Thông tin chung
Tác giả/Author: Th.S Phạm Văn LongNgày phát hành/Issued date: 16/07/2018
Đơn vị phát hành/Issued by: Viện nghiên cứu Hải sản
Nội dung
1) Tên nhiệm vụ: Thử nghiệm ứng dụng công nghệ nano UFB (Ultra Fine Bubble) để bảo quản cá ngừ trên tàu câu tay
2) Cấp quản lý: Quốc gia (Chương trình ứng dụng Công nghệ cao)
3) Tổ chức chủ trì: Viện nghiên cứu Hải sản
4) Họ và tên chủ nhiệm: ThS. Phạm Văn Long
5) Mục tiêu của nhiệm vụ: Phát triển công nghệ và hệ thống thiết bị bảo quản cá ngừ đại dương trên tàu câu tay nhằm nâng cao chất lượng và giá trị kinh tế sản phẩm xuất khẩu.
6) Kết quả thực hiện:
- Hao hụt khối lượng cá ngừ trong quá trình bảo quản: Sự hao hụt khối lượng của cá ngừ tỷ lệ thuận với thời gian bảo quản. Sau 21 ngày bảo quản, mẫu thí nghiệm TN1 có tỷ lệ hao hụt khối lượng thấp nhất 3,6% so với khối lượng ban đầu. Mẫu TN2 hao hụt 4,5%. Mẫu thí nghiệm đối chứng TN3 có sự hao hụt lớn nhất 7,9% so với nguyên liệu ban đầu. Tỷ lệ hao hụt khối lượng ở mẫu TN3 cao hơn 2 lần so với mẫu TN1.
- Biến đổi vi sinh vật tổng số trong quá trình bảo quản: Kết quả nghiên cứu cho thấy các chỉ số vi sinh vật đều tăng theo thời gian bảo quản ở các phương pháp thí nghiệm. Tổng vi khuẩn hiếu khí sau 21 ngày bảo quản ở mẫu thí nghiệm TN1 thấp nhất 4,75 x 103 Cfu/g; mẫu thí nghiệm TN2 ở mức 4,93 x 105 Cfu/g; mẫu thí nghiệm TN3 ở mức 5,63 x 106 Cfu/g, cao hơn khá nhiều so với mức <106 theo quy định hiện hành.
- Chất lượng cảm quan: Điểm cảm quan có sự chênh lệch rõ ràng giữa các phương án thí nghiệm. Cá ngừ bảo quản ở phương pháp TN1 có chất lượng cảm quan tốt nhất so với các phương án thí nghiệm còn lại, điểm trung bình cảm quan đạt 186/200 điểm (loại A - đủ tiêu chuẩn xuất khẩu); Ở thí nghiệm TN2, điểm cảm quan cá ngừ đạt 142/200 điểm (loại B - hàng phi lê); Phương án thí nghiệm TN3 cho kết quả điểm cảm quan chỉ đạt 122,7/200 điểm (loại B- - hàng phi lê).
- Biến đổi hàm lượng Protein thô: Hàm lượng Protein trong cá ngừ ban đầu chiếm 27,2%, trong quá trình bảo quản, chỉ số này giảm dần theo thời gian. Sau 21 ngày bảo quản hàm lượng Protein trong mẫu cá ngừ bảo quản theo phương pháp TN1 giảm 0,7%; mẫu TN2 giảm 1,6%; mẫu TN3 giảm mạnh nhất, 2,5%.
- Biến đổi hàm lượng Nito Acid amin (Naa): Biến đổi hàm lượng Naa của mẫu cá ngừ bảo quản theo thí nghiệm TN1 thấp nhất so với các mẫu TN2 và TN3. Hàm lượng Naa của mẫu TN1 ban đầu là 3,7%, sau 21 ngày bảo quản còn 3,1% (giảm 0,6%); mẫu TN2 giảm 1,2%; mẫu TN3 giảm 1,4% so với chỉ số ban đầu.
- Biến đổi hàm lượng Amoniac (NH3): Ở mẫu thí nghiệm TN1, sự biến đổi hàm lượng NH3 thấp nhất so với các mẫu còn lại. Hàm lượng NH3 tăng từ 11,5 mg/100g lên 18,0 mg/100g sau 21 ngày bảo quản (tăng 6,5 mg/100g). Ở mẫu thí nghiệm TN2, sự biến động hàm lượng NH3 tương đối cao, tăng 12,8 mg/100g so với mẫu ban đầu. Hàm lượng NH3 ở mẫu đối chứng TN3 tăng cao nhất, mức tăng 20,6 mg/100g gấp 3 lần so với mẫu TN1.
1.2. Về kết quả sản xuất thử nghiệm:
Việc áp dụng Quy trình bảo quản cá ngừ bằng công nghệ nano UFB trên tàu câu tay vào sản xuất thử nghiệm đã nâng cao chất lượng sản phẩm cá ngừ đại dương. Tỷ lệ chất lượng cá ngừ đại dương loại A đạt 73%, loại B+ đạt 11%, loại B và C chiếm 15%, loại D chỉ chiếm 1% sản lượng. Nhìn chung chất lượng cá ngừ bảo quản bằng công nghệ nano UFB tốt hơn nhiều so với cá được bảo quản theo phương pháp truyền thống của ngư dân.
Doanh thu chuyến biển của các tàu mô hình tăng thêm, chi phí sản xuất giảm xuống so với tàu bảo quản theo phương pháp truyền thống của ngư dân. Lợi nhuận của các tàu mô hình tăng thêm gần 15 triệu đồng/ tàu/ chuyến biển.
Chi phí đầu tư công nghệ thấp, thời gian hoàn vốn ngắn là một trong những ưu điểm của công nghệ. Ứng dụng công nghệ nano UFB giúp giảm bớt sức lao động sản xuất của ngư dân trên biển.
7) Thời gian bắt đầu - kết thúc: 01/2017 - 03/2020
8) Kinh phí thực hiện: 10.000 triệu đồng, trong đó kinh phí từ NSNN: 4.800 triệu đồng, nguồn khác: 5.200 triệu đồng