Thông tin chung
Tác giả/Author: ThS. Đỗ Anh DuyNgày phát hành/Issued date: 31/07/2017
Đơn vị phát hành/Issued by: Viện nghiên cứu Hải sản
Nội dung
1. Kết quả điều tra, khảo sát lựa chọn vùng nuôi, thiết kế mô hình nuôi:
- Chất lượng môi trường tại vùng biển Cô Tô chưa bị ô nhiễm, phù hợp với sinh thái phát triển của bào ngư nuôi. Chỉ số tai biến môi trường tổng thể đạt 0,53 (chất lượng môi trường ở mức an toàn).
- Bào ngư tự nhiên phân bố không đều, mật độ thấp, trung bình chỉ đạt 1,31 cá thể/ 500 m2. Nhóm chiều dài bắt gặp chủ yếu từ 3,5 - 4,5 cm. 90% số loài phân bố trên địa hình đáy đá vỉa, 10% phân bố trên địa hình đáy đá tảng. Khoảng độ sâu phân bố phổ biến từ 3 - 8 m.
Đã xây dựng được sơ đồ vùng nuôi cho 02 hình thức nuôi thương phẩm bào ngư (nuôi thả đáy và nuôi lồng treo bè) tại Cô Tô và lựa chọn được 04 tổ chức, cá nhân tham gia các mô hình nuôi thương phẩm bào ngư tại huyện Cô Tô.
2. Đã xây dựng được 02 dự thảo quy trình: 1) Dự thảo quy trình kỹ thuật nuôi thương phẩm bào ngư thả đáy trên bãi đá vùng dưới triều, 2) Dự thảo quy trình kỹ thuật nuôi thương phẩm bào ngư trong lồng treo bè trên biển và trong đầm tại Cô Tô và trong đầm và tổ chức được 01 hội thảo khoa học góp ý cho 02 dự thảo quy trình.
3. Kết quả thử nghiệm các mô hình nuôi thương phẩm bào ngư tại Cô Tô:
- Các yếu tố môi trường quan trắc được trong quá trình nuôi đều nằm trong giới hạn cho phép theo QCVN 10-MT:2015/BTNMT, phù hợp cho sinh trưởng và phát triển của bào ngư nuôi.
- Bào ngư nuôi có kích thước chiều dài vỏ trung bình đạt 51,8±4,36 mm/cá thể (tốc độ tăng trưởng đạt 1,94 mm/tháng); khối lượng đạt 19,0±4,73 g/cá thể (tốc độ tăng trưởng đạt 0,83 g/tháng). Mô hình nuôi thả đáy trên bãi đá vùng dưới triều, bào ngư có tốc độ tăng trưởng về chiều dài vỏ và khối lượng (chiều dài vỏ: 54,6±4,35 mm/cá thể, khối lượng: 23,0±4,90 g/cá thể) tốt hơn mô hình nuôi lồng treo bè trên biển và trong đầm (chiều dài vỏ: 49,0±4,38 mm/cá thể, khối lượng: 15,0±4,56 g/cá thể). Bào ngư nuôi bằng thức ăn nhân tạo có tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ sống tương đương với nuôi bằng thức ăn rong biển.
- Tỷ lệ sống trung bình của bào ngư tại các mô hình nuôi đạt 35,55%. Trong đó, mô hình nuôi thả đáy trên bãi đá vùng dưới triều đạt 32,33%; mô hình nuôi lồng treo bè trên biển và trong đầm đạt 38,76%.
- Tổng sản lượng bào ngư thương phẩm đạt 198,5 kg. Trong đó, mô hình nuôi thả đáy trên bãi đá vùng dưới triều đạt 111,5 kg; mô hình nuôi lồng treo bè trên biển và trong đầm đạt 87,0 kg. Hệ số sử dụng thức ăn khi nuôi bằng thức ăn rong biển là 31,0 kg thức ăn/ 1 kg bào ngư thương phẩm và khi nuôi bằng thức ăn nhân tạo là 6,5 kg thức ăn / 1 kg bào ngư thương phẩm.
4. Đã xây dựng hoàn thiện được 02 quy trình kỹ thuật nuôi. Tổ chức được 01 hội nghị góp ý, đánh giá và 01 hội nghị thẩm định, đánh giá cho 02 quy trình. Hai quy trình đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh ban hành.
5. Đã tổ chức được 01 lớp tập huấn phổ biến kỹ thuật nuôi thương phẩm bào ngư đến cộng đồng cư dân và các hộ dân nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh. Số lượng người tham gia là 47 người.
6. Đã đánh giá được hiệu quả kinh tế của các mô hình nuôi và khuyến cáo nhân rộng các hình thức nuôi thương phẩm bào ngư:
- Hình thức nuôi thả đáy trên bãi đá vùng dưới triều: Đây là hình thức nuôi có chi phí đầu tư thấp, rất phù hợp với điều kiện kinh tế của những hộ dân nuôi trồng thuỷ sản, có khả năng nhân rộng cao tại huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh. Đối với các hộ nuôi trồng thuỷ sản được giao và cho thuê mặt nước biển khuyến cáo nên áp dụng hình thức này.
- Hình thức nuôi trong lồng treo bè trên biển: Hình thức nuôi này chịu ảnh hưởng lớn bởi sóng gió, mưa bão, chi phí đầu tư lớn vì vậy nên áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có điều kiện về tài chính. Khi áp dụng hình thức này, nên đầu tư hệ thống bè nuôi quy mô lớn, có nhà trông coi, chăm sóc, bảo vệ, quản lý bào ngư nuôi.
- Hình thức nuôi lồng treo trong đầm: Hình thức nuôi này chi phí đầu tư vừa phải, ít chịu ảnh hưởng bởi sóng gió, bào ngư có hình thức đẹp, dễ chăm sóc, quản lý, tuy nhiên hình thức nuôi này phải có đầm nuôi đảm bảo tiêu chuẩn. Vì vậy, hình thức nuôi này nên áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có điều kiện về tài chính. Có thể vận dụng hình thức nuôi này áp dụng cho hình thức nuôi lồng treo trong bể xi măng.