Thông tin chung
Tác giả/Author: ThS. Lại Duy PhươngNgày phát hành/Issued date: 31/12/2020
Đơn vị phát hành/Issued by: Viện Nghiên cứu Hải sản
Nội dung
1) Tên nhiệm vụ: Sản xuất giống bào ngư chín lỗ (Haliotis diversicolor Reeve, 1846)
2) Cấp quản lý: Quốc gia (Chương trình Giống thủy sản)
3) Tổ chức chủ trì: Viện nghiên cứu Hải sản
4) Họ và tên chủ nhiệm: ThS. Lại Duy Phương
5) Mục tiêu của nhiệm vụ:
Mục tiêu chung: Góp phần bảo tồn, đa dạng hóa đối tượng nuôi biển, nâng cao đời sống cho cộng đồng người dân sống tại huyện đảo Cô Tô.
Mục tiêu cụ thể:
- Hoàn thiện được quy trình sản xuất giống bào ngư chín lỗ đạt tỷ lệ sống ổn định ≥ 7% phù hợp với điều kiện tự nhiên tại vùng biển Cô Tô, Quảng Ninh.
- Xây dựng được mô hình sản xuất giống bào ngư chín lỗ với quy mô đạt ≥ 800.000 con/năm phù hợp điều kiện tự nhiên tại Cô Tô - Quảng Ninh. Mô hình ổn định với tỷ lệ sống từ giai đoạn ấu trùng Veliger lên con giống kích thước ≥4mm đạt ≥7%. Sản xuất được 2.400.000 bào ngư giống (kích thước ≥4mm) cung cấp cho các hộ nuôi.
- Đào tạo 01 lớp cho 4 cán bộ kỹ thuật của đơn vị tiếp nhận công nghệ (nắm vững lý thuyết và thực hành) và mở 1 lớp tập huấn (30 người) nhân rộng mô hình ương giống và nuôi bào ngư cho người dân tại địa phương và các vùng lân cận.
6) Kết quả thực hiện:
- Nội dung hoàn thiện quy trình công nghệ:
1. Đã thiết kế và đầu tư xây dựng hoàn thiện được cơ sở sản xuất giống tại xã Thanh Lân, Cô Tô. Đây là cơ sở chuyên sản xuất giống bào ngư được xây dựng ở khu vực miền Bắc nói chung và đảo Cô Tô nói riêng. Cơ sở sản xuất được đầu tư xây dựng hoàn thiện trên quy mô diện tích 1.000m2 với 500m3 bể ương nuôi, 650m2 mặt nước nuôi và hệ thống điện, nước, sục khí, nhà xưởng đảm bảo hàng năm sản xuất được trên 800.000 con giống cung cấp cho các hộ nuôi trên đảo và các vùng lân cận.
2. Đã nghiên cứu hoàn thiện được quy trình kỹ thuật nuôi vỗ tạo đàn bào ngư bố mẹ với các chỉ tiêu kỹ thuật về tỷ lệ sống giai đoạn thuần hóa sau khi thu gom ngoài tự nhiên đạt > 89,5%, tỷ lệ thành thục đạt 81,7% khi nuôi ở điều kiện thay nước liên tục 18 giờ/ngày, lưu lượng 15 lít/phút (bể 6m3), tạo dòng chảy vòng tròn trong bể 15-20cm/s và chế độ dinh dưỡng là 50% thức ăn tổng hợp (hàm lượng Protein 30,0%) và 50% thức ăn là rong tươi (Gracilaria, Sargassum, Gelidium, Hypnea,..), sục khí 24/24 giờ, nhiệt độ nước 19-24oC, độ mặn 28-32‰, pH 7,5-8,4, N-NO3- ở ngưỡng 2,1-2,55ppm, N-NH4+ ở ngưỡng 0,50,75ppm, P-PO43- ở ngưỡng 0,45-0,75ppm.
3. Đã nghiên cứu hoàn thiện được quy trình kỹ thuật sinh sản nhân tạo bào ngư chín lỗ với các chỉ tiêu kỹ thuật sau:
+ Ổn định được kỹ thuật kích thích bào ngư sinh sản đạt được tỷ lệ bào ngư tham gia sinh sản là 82,2%.
+ Kỹ thuật lọc, khử khuẩn trứng và ấp nở thành ấu trùng bánh xe (Trochophore) đạt 77,3%.
+ Hoàn thiện kỹ thuật nuôi ấu trùng giai đoạn Trochophore đến giai đoạn bám Spat đạt được tỷ lệ sống 78,5%, ương nuôi lên giai đoạn con giống đạt kích thước ≥ 4mm) đạt 7,26%.
+ Sản phẩm sản xuất giống bằng quy trình công nghệ hoàn thiện đạt trên 117 nghìn cá thể bào ngư giống kích thước trung bình đạt ≥ 4,0mm, vượt chỉ tiêu của dự án.
- Nội dung xây dựng mô hình:
4. Dự án đã xây dựng được mô hình trình diễn công nghệ sinh sản nhân tạo và ương nuôi bào ngư giống tại cơ sở sản xuất giống bào ngư thuộc HTX Thành Phát, địa chỉ tại thôn 1, xã Thanh Lân, huyện Cô Tô, Quảng Ninh. Các chỉ tiêu kỹ thuật ổn định với tỷ lệ bố mẹ tham thành thục sinh dục đạt ≥ 82,5%; tỷ lệ tham gia sinh sản đạt trên 81,9%; tỷ lệ trứng được thụ tinh đạt ≥ 86,2%; tỷ lệ nở thành ấu trùng Trochophore đạt ≥ 77%; đến giai đoạn Spat đạt ≥ 78,1%; chuyển sang giai đoạn sống bám lên con giống đạt ≥ 7,28%. Sau 3 năm triển khai mô hình, dự án đã sản xuất được 2.876.000 bào ngư giống đạt kích thước ≥ 4mm (vượt mức chỉ tiêu kỹ thuật và số lượng sản phẩm đề ra). Trong đó, năm 2017 được 580 nghìn con, năm 2018 được 1.319 nghìn và năm 2019 sản xuất được 820 nghìn con cung cấp cho các hộ nuôi.
- Nội dung đào tạo, tập huấn chuyển giao công nghệ:
5. Dự án đã đào tạo được cho 30 học viên là các kỹ thuật viên làm nghề nuôi trồng thủy sản định cư trên địa bàn huyện đảo Cô Tô nắm vững được lý thuyết và thực hành về kỹ thuật sản xuất giống và nuôi bào ngư thương phẩm. Ngoài ra dự án cũng đã đào tạo chuyên sâu và chuyển giao được toàn bộ quy trình công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm bào ngư cho 4 cán bộ kỹ thuật thuộc HTX Thành Phát. Đây là nhiệm vụ hết sức ý nghĩa, góp phần thúc đẩy phát triển ứng dụng KHCN vào thực tiễn sản xuất; tạo sinh kế cho cộng đồng người dân vùng biển đảo, góp phần ổn định dân sinh, tăng cường an ninh quốc phòng vùng biển đảo Cô Tô.
- Về tác động của dự án:
6. Hiện nay nguồn lợi bào ngư chín lỗ đang bị suy giảm nghiêm trọng do khai thác quá mức. Với thành công trong việc sản xuất nhân tạo được con giống, dự án đã góp phần phát triển được đối tượng nuôi mới cho các vùng ven biển và hải đảo. Góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập cho cộng đồng cư dân hải đảo. Qua đó khích lệ cư dân gắn bó lâu dài với biển đảo, đây là tiền đề thúc đẩy ổn định an ninh quốc phòng, chủ quyền tại vùng biển đảo tiền tiêu biên giới vịnh Bắc bộ.
7) Thời gian bắt đầu - kết thúc: 02/2016 - 12/2019
8) Kinh phí thực hiện: 7.130 triệu đồng, trong đó kinh phí từ NSNN: 7.130 triệu đồng, nguồn khác: 0 triệu đồng