Thông tin chung
Tác giả/Author: TS. Chu Tiến Vĩnh; PGS.TS. Đỗ Văn KhươngNgày phát hành/Issued date: 31/12/2007
Đơn vị phát hành/Issued by: Viện nghiên cứu Hải sản
Nội dung
Tổng diện tích san hô tại 10 vùng dự kiến thiết lập khu bảo tồn biển ước tính khoảng 7.633,0 ha. Hiện trạng hệ sinh thái rạn san hô tại 10 đảo nghiên cứu được xếp vào loại rạn trung bình chiếm 56,2%, loại rạn nghèo chiếm 42,2%, chỉ có khoảng 1,6% diện tích rạn san hô tại Cù Lao Chàm và Nam Yết là được xếp vào loại rạn tốt.
Độ phủ san hô sống tại hầu hết 10 vùng dự kiến thiết lập khu bảo tồn biển có xu hướng suy giảm trong những năm gần đây. Tỷ lệ cấu trúc các hợp phần đáy có mối liên quan với nhau và phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của rạn. Độ phủ san hô cứng có xu hướng tăng dần từ Bắc đến Nam và tăng dần từ các đảo ven bờ ra các đảo xa bờ.
Đặc điểm phân bố, cấu trúc rạn san hô tại 10 vùng dự kiến thiết lập khu bảo tồn biển hầu hết đều thuộc kiểu rạn viền bờ không điển hình và phân chia thành 4 đới chính là đới lagun ven bờ, đới mặt bằng rạn, đới sườn dốc rạn và đới chân rạn. Thành phần dạng sống của san hô cứng chiếm ưu thế chủ yếu là dạng cành, dạng khối và dạng phủ. Một số dạng sống khác của san hô như dạng lá, dạng bàn và dạng phễu chiếm tỷ lệ thấp.
Mức độ phong phú, phân bố và đa dạng sinh học của quần xã cá rạn san hô có liên quan đến cấu trúc nền đáy rạn. Trong đó, điển hình là họ cá Bướm Chaetodontidae, họ cá Thia (Pomacentridae), họ cá Hồng (Lutjanidae), mật độ và sự phân bố của các loài thuộc các họ này có mối tương quan thuận với độ phủ san hô sống. Mật độ và phân bố nhiều loài thuộc họ cá Mú (Serranidae) có mối tương quan thuận với độ sâu của của rạn. Ngoài ra, mật độ của các loài thuộc họ cá Thia (Pomacentridae) có mối liên quan đến cả yếu tố độ phủ san hô và độ sâu rạn.
Hiện trạng thành phần loài cá rạn san hô tại 10 vùng dự kiến thiết lập khu bảo tồn biển gồm 514 loài, thuộc 154 giống và 52 họ. Trong đó, có 226 loài cá rạn san hô có giá trị làm thực phẩm, 21 loài vừa có giá trị làm cảnh vừa có giá trị làm thực phẩm, 143 loài có giá trị làm cảnh và 124 loài còn lại có giá trị kinh tế thấp.
Kết quả của các chuyến điều tra, thử nghiệm ngư cụ đã bắt gặp 259 loài, nhóm loài thuộc 105 họ hải sản đã bắt gặp ở vùng dốc thềm lục địa Việt Nam. Trong số 122 loài, nhóm loài thuộc 31 họ cá có giá trị kinh tế, có 41 loài thuộc 20 họ cá có giá trị kinh tế cao và thường bắt gặp bằng câu vàng đáy, lồng bẫy cá chình và lồng bẫy cua, ghẹ. Có 30 loài và nhóm loài thuộc 5 họ (cua ghẹ, bạch tuộc, ốc biển, tôm tít, tôm vỗ) có giá trị kinh tế bắt gặp ở vùng dốc thềm lục địa Việt Nam, trong đó, 13 loài thuộc họ ghẹ, ốc hương, bạc tuộc và chủ yếu là họ ghẹ có giá trị thương phẩm thường gặp ở vùng dốc thềm lục địa.
Hiện tại, nước ta vẫn chưa có đội tàu chuyên khai thác nguồn lợi hải sản vùng dốc thềm lục địa. Chủ yếu là các nghề đánh bắt ốc hương, lồng bẫy cua, ghẹ ven bờ (dưới 100 m nước sâu), rê đáy, câu sỏi ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu. Có khoảng 312 tàu làm nghề câu vàng đáy, 410 tàu làm nghề lồng bẫy tham gia khai thác nguồn lợi hải sản tầng đáy và gần đáy vùng dốc thềm lục địa, phần lớn các phương tiện này thường kiêm nghề, phân bố rải rác. Câu vàng đáy chủ yếu tập trung ở Quảng Nam, Đà Nẵng; nghề lồng bẫy chủ yếu tập trung ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Mùa vụ khai thác chính là từ tháng 2 đến tháng 4 (nghề câu vàng đáy) hoặc quanh năm (nghề lồng bẫy cua, ghẹ). Các tháng khác ngư dân chuyển đổi sang một số nghề khác như rê chuồn, nghề mành...