Thông tin chung

Tác giả/Author: ThS. Trương Văn Tuân
Ngày phát hành/Issued date: 30/06/2016
Đơn vị phát hành/Issued by: Viện Nghiên cứu Hải sản

Nội dung

1) Tên nhiệm vụ: Nghiên cứu, đánh giá hiện trạng nghề chế biến Sứa ở Hải Phòng, đề xuất giải pháp quản lý và giảm thiểu ô nhiễm

2) Cấp quản lý: Cấp thành phố Hải Phòng

3) Tổ chức chủ trì: Trung tâm Quan trắc môi trường biển

4) Họ và tên chủ nhiệm: ThS. Trương Văn Tuân

5) Mục tiêu của nhiệm vụ: Nghiên cứu, đánh giá hiện trạng nghề chế biến sứa ở Hải Phòng, đề xuất giải pháp quản lý và giảm thiểu ô nhiễm. 

6) Kết quả thực hiện:

Đã tổng hợp được các tài liệu trong và ngoài nước có liên quan đến tình hình nghiên cứu chế biến sứa, ảnh hưởng của hoạt động chế biến sứa đến môi trường và giải pháp giảm thiểu, xử lý chất thải trong chế biến sứa.

Đã phân tích, đánh giá được hiện trạng nghề chế biến sứa ở Hải Phòng. Kết quả cho thấy, trong năm 2015 ở Hải Phòng có 22 cơ sở chế biến sứa với sản lượng chế biến đạt 17.220 tấn (430,5 vạn đầu sứa). Quy trình sơ chế sứa hiện nay đã được rút ngắn về thời gian làm tăng hiệu quả sản xuất. Thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc với tỉ lệ 70 - 80% sản lượng có giá trị, tổng giá trị sản xuất trong năm ước đạt 125 - 135 tỉ đồng. Biện pháp xử lý chất thải tại các cơ sở hiện naychưa được quan tâm và không triệt để. Nước thải chế biến sứa có thành phần ô nhiễm cao, các chỉ tiêu đều vượt GHCP trung bình từ 2 đến 11 lần và được xả thải trực tiếp vào nguồn tiếp nhận mà không qua hệ thống xử lý, giảm thiểu. Ảnh hưởng của nước thải chế biến sứa khá rõ ràng thông qua các chỉ số đánh giá vào trước, trong và sau mùa chế biến; làm tăng nguy cơ tiềm ẩn với các sự cố môi trường, làm thay đổi chất lượng nước biển ven bờ được sử dụng để NTTS, tắm biển và các hoạt động thể thao dưới nước.

Đã nghiên cứu và lựa chọn được công nghệ xử lý nước thải chế biến sứa thích hợp. Vớiphương pháp xử lý bằng hóa sinh kết hợp với quá trình hồi lưu bùn hoạt tính, đã tính toán - thiết kế - xây dựng - vận hành thử nghiệm; hiệu chỉnh và hoàn thiện được mô hình công nghệ xử lý nước thải chế biến sứa với công suất 10m3/ngày đêm, đặt tại cơ sở chế biến sứa Bình Phương (Ngọc Hải - Đồ Sơn). Kết quả đánh giá cho thấy, nước sau xử lý đảm bảo yêu cầu theo cột B của QCVN 11-MT:2011/BTNMT; tùy theo từng thông số phân tích, hiệu quả đã giảm từ 4 – 35 lần (66 – 96%), đồng thời đã đề xuất được quy trình công nghệ xử lý nước thải chế biến sứa hoàn chỉnh nhằm áp dụng đối với các cơ sở chế biến sứa tại địa phương.

Dựa trên hiện trạng nghề chế biến sứa ở địa phương, đề tài đã đề xuất một số giải pháp nhằm áp dụng cho cơ quan quản lý - cơ sở - người lao động và biện pháp kỹ thuật cụ thể nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong hoạt động chế biến sứa trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

7) Thời gian bắt đầu - kết thúc: 11/2014 - 05/2016

8) Kinh phí thực hiện: 567,74 triệu đồng, trong đó kinh phí từ NSNN: 501,74 triệu đồng, nguồn khác: 66,0 triệu đồng