển ven bờ (tàu có chiều dài < 12m) là 1.737 chiếc - chiếm khoảng 85% tổng số và vùng lộng (tàu có chiều dài từ 12-15m) là 317 chiếc - chiếm 15% tổng số.
6) Áp lực khai thác (E) cao, tỉ lệ con non trong sản lượng lớn, năng suất khai thác và chất lượng thành phần loài bị giảm sút, chứng tỏ hoạt động khai thác ở vùng biển ven bờ và vùng lộng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có dấu hiệu quá mức. Đánh giá rủi ro sinh thái đối với một số loại nghề chính cho thấy: nghề lưới kéo đáy, nghề lồng bẫy và nghề lưới vây đang ở mức cao, nghề lưới rê ở mức trung bình và nghề câu ở mức thấp.
7) Thời gian sinh sản và thời gian cấm (hạn chế) khai thác đề xuất vào 2 thời điểm trong năm: từ tháng 2 đến tháng 4 (đối tượng chính là cá) và tháng 10-11 (đối tượng chính là nhuyễn thể, chân đầu và giáp xác).
8) Khu vực bảo vệ nguồn lợi hải sản bao gồm: Vịnh Gành Rái - thành phố Vũng Tàu (diện tích 28km2); Vùng biển ven bờ huyện Xuyên Mộc (diện tích 20km2); Vùng lộng giáp ranh vùng biển Bến Tre (diện tích 90km2) và Giữa vùng lộng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (diện tích 90km2).
Thời gian bắt đầu - kết thúc: 08/2020-07/2022.
Kinh phí thực hiện: 6.042 triệu đồng, trong đó NSNN: 6.042 triệu đồng.