Thông tin chung
Tác giả/Author: ThS. Nguyễn Quang HùngNgày phát hành/Issued date: 31/12/2007
Đơn vị phát hành/Issued by: Viện nghiên cứu Hải sản
Nội dung
Đã xác định được thành phần thức ăn trong dạ dày cá mòi cờ hoa gồm 172 loài TVPD thuộc 5 ngành tảo là tảo Silíc, tảo Lục, tảo Lam, tảo Giáp và tảo Mắt (trong đó ngành tảo Silíc có tần suất bắt gặp cao nhất > 50%); và 19 loài ĐVPD thuộc 5 nhóm Cladocera, Amphipoda, Copepoda, Rotatoria, ấu trùng Gastropoda (trong đó nhóm Copepod có tần suất bắt gặp cao nhất).
Cá sinh trưởng và phát triển ở vùng ven biển, hàng năm đến giai đoạn thành thục sinh dục cá di cư về phía cửa sông (tháng 1-2) và ngược dòng lên thượng nguồn để sinh sản (tháng 2,3,4,5). Sau khi đẻ, cá bố mẹ, cá bột và cá con xuôi theo dòng nước di cư về cửa sông-ven biển để tiếp tục quá trình sinh trưởng, đến năm sau lại tiếp tục chu kỳ sinh sản và sinh trưởng.
Kích thước và chiều dài trung bình của quần thể cá mòi cờ hoa sống ở vùng ven biển nhỏ hơn so với những năm trước đây, thể hiện áp lực khai thác quá mức và xu hướng suy giảm chất lượng nguồn lợi.
Quần thể cá mòi ngày nay mặc dù đã bị suy giảm mạnh về nguồn lợi, nhưng cấu trúc quần thể vẫn giữ được ổn định 5 nhóm tuổi ngoài tự nhiên (0+ - 4+). Trong đó, nhóm dưới 1 tuổi (0+) có chiều dài trung bình < 115mm. Nhóm trên 1 tuổi (1+) tương ứng với nhóm chiều dài từ 120 - 155mm. Nhóm trên 2 tuổi (2+) tương ứng với nhóm chiều dài từ 160 - 200mm. Nhóm trên 3 tuổi (3+) tương ứng với nhóm chiều dài 205 - 235mm. Nhóm trên 4 tuổi (4+) tương ứng với nhóm chiều dài > 240mm.
Nhóm cá dưới 1 tuổi (0+) đã có thể tham gia sinh sản lần đầu. Quần thể cá di cư sinh sản và quần thể cá sống ở ven biển vẫn giữ được tính ổn định về cấu trúc giới tính và tỷ lệ cá đực/cá cái so với trước đây. Khu vực trong sông, tỷ lệ đực/cái là 43%/57%. Khu vực cửa sông ven tỷ lệ đực/cá là 36,2/31,2%.
Sau khoảng trên 30 năm, sự phát triển tuyến sinh dục của quần thể cá mòi cờ hoa đã có sự thay đổi rất rõ ràng. Quần thể cá ngày nay có xu hướng thành thục sinh dục sớm hơn, mùa vụ di cư sinh sản vào trong sông sớm hơn, mùa vụ sinh sản rải rác và kéo dài hơn. Thời kỳ cá đẻ rộ từ tháng 3 - tháng 5 hàng năm.
Tàu/thuyền sử dụng trong khai thác cá mòi trên các sông, cửa sông và ven biển Vịnh Bắc Bộ chủ yếu là tàu thủ công, không lắp máy chiếm 20 - 25%, lắp máy công suất < 20cv chiếm 65 - 75%, tàu có công suất lớn hơn 20cv chiếm 5 - 10%.
Ngư cụ chuyên khai thác cá mòi cờ hoa là lưới rê 1 lớp và lưới rê 3 lớp. Các ngư cụ khai thác ngẫu nhiên cá mòi gồm lưới kéo, lưới vây, lưới rùng, đăng, đáy, te xiệp.
Mùa vụ khai thác cá mòi cờ hoa phụ thuộc vào thời gian cá di cư sinh sản hoặc thời gian sinh trưởng ở ven biển: Trong sông (chủ yếu từ tháng 2-6), cửa sông (chủ yếu từ tháng 11-tháng 1 năm sau), ven biển (chủ yếu từ tháng 8-9).
Năng suất khai thác có xu hướng giảm dần từ năm 2005-2007. Năng xuất khai thác trung bình khu vực trong sông đạt 6,1 kg/thuyền/ngày, cửa sông đạt 8,5 kg/thuyền/ngày, ven biển đạt 58,1 kg/thuyền/ngày.