Thông tin chung
Tác giả/Author: TS. Đào Mạnh SơnNgày phát hành/Issued date: 31/12/2002
Đơn vị phát hành/Issued by: Viện nghiên cứu Hải sản
Nội dung
Đề tài đã đánh giá được trữ lượng nguồn lợi cá biển (năm 2002) ở vùng biển Việt Nam là 3.072.790 tấn và khả năng khai thác bền vững cho phép 1.426.600 tấn. Trữ lượng cá ở vùng biển xa bờ được xác định là 2.378.100 tấn và khả năng khai thác bền vững là 1.095.550 tấn, trong đó cá nổi chiếm 71%, cá đáy chiếm 29%. Ngư trường và mùa vụ khai thác chính của một số loại nghề chính như lưới kéo đơn, lưới kéo đôi, lưới vây và lưới rê cũng được xác định cụ thể. Trong đó tập trung phát triển mạnh đội tàu lưới vây và lưới rê xa bờ để khai thác nguồn lợi cá nổi khá phong phú. Những loài có sản lượng cao và là đối tượng khai thác chính cũng được xác định ở vùng biển vịnh Bắc Bộ là cá bánh đường, cá trác ngắn, mực ống, mực nang, cá hố, cá liệt; ở vùng biển Trung Bộ và giữa Biển Đông các đối tượng đánh bắt chính đối với nghề lưới rê là cá ngừ vằn, cá ngừ chù, cá ngừ vây vàng, cá ngừ chấm, cá nục heo, cá ngừ phương đông, cá cờ Ấn Độ, cá đuối ó Nhật Bản, cá ngừ mắt to và cá kiếm. Các đối tượng chính đối với nghề câu vàng là cá ngừ vây vàng, cá mập, cá ngừ mắt to, cá cờ và cá kiếm. Vùng biển Đông Nam Bộ các loài có sản lượng cao là mực ống, cá lượng, cá trác ngắn, cá chỉ vàng, cá phèn khoai, mực nang và các loài cá mối; vùng biển Tây Nam Bộ là cá liệt, mực ống, cá hố, mực nang, cá khế, cá bò, cá phèn khoai, cá trác và cá mối. Ngoài ra, kết quả cũng đưa ra một vài đặc điểm sinh học cơ bản của một số loài cá điển hình có sản lượng cao.