Thông tin chung

Tác giả/Author: ThS. Nguyễn Công Thành
Ngày phát hành/Issued date: 31/03/2021
Đơn vị phát hành/Issued by: Viện Nghiên cứu Hải sản

Nội dung

1) Tên nhiệm vụ: Quan trắc và phân tích môi trường vùng biển Đông - Tây Nam Bộ, biển Côn Sơn và vùng nuôi cá biển tập trung (năm 2020)

2) Cấp quản lý: Bộ NN&PTNT

3) Tổ chức chủ trì: Viện nghiên cứu Hải sản

4) Họ và tên chủ nhiệm: ThS. Nguyễn Công Thành

5) Họ và tên người tham gia chính:

- ThS. Trần Quang Thư

- TS. Lê Tuấn Sơn

- ThS. Trương Văn Tuân

- KS. Đỗ Thị Tuyết

- ThS. Thái Thị Kim Thanh

- KS. Nguyễn Minh Đức

- KS. Nguyễn Thị Ánh

- CN. Lưu Ngọc Thiện

6) Mục tiêu của nhiệm vụ:

Mục tiêu chung:

- Có được số liệu quan trắc và phân tích môi trường vùng biển Đông - Tây Nam Bộ, biển Côn Sơn và vùng nuôi hải sản tập trung.

- Cung cấp số liệu kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo sản xuất của ngành.

Mục tiêu cụ thể:

- Cung cấp thông tin, số liệu môi trường phục vụ công tác quản lý môi trường, phát triển kinh tế - xã hội, an ninh và chủ quyền vùng biển Tây Nam Bộ và biển Côn Sơn.

- Đánh giá được hiện trạng, diễn biến chất lượng môi trường và các vấn đề suy thoái ô nhiễm môi trường vùng biển Tây Nam Bộ và biển Côn Sơn, phục vụ công tác giám sát và cảnh báo môi trường biển, phát triển sản xuất của ngành thủy sản.

- Cập nhật thông tin, số liệu; đánh giá được hiện trạng chất lượng môi trường; cảnh báo nguy cơ ô nhiễm và sự cố môi trường tại một số vùng nuôi cá biển tập trung.

7) Kết quả thực hiện:

1. Nhiệm vụ đã hoàn thành các nội dung quan trắc ở vùng biển Tây Nam Bộ, biển Côn Sơn, vùng nuôi cá biển ở Cát Bà - Hải Phòng, Vĩnh Tân - Bình Thuận và Long Sơn - Vũng Tàu theo thuyết minh được phê duyệt năm 2020. Số liệu quan trắc của nhiệm vụ đã cung cấp và cập nhật vào cơ sở dữ liệu môi trường Quốc gia và cơ sở dữ liệu môi trường vùng nuôi, phục vụ yêu cầu chỉ đạo sản xuất, quản lý, bảo vệ môi trường của Bộ TNMT, Bộ NN&PTNT và của địa phương.

2. Kết quả quan trắc môi trường ở vùng biển Tây Nam Bộ và biển Côn Sơn:

- Hầu hết các thông số môi trường nước được quan trắc gồm các thông số môi trường cơ bản, muối dinh dưỡng, kim loại nặng, CN-, dầu đều nằm trong GHCP theo QCVN 10-MT:2015/BTNMT, ngoại trừ một số điểm có hàm lượng N-NH4+ vượt GHCP này. Tuy nhiên, so với GHCP theo ngưỡng ASEAN, các thông số P-PO43-, N-NO3- và N-NH4+, Cu, Hg đã gần đạt và vượt GHCP.

- Hàm lượng muối Si-SiO32- trong nước biển Tây Nam Bộ thể hiện xu hướng giảm so với kết quả QT năm 2018-2020, có mối liên quan với TVPD. Hàm lượng dầu có xu hướng tăng ở cả 2 vùng biển so với kết quả QT trong các năm gần đây. Hàm lượng Zn, Cu, Cd, Zn, As trong nước biển Tây Nam Bộ và biển Côn Sơn có hướng gia tăng trong những năm 2001-2017, tuy nhiên năm 2018-2020 có xu hướng giảm nhẹ. Riêng Cd vẫn thể hiện rõ xu hướng tăng dần theo năm trong giai đoạn từ năm 2005-2020.

- Đã xác định được 182 loài TVPD trong tháng 5-6 và 235 loài trong tháng 10-11/2020 ở vùng biển Tây Nam Bộ; ở vùng biển Côn Sơn xác định được 142 loài trong đợt tháng 5-6 và 177 loài trong đợt tháng 10-11/2020. Mật độ TVPD ở biển Tây Nam Bộ tăng cao đột biến, trung bình đạt 205.232tb/l và biển Côn Sơn là 49.993 tb/l. Chỉ số H’ ở cả hai vùng biển đều suy giảm so với năm 2019, thể hiện tính đa dạng của quần xã bị giảm. Mật độ tảo độc hai trong đợt tháng 10-11 cao hơn nhiều so với đợt tháng 5-6.

- Đã xác định được 56 loài ĐVPD ở vùng biển Tây Nam Bộ và 34 loài ĐVPD ở biển Côn Sơn. Sinh vật lượng trung bình ĐVPD ở vùng biển Tây Nam Bộ là 746 con/m3 - 249,4 mg/m3 và ở biển Côn Sơn là 390 con/m3 - 113,3mg/m3. Khối lượng ĐVPD cao hơn so với những năm trước đây. Sinh vật lượng, H’ của ĐVPD ở biển Tây Nam Bộ và biển Côn Sơn trong đợt quan trắc tháng 10-11 cao hơn so với đợt tháng 5-6.

- Mật độ thực vật phù du có xu hướng tăng, tăng mạnh từ năm 2014 và tăng đột biến trong năm 2006 và 2016, tăng rất cao trong năm 2020. Số lượng TVPD tăng chủ yếu do sự gia tăng của một số chi tảo độc hại, dẫn đến nguy cơ cao xảy ra hiện tượng thủy triều đỏ và vấn đề an toàn thực phẩm các sản phẩm thủy sản ở vùng biển này. Cả số lượng và khối lượng ĐVPD có xu hướng suy giảm mạnh từ năm 2001 đến 2014, tăng nhẹ từ năm 2016 đến nay. Biến động SVPD ở vùng Tây Nam Bộ theo hướng bất lợi đối với môi trường và nguồn lợi hải sản.

3. Kết quả quan trắc và cảnh báo ô nhiễm môi trường khu vực nuôi cá biển:

- Hiện trạng môi trường nước:

Tiếp tục ghi nhận hàm lượng DO thấp hơn GHCP, xu hướng giảm theo thời gian thể hiện rõ trong thời gian 2005 - 2019 tại Cát Bà - Hải Phòng và Long Sơn - Vũng Tàu; hàm lượng DO trong nước khu nuôi thấp gây ảnh hưởng trực tiếp đến các loài cá nuôi; ghi nhận hàm lượng DO trong nước cao hơn GHCP tại Vĩnh Tân - Bình Thuận.

Hàm lượng N-NO2-, N-NO3-, N-NH4+, P-PO43- trong nước luôn cao hơn GHCP tại điểm nuôi với mật độ ô lồng lớn và biến động mạnh trong thời gian 2005 - 2019 tại Long Sơn - Vũng Tàu và Cát Bà - Hải Phòng. Tiếp tục ghi nhận ô nhiễm cục bộ NNH4+ cao và vượt GHCP tại Vĩnh Tân - Bình Thuận. Biến động hàm lượng dinh dưỡng trong nước thể hiện rõ, lúc NR cao hơn so với lúc NL. Hàm lượng dầu mỡ trong nước khu vực nuôi cao hơn GHCP; hàm lượng COD cao cục bộ tại những điểm nuôi mật độ ô lông lớn.

Chỉ số đa dạng loài thực vật phù du (H’) thấp phản ánh môi trường nước khu vực nuôi ô nhiễm, ô nhiễm cục bộ ở mức trung bình đến ô nhiễm nặng tại điểm nuôi mật độ lớn. Tảo độc hại: Tiếp tục ghi nhận loài tảo Pseudo-nitzschia spp. có khả năng sinh độc tố ASP xuất hiện với mật độ cao vào mùa khô tại Cát Bà là 3.333 tế bào/lít và mùa mưa tại Vĩnh Tân là 13.000 tế bào/lít. Động vật phù du: nhóm loài tại từng khu vực nuôi theo đặc trưng địa lý, ghi nhận sinh vật lượng cao tại Cát Bà - Hải Phòng, Vĩnh Tân - Bình Thuận và Long Sơn - Vũng Tàu.

Ghi nhận mức đa dạng và phong phú nhóm động vật đáy trong mùa mưa cao hơn mùa khô, tại từng khu vực theo thứ tự Long Sơn - Vũng Tàu; Cát Bà - Hải Phòng và Vĩnh Tân - Bình Thuận.

Mật độ Coliform trong nước khu vực nuôi cao hơn GHCP (1.000MPN/100ml); Vibrios, Vi sinh vật hiếu khí luôn cao phản ánh môi trường nước khu vực nuôi bị ô nhiễm và ảnh hưởng bởi chất thải sinh hoạt.

Bệnh trên cá: Tại Long Sơn - Vũng Tàu, các mẫu cá mú, cá chẽm, cá chim bị nhiễm các loài ký sinh như trùng quả dưa nước mặn (Cryptocaryon sp.); đỉa biển (Zeylanicobdella sp.) và Bọ - Iso. Tỷ lệ mẫu cá bị đỉa biển ký sinh bắt gặp cao nhất (100%), cường độ nhiễm từ (+) đến (++++++); trùng quả dưa nước mặn có tần suất bắt gặp là 25%, cường độ nhiễm (+) và tỷ lệ 25 - 100% mẫu cá có Bọ - Iso ký sinh với cường độ nhiễm (+); tháng 7, 8, 11/2020 có tỷ lệ mẫu cá nhiễm KST cao.

- Hiện trạng môi trường trầm tích: Tiếp tục ghi nhận trầm tích khu vực nuôi Long Sơn - Vũng Tàu, Cát Bà - Hải Phòng ô nhiễm; trầm tích có màu đen, nhiều rác, cảm quan có mùi hôi thối; hàm lượng COD, T-N, T-P trong trầm tích cao; Trầm tích tại khu nuôi Vĩnh Tân - Bình Thuận chủ yếu là cát, màu vàng; hàm lượng các chất ô nhiễm thấp hơn so với Long Sơn, Cát Bà.

- Cảnh báo môi trường nước khu vực nuôi: 

Trong năm 2020, tại Hải Phòng, thời điểm môi trường nước ô nhiễm nhất vào đầu mùa mưa (tháng 6/2020), giá trị RQtt cao vượt ngưỡng 1,7 - 3,0 lần. Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, ghi nhận thời điểm môi trường nước ô nhiễm nhất vào tháng đầu mùa mưa (tháng 6/2020), giá trị RQtt cao đạt 2,61; trong mùa mưa, môi trường ô nhiễm, biến động mạnh và ghi nhận sự cố môi trường xảy ra gây thiệt hại đối với các hộ nuôi. Mức độ ô nhiễm môi trường tại từng nước khu vực nuôi cá biển bằng lồng bè qua giá trị chỉ số tai biến môi trường tổng thể RQtt: 

Tại Hải Phòng: Mùa khô, giá trị RQtt ở mức 0,56 - 0,64, ô nhiễm cục bộ xảy ra với thông số N-NH4+ và DO: môi trường nước ô nhiễm ở mức ảnh hưởng tai biến môi trường. Mùa mưa, giá trị RQtt ở mức 0,96 - 0,97: môi trường nước ô nhiễm ở mức ảnh nguy cơ tai biến môi trường đối với hoạt động nuôi hải sản. Năm 2020, ghi nhận môi trường nước khu vực nuôi ô nhiễm tương tự như năm 2019.

Tại Bình Thuận: Mùa khô, giá trị RQtt ở mức 0,43 - 0,51; mùa mưa giá trị RQtt cao hơn mùa mưa và ở mức 0,49 - 0,65: môi trường vùng nước ở mức an toàn cho hoạt nuôi hải sản; chỉ ghi nhận ô nhiễm cục bộ đối với thông số N-NH4+ và DO. Năm 2020, chất lượng môi trường tốt hơn so với năm 2019.

Tại Vũng Tàu: Môi trường nước khu vực nuôi trong mùa khô (giá trị RQtt cao ở mức 1,28 - 1,82) và mùa mưa (giá trị RQtt đạt 1,45 - 1,52) đều trong tình trạng ô nhiễm ở mức ảnh hưởng tai biến môi trường đối với hoạt đông nuôi trồng hải sản. Năm 2020, môi trường nước khu vực nuôi ô nhiễm tương tự năm 2019.

4. Trong năm, nhiệm vụ đã thực hiện thêm nhiệm vụ đột xuất về khảo sát đánh giá, xác định nguyên nhân gây cá nuôi bị chết hàng loạt tại Vũng Tàu vào tháng 8/2020. Kết quả đã góp phần quan trọng phục vụ cơ quan quản lý và địa phương thực hiện công tác khắc phục sự cố, phục hồi và ổn định sản xuất nuôi cá biển ở sông Dinh và sông Chà Và - TP. Vũng Tàu.

5. Việc áp dụng QA/QC đã từng bước được quan tâm thực hiện, từ khâu lập kế hoạch, công tác chuẩn bị, ở hiện trường và phòng thí nghiệm. Áp dụng QA/QC cho kết quả khá tốt, cơ bản đáp ứng được năng lực quan trắc phân tích môi trường. Công tác tăng cường và kiểm chuẩn thiết bị ngày được quan tâm hơn. Kết quả của nhiệm vụ được cập nhật vào cơ sở dữ liệu; kịp thời phục vụ công tác quản lý và thực tiễn sản xuất.

8) Thời gian bắt đầu - kết thúc: 01/2020 - 12/2020.

9) Kinh phí thực hiện: 1.200 đồng, trong đó kinh phí từ NSNN: 1.200 đồng, nguồn khác: 0 triệu đồng