Thông tin chung
Tác giả/Author: KS. Vũ Xuân SơnNgày phát hành/Issued date: 31/12/2020
Đơn vị phát hành/Issued by: Viện Nghiên cứu Hải sản
Nội dung
1) Tên nhiệm vụ: Sản xuất một số thực phẩm chức năng từ cá nóc Việt Nam
2) Cấp quản lý: Quốc gia (thuộc Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020)
3) Tổ chức chủ trì: Viện nghiên cứu Hải sản
4) Họ và tên chủ nhiệm: KS. Vũ Xuân Sơn
5) Mục tiêu của nhiệm vụ:
- Hoàn thiện công nghệ, thiết bị và sản xuất một số loại thực phẩm chức năng từ cá nóc, có tác dụng hỗ trợ nâng cao thể lực và phục hồi sức khỏe người bệnh. Hoàn thiện quy trình công nghê và thiết bị quy mô 500 kg nguyên liệu/mẻ để sản xuất bột và syrup cá nóc giàu dinh dưỡng
- Sản xuất, hoàn thiện các sản phẩm:
+ 500.000 hộp viên nang bột cá nóc giàu dinh dưỡng(20 viên/hôp), có hàm lượng protein ≥50%
+ 500.000 hộp syrup cá nóc giàu dinh dưỡng(30-50ml/hộp), có hàm lượng protein ≥50%
- Các sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm theo quy định
- Đào tạo và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ kỹ thuật, vận hành công nghệ và thiết bị sản xuất.
- Tổ chức sản xuất và kinh doanh sản phẩm
- Đánh giá hiệu quả kinh tế của dự án.
6) Kết quả thực hiện:
Đã nghiên cứu và hoàn thiện được quy trình công nghệ sản xuất TPCN viên nang và syrup cá nóc: nguồn nguyên liệu cá nóc xanh Việt Nam đã được phân tích và đánh giá chứa đầy đủ các acid amin thành phần, tỷ lệ acid amin thiết yếu chiếm 41,16%, tỷ lệ các acid amin tạo vị ngon chiến 42,89% tổng acid amin. Nguyên liệu đảm bảo ATTP không chứa độc tố, dư lượng kim loại nặng ở ngưỡng an toàn theo quy định hiện hành. Đã hoàn thiện được điều kiện xử lý nguyên liệu trước khi sản xuất bằng dung dịch pH 3,5-4. Đã hoàn thiện và tối ưu điều kiện thủy phân thịt cá bằng hỗn hợp enzyme protease (Protamex và Flavourzyme), tỷ lệ enzyme so với cơ chất 1,2- 1,4%, nhiệt độ 50-550C trong 6 -7giờ, chất lượng dịch thủy phân có có tỷ lệ Naa/Nts đạt 56,89% đến 68%, hoạt tính khử gốc tự do DPPH là 0,069(nM) và tổng năng lực khử của dịch thủy phân đạt 0,704. Dịch đạm, bột đạm có hàm lượng dinh dưỡng và chất lượng ATVSTP đạt theo quy định QĐ/46/2007BYT về nguyên liệu phục vụ sản xuất TPCN.
Đã hoàn thiện điều kiện sản xuất (xử lý nghuyên liệu, thủy phân, bảo quản sản phẩm...) và xây dựng được quy trình công nghệ và mô hình thiết bị sản xuất TPCN viên nang, syrup cá nóc quy mô sản xuất 500kg nguyên liệu/mẻ: Mô hình được triển khai trên diện tích 250-300m2, với 5-6 phòng phục vụ sản xuất có bố trí, trang bị dụng cụ thiết bị (nồi thủy phân, thiết bị sấy, thiết trộn, đóng nang, nấu syrup...), nhân lực phù hợp, đáp ứng được yêu cầu công nghệ của dự án. Chất lượng các sản phẩm TPCN tạo ta từ mô hình có hàm lượng dinh dưỡng cao như Viên nang có protein > 50%, syrup có protein 6-8%, tỷ lệ các axit amin thiết yếu chiếm trên 45% so với tổng axit amin, các chỉ tiêu an toàn đạt theo quy định hiện hành của Bộ Y Tế, chất lượng sản phẩm tương đương so với một số sản phẩm cùng loại hiện có trên thị trường. Quy trình công nghệ đã được triển khai áp dụng tại Công ty Dược Vật tư Y tế Quảng Ninh và Công ty Dược phẩm Vegas. Quy trình công nghệ sản xuất syrup cá nóc đã đăng ký giải pháp hữu ích, đã có quyết định chấp nhận đơn của Cục sở hữu trí tuệ.
Đã đánh giá được tính an toàn của sản phẩm thể hiện bằng kết quả đánh giá độc tính cấp và độc tính bán trường diễn trên động vật: Sản phẩm TPCN viên nang và syrup đã được thử nghiệm trên động vật (chuột nhắt, chuột cống) cho thấy sản phẩm an toàn, không gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cũng nội quan trong phạm vị liều thử nghiệm liều cao tương đương 437 viên nang/ người/ngày và 583,33 ml syrup/người/ngày.
Đã đánh giá được tác dụng tăng cường sức khỏe và nâng cao thể lực của sản phẩm: Đối với sản phẩm syrup liều can thiệp là 10ml/ngày (tương đương bổ sung 5% nhu cầu lysine cho trẻ), cho thấy tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em 36-59 tháng đang mắc bệnh suy dinh dưỡng ở Thái nguyên đã giảm đi, cải thiện rõ chiều cao và cân nặng của trẻ, hàm lượng albumin cải thiện so với nhóm chứng. Đối với sản phẩm viên nang, liều can thiệp là 9 viên/ngày (tương đương bổ sung 7% nhu cầu lysine cho người bệnh), kết quả cho thấy cân nặng và tình trạng dinh dưỡng của bệnh nhân đái tháo đường đang điều trị tại bệnh viện đa khoa Đức giang tăng lên, các rối loạn chuyển hóa lipid máu giảm đáng kể, trong khi các xét nghiệm đánh giá chức năng gan, thận của đối tượng vẫn không thay đổi sau 12 tuần thử nghiệm.
Đã tổ chức đào tạo và sản xuất thử nghiệm sản phẩm: Dự án đã tổ chức đào tạo được 8 cán bộ kỹ thuật 20 công nhân sản xuất, đã chuyển giao quy trình công nghệ sơ chế, xử lý cá nóc phục vụ làm thực phẩm, quy trình công nghệ sản xuất TPCN viên nang, syrup cá nóc cho các cơ sở tham gia và tiếp nhận công nghệ như Công ty TNHH SXTM thủy sản Quảng Ninh, Công ty Dược Vật tư Y tế Quảng Ninh, Công ty CP Dược phẩm Vegas. Dự án đã sản xuất trên mô hình được hơn 511.550 hộp sản phẩm syrup và 510.500 sản phẩm Viên nang, số lượng sản phẩm vượt theo mức đăng ký. Sản phẩm TPCN viên nang và syrup cá nóc đã đăng ký công bố chất lượng tại Cục VSATTP của Bộ Y Tế, sản phẩm được quảng bà và tiếp thị tại các hội chợ, hội thảo, triển lãm giới thiệu sản phẩm trong nước.
Hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án: Chất lương của sản phẩm TPCN viên nang và syrup từ cá nóc có chất lượng tương đương so với các sản phẩm TPCN có nguồn gốc từ thủy sản như các sản phẩm viên từ hàu, viên peptid từ bột đạm cá, syrup dinh dưỡng từ cá... hiện có trên thị trường. Giá của sản phẩm TPCN từ cá nóc có giá bán dự kiến từ 45.000-50.000/ đơn vị sản phẩm, tương đương hoặc thấp hơn giá của các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Doanh nghiệp tiếp nhận công nghệ của Dự án khi thực hiện sản xuất 100% công suất sẽ có thời gian thu hồi vốn ước tính 2,1 năm. Tỷ lệ lãi ròng so với tổng vốn đầu tư là 33,5% và so với tổng doanh thu là 8,2%.
Các sản phẩm khác của dự án: Trong thòi gian thực hiện dự án đã đào tạo được 01 cử nhân chuyên ngành công nghệ sinh học, và công bố được 01 bài báo trên tạp chí quốc tế và 02 bài trên tạp chí NNPTNT.
Công nghệ của dự án mở ra hướng mới trong nghiên cứu và sử dụng cá nóc ở Việt Nam, kết quả của Dự án còn là cơ sở khoa học để các cơ quan quản lý xây dựng các giải pháp để sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn lợi cá nóc. Nghiên cứu sẽ đóng góp bằng chứng khoa học về giá trị của cá nóc không độc tại vùng biển Việt nam với cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng cho trẻ em, nhằm cung cấp số liệu cho các nhà hoạch định chính sách trong thời gian tới khi xem xét sử dụng nguồn lợi biển từ cá nóc Việt Nam.
7) Thời gian bắt đầu - kết thúc: 01/2018 - 12/2020
8) Kinh phí thực hiện: 3.500 triệu đồng, trong đó kinh phí từ NSNN: 3.500 triệu đồng, nguồn khác: 0 triệu đồng