Thông tin chung
Tác giả/Author: ThS. Đỗ Anh DuyNgày phát hành/Issued date: 31/10/2019
Đơn vị phát hành/Issued by: Viện Nghiên cứu Hải sản
Nội dung
1) Tên nhiệm vụ: Nghiên cứu, đánh giá tiềm năng nguồn lợi và khả năng khai thác, nuôi trồng các loài rong biển kinh tế tại các đảo tiền tiêu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội (mã số KC.09.05/16-20)
2) Cấp quản lý: Quốc gia (Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Quốc gia, mã số KC.09/16-20)
3) Tổ chức chủ trì: Viện nghiên cứu Hải sản
4) Họ và tên chủ nhiệm: ThS. Đỗ Anh Duy
5) Mục tiêu của nhiệm vụ:
- Đánh giá được tiềm năng nguồn lợi và khả năng khai thác, nuôi trồng các loài rong biển kinh tế tại các đảo tiền tiêu của Việt Nam.
- Xây dựng được mô hình khai thác, nuôi trồng hiệu quả, bền vững góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
6) Kết quả thực hiện:
- Hiện trạng chất lượng môi trường tại các đảo tiền tiêu: Chất lượng môi trường tại các đảo tiền tiêu còn khá tốt, chỉ số tai biến môi trường tổng thể (RQtt) tại các đảo dao động từ 0,23 đến 0,38 và nằm ở mức an toàn về môi trường. Tuy nhiên, tại một số trạm khảo sát cục bộ (khu vực cầu cảng, gần khu dân cư, khu vực nuôi cá lồng bè tập trung…) chất lượng môi trường đã giảm mạnh và có nguy cơ tai biến môi trường, đặc biệt đối với thông số dầu mỡ và cyanua. Tại một số đảo như Vĩnh Thực, Bạch Long Vỹ, Trường Sa lớn, Nam Du, Thổ Chu và Côn Đảo, chỉ số tai biến môi trường (RQ) đối với thông số nitrat và amoni lớn hơn 0,75 và đã xảy ra ô nhiễm cục bộ tại một số trạm quan trắc, điều này đồng nghĩa với áp lực môi trường của các đảo với hai thông số này khá lớn, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường cao.
- Đa dạng sinh học và nguồn lợi rong biển:
Đã xác định được 375 loài rong biển thuộc 135 chi, 62 họ, 26 bộ của 4 ngành rong tại vùng biển ven 10 đảo tiền tiêu. Trong đó, ngành rong Lam (Cyanophyta) có 16 loài; ngành rong Đỏ (Rhodophyta) có 193 loài; ngành rong Nâu (Phaeophyta) có 72 loài và ngành rong Lục (Chlorophyta) có 94 loài. Phát hiện được 6 loài rong biển quý, hiếm, có nguy cơ đe dọa tuyệt chủng nằm trong danh mục loài cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển ở Việt Nam, trong đó 4 loài có nguy cơ tuyệt chủng rất lớn (EN), 2 loài có nguy cơ tuyệt chủng lớn (VU). Phát hiện bổ sung 4 loài rong biển mới cho Danh mục các loài rong biển Việt Nam.
Các đảo tiền tiêu khu vực biển miền Trung có thành phần loài rong biển đa dạng hơn so với khu vực miền Bắc và miền Nam. Thành phần loài đa dạng nhất ghi nhận tại Lý Sơn với 143 loài, tiếp đến tại Phú Quý 136 loài, Bạch Long Vỹ 112 loài, ba đảo: Cồn Cỏ, Côn Đảo, Nam Du cùng ghi nhận được 96 loài, Trường Sa lớn 81 loài, Cô Tô 79 loài, Vĩnh Thực 70 loài. Thấp nhất tại Thổ Chu, ghi nhận được 69 loài. Hiện trạng số lượng thành phần loài rong biển tại các đảo tiền tiêu đa dạng hơn so với các nghiên cứu công bố trước đây.
Rong biển phân bố chủ yếu trên nền đáy cứng (rạn đá, rạn san hô); dải độ sâu phân bố tập trung nguồn lợi rong biển từ vùng triều thấp đến độ sâu 5-6 m nước so với 0 m hải đồ. Độ phủ rong biển trung bình đạt 14,6 ± 3,2 %; sinh lượng nguồn lợi trung bình đạt 1.456 ± 304 g/m2; trữ lượng nguồn lợi tươi tức thời khoảng 24.000 ± 3.934 tấn. Trong đó hai đảo Lý Sơn và Phú Quý có trữ lượng cao nhất (Lý Sơn 9.274 ± 1.221 tấn; Phú Quý 6.079 ± 989 tấn). Các nhóm loài có trữ lượng lớn đóng góp vào trữ lượng nguồn lợi rong biển tại các đảo tiền tiêu như chi rong mơ Sargassum (5.703 ± 2.117 tấn); chi rong guột Caulerpa (3.397 ± 1.526 tấn); chi rong loa Turbinaria (2.763 ± 790 tấn); chi rong câu chân vịt Hydropuntia (2.077 ± 618 tấn); chi rong mào gà Laurencia (1.349 ± 630 tấn)…
- Tiềm năng nguồn lợi rong biển:
Tiềm năng giá trị trực tiếp của rong biển, gồm: 1) Tiềm năng sản xuất keo rong biển (tiềm năng nguồn lợi rong biển để sản xuất agar khoảng 2.206 ± 683 tấn; carrageenan khoảng 334 ± 264 tấn; alginate, fucoidan, phlorotannin khoảng 8.916 ± 3.079 tấn); 2) Tiềm năng làm thực phẩm khoảng 9.256 ± 3.787 tấn; 3) Tiềm năng rong biển về dược liệu khoảng 3.271 tấn; 4) Tiềm năng cung cấp nguồn nguyên liệu sinh học khoảng 13.900 tấn (nhóm rong Lục khoảng 4.167 tấn; nhóm rong nâu khoảng 6.844 tấn; nhóm rong đỏ khoảng 2.898 tấn). Trong đó nhiều nhóm loài rong biển có nhiều tiềm năng giá trị sử dụng khác nhau.
Tiềm năng giá trị gián tiếp thông qua khả năng xử lý môi trường trong việc hấp thụ khí CO2 của một số loài rong biển được thực hiện thí điểm tại Côn Đảo. Giá trị tiềm năng gián tiếp mà các loài rong biển kinh tế tại Côn Đảo có thể hấp thụ được trong một năm vào khoảng 97,8 tấn khí CO2, góp phần rất lớn vào khả năng xử lý, cải thiện chất lượng môi trường tại các đảo tiền tiêu.
- Tiềm năng khai thác, nuôi trồng các loài rong biển: Đã ghi nhận được 113 loài rong biển kinh tế có công dụng và giá trị sử dụng (trong đó, ngành rong Đỏ có 51 loài; ngành rong Nâu có 32 loài và ngành rong Lục có 30 loài). Tiềm năng khai thác rong biển: họ rong mơ (Sargassaceae) khoảng 6.000 - 6.500 tấn tươi/năm; họ rong câu (Gracilariaceae) khoảng 1.500 - 1.600 tấn tươi/năm; họ rong guột (Caulerpaceae) khoảng 2.600 - 2.800 tấn tươi/năm; họ rong cải biển (Ulvaceae) khoảng 400 - 500 tấn tươi/năm; họ rong đông (Hypneaceae) khoảng 40 - 42 tấn tươi/năm... Tiềm năng nuôi trồng các loài rong biển tại các đảo tiền tiêu đối với các nhóm loài: rong câu (Gracilaria), rong sụn (Kappaphycus, Eucheuma), rong nho (Caulerpa), rong câu chân vịt (Hydropuntia), rong mơ (Sargassum)...
- Định hướng quản lý và phát triển bền vững nguồn lợi rong biển: Dựa trên các kết quả đánh giá về điều kiện tự nhiên, môi trường; đa dạng sinh học và nguồn lợi rong biển; tiềm năng trực tiếp và giá trị gián tiếp nguồn lợi rong biển; khả năng khai thác và nuôi trồng rong biển; các kết quả triển khai thực địa, nhân rộng các mô hình nuôi trồng các loài rong biển kinh tế tại các đảo tiền tiêu… trên cơ sở đó đề tài đã đề xuất xây dựng các định hướng quản lý và phát triển bền vững nguồn lợi rong biển kinh tế tại các đảo tiền tiêu ở biển Việt Nam. Đặc biệt, đề tài đã đưa ra bộ các giải pháp rất cụ thể để có thể bảo vệ, khai thác và sử dụng hợp lý nguồn lợi rong biển này.
- Kết quả xây dựng các mô hình nuôi trồng rong biển kinh tế:
Mô hình nuôi trồng rong nho biển trong bể xi măng tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi: Rong sinh trưởng và phát triển tốt, các nhánh đứng mọc dày, màu xanh đậm, chiều dài thân đứng rong thành phẩm trung bình đạt từ 6-8 cm, trái to mọng và đều ở hầu hết chùm. Sau 35 ngày nuôi trồng, năng suất toàn tản đạt khoảng 4.604 ± 785 g rong tươi/vỉ lưới; tốc độ tăng trưởng đạt 1,78 ± 0,26 %/ngày; tỷ lệ khối lượng thân đứng so với toàn tản đạt 63,0 ± 3,72%; trong đó tỷ lệ khối lượng thân đứng trên 5 cm (phần sử dụng làm thực phẩm) so với toàn tản đạt 29,2 ± 1,92%; khối lượng rong thu hoạch trung bình đạt khoảng 1.346±154 g/vỉ lưới. Tổng sản lượng rong nho thành phẩm nuôi trồng trong hai năm 2018 và 2019 đạt 1.051 kg rong tươi.
Mô hình nuôi trồng rong sụn trong ô lồng lưới tại huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận: Rong sinh trưởng và phát triển tốt, có màu nâu vàng, các bụi rong sụn có đường kính thân trung bình từ 6-7 mm, chiều dài tản dao động từ 40-50 cm. Sau 60 ngày nuôi trồng, năng suất trung bình đạt 700 ± 68 g rong tươi/bụi; tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 3,74 ± 0,19 %/ngày. Tổng sản lượng rong sụn thương phẩm nuôi trồng trong hai năm 2018 và 2019 đạt 11.480 kg rong tươi (khoảng 1.276 kg rong khô).
7) Thời gian bắt đầu - kết thúc: 11/2016 - 10/2019
8) Kinh phí thực hiện: 7.500 triệu đồng, trong đó kinh phí từ NSNN: 7.500 triệu đồng, nguồn khác: 0 triệu đồng