Thông tin chung

Tác giả/Author: TS. Trần Văn Cường
Ngày phát hành/Issued date: 25/01/2024
Đơn vị phát hành/Issued by: Viện nghiên cứu Hải sản

Nội dung

1) Tên nhiệm vụ: Tư vấn điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản vùng biển ven bờ và nghề cá thương phẩm tỉnh Quảng Ngãi

2) Cấp quản lý: Tỉnh Quảng Ngãi

3) Tổ chức chủ trì: Viện nghiên cứu Hải sản

4) Họ và tên chủ nhiệm: TS. Trần Văn Cường

5) Thành viên tham gia chính:

- ThS. Từ Hoàng Nhân

ThS. Nguyễn Hoàng Minh

TS. Nguyễn Văn Hướng

ThS. Nguyễn Kim Thoa

ThS. Đặng Thị Minh Thu

ThS. Vũ Thị Hậu

TS. Nguyễn Văn Giang

ThS. Mai Công Nhuận và nnk

6) Mục tiêu của nhiệm vụ:

* Mục tiêu chung: Đánh giá được hiện trạng nguồn lợi thủy sản và nghề cá thương phẩm ở tỉnh Quảng Ngãi; xác định khả năng khai thác cho phép và cường lực khai thác phù hợp của các đội tàu; cung cấp cơ sở khoa học cho việc cấp hạn ngạch và điều chỉnh sắp xếp lại cơ cấu nghề khai thác; đề xuất được các giải pháp bảo vệ nguồn lợi phục vụ công tác quản lý và phát triển nghề cá biển bền vững.

* Mục tiêu cụ thể:

+ Đánh giá được hiện trạng nguồn lợi thủy sản ở vùng biển ven bờ, vùng lộng và hệ sinh thái cửa sông tỉnh Quảng Ngãi

+ Xác định được khả năng khai thác bền vững cho phép cung cấp cơ sở khoa học cho việc cấp hạn ngạch khai thác.

+ Xác định được đặc điểm sinh học cơ bản, kích thước khai thác, mức độ xâm hại nguồn lợi và mùa vụ sinh sản của một số loài thủy sản kinh tế.

+ Xác định được phạm vi, tọa độ của các khu vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản, thời gian cấm và hạn chế khai thác ở vùng biển ven bờ.

+ Đánh giá được hiện trạng nghề cá thương phẩm tỉnh Quảng Ngãi (cơ cấu nghề, hoạt động khai thác, cường lực và sản lượng khai thác…)

+ Xây dựng được bộ Poster phục vụ công tác quản lý, tuyên truyền và giáo dục cộng đồng về bảo vệ nguồn lợi.

+ Đề xuất được giải pháp quản lý, điều chỉnh sắp xếp cơ cấu nghề khai thác, bảo vệ nguồn lợi và phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm.

+ Có được bộ dữ liệu điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và nghề cá thương phẩm tỉnh Quảng Ngãi phục vụ công tác quản lý ngành thủy sản.

7) Kết quả thực hiện:

Vùng biển tỉnh Quảng Ngãi có đa dạng sinh học cao với 1.298 loài thủy sản.

Công bố danh mục 53 loài loài động vật nguy cấp, quý hiếm theo danh lục IUCN và sách đỏ Việt Nam.

Tổng trữ lượng tức thời của nguồn lợi hải sản ở vùng biển ven bờ và vùng lộng là 123.088 tấn.

Khả năng khai thác bền vững ở vùng biển ven bờ và vùng lộng khi áp dụng định hướng quản lý nghề cá thận trọng là 83.654 tấn.

Tổng sản lượng khai thác hải sản tỉnh Quảng Ngãi ước tính đạt 181,6 nghìn tấn. Nghề lưới vây và nghề lưới kéo là 2 loại nghề chủ đạo đóng góp trong sản lượng khai thác.

Hiện trạng hoạt động sai vùng, sai tuyến diễn ra ở hầu hết các đội tàu. Tàu vùng khơi hoạt động khai thác vi phạm vùng lộng, vùng ven bờ và tàu vùng lộng hoạt động khai thác vi phạm ở vùng ven bờ.

Tổng sản lượng khai thác thực tế theo ngư trường ở vùng ven bờ và vùng lộng đạt 91.209 tấn. Sản lượng khai thác ở 2 vùng biển này vượt so với ngưỡng khả năng khai thác bền vững cho phép của nguồn lợi thủy sản.

Hiện trạng khai thác xâm hại nguồn lợi thủy sản kích thước nhỏ của các loài kinh tế là tương đối nghiêm trọng ở hầu hết các loại nghề và thời điểm trong năm. Nhiều loài thủy sản kinh tế đang chịu áp lực khai thác cao, đặc biệt một số loài ở mức rất cao và cần phải giảm áp lực để bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Cần điều chỉnh giảm sản lượng khai thác thực tế ở vùng biển ven bờ và vùng lộng để phù hợp với khả năng khai thác bền vững cho phép của nguồn lợi và đáp ứng tiêu chí tiếp cận quản lý nghề cá thận trọng. Điều chỉnh giảm các tàu vi phạm quy định pháp luật về loại nghề, phân vùng khai thác và giảm tỷ trọng nghề lưới kéo trong cơ cấu tàu thuyền khai thác. Chuyển đổi cơ cấu tàu thuyền sang các loại nghề ít xâm hại nguồn lợi, khai thác có chọn lọc cao và tăng cường đội tàu dịch vụ hậu cần nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm sau thu hoạch.

Tổng hạn ngạch giấy phép hoạt động khai thác ở vùng biển ven bờ và vùng lộng tỉnh Quảng Ngãi là 1.830 giấy phép, trong đó gồm 902 giấy phép ở vùng biển ven bờ và 928 giấy phép ở vùng lộng.

Đánh giá và xác định được đặc điểm sinh học cơ bản của 39 loài hải sản kinh tế quan trọng ở vùng biển tỉnh Quảng Ngãi. Dữ liệu và thông tin sinh học của các loài tương đối đầy đủ đến thời điểm hiện tại và đáp ứng cho công tác tư vấn quản lý nghề cá và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Mùa vụ sinh sản khác nhau theo loài thủy sản. Ở vùng biển Quảng Ngãi, thời điểm nào trong năm đều bắt gặp loài tham gia sinh sản. Mùa sinh sản chính tập trung vào tháng 3 - tháng 4 và mùa sinh sản phụ vào tháng 9 - tháng 10 hàng năm. Nguồn lợi thủy sản được bổ sung liên tục trong năm và có khả năng phục hồi nhanh.

Nghiên cứu, tổng hợp và xác định được 05 khu vực cấm khai thác và 01 khu bảo vệ nguồn lợi ở vùng biển ven bờ Quảng Ngãi. Phạm vi, quy mô, ranh giới, đối tượng và thời gian cấm, bảo vệ được xác định chi tiết cho từng khu vực. Cần sớm thiết lập và vận hành hiệu quả các khu vực này để tăng cường bảo vệ, phục hồi nguồn lợi thủy sản.

Xác định kích thước khai thác tối thiểu cho phép của 28 loài thủy sản kinh tế chủ lực quan trọng. Đề xuất bổ sung mới trong văn bản pháp luật quy định về: i) Kích thước thủy sản được phép khai thác; ii) Tỷ lệ cho phép lẫn tạp các đối tượng nhỏ hơn kích thước quy định không quá 10% tổng sản lượng khai thác theo số lượng cá thể.

- Đã xác định và đề xuất 08 bộ giải pháp bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản và phát triển nghề cá biển tỉnh Quảng Ngãi theo hướng hiệu quả, bền vững và có trách nhiệm.

8) Thời gian bắt đầu - kết thúc: 03/2021 - 12/2022

9) Kinh phí thực hiện: 3.268,0 triệu đồng, trong đó kinh phí từ NSNN: 3.268,0 triệu đồng, nguồn khác: 0 triệu đồng