Thông tin chung

Tác giả/Author: TS. Nguyễn Quang Hùng (từ tháng 9/2019-4/2018); TS. Nguyễn Khắc Bát (từ tháng 5/2018-11/2020)
Ngày phát hành/Issued date: 30/11/2020
Đơn vị phát hành/Issued by: Viện Nghiên cứu Hải sản

Nội dung

1. Tên nhiệm vụ: Nghiên cứu cơ sở khoa học, định hướng sử dụng hợp lý đa dạng sinh học và nguồn lợi vùng biển Tây Nam Bộ (mã số KC.09/16-20)

2. Cấp quản lý: Quốc gia (Chương trình KH&CN trọng điểm cấp Quốc gia, mã số KC.09/16-20)

3. Tổ chức chủ trì: Viện nghiên cứu Hải sản

4. Họ và tên chủ nhiệm: TS. Nguyễn Khắc Bát

5. Mục tiêu của nhiệm vụ:

- Xác lập được cơ sở khoa học (lý luận và thực tiễn) về đa dạng sinh học, nguồn lợi và môi trường ở vùng biển Tây Nam Bộ;

- Đề xuất được các giải pháp bảo tồn và sử dụng hợp lý đa dạng sinh học và nguồn lợi vùng biển Tây Nam Bộ;

- Xây dựng được mô hình sử dụng hợp lý đa dạng sinh học có sự tham gia của cộng đồng.

6) Kết quả thực hiện:

* Về đa dạng sinh học, nguồn lợi hải sản ở biển Tây Nam Bộ:

1) Vùng biển Tây Nam Bộ có đa dạng sinh học cao. Đã thống kê được 268 loài thực vật phù du, 146 loài động vật phù du, 640  loài cá, 212 loài chân bụng, 221 loài giáp xác, 163 loài hai mảnh vỏ, 43 loài động vật chân, 9 loài cỏ biển, 161 loài rong biển, 254 loài san hô và 13 loài hải sản khác trong các hệ sinh thái ven biển, ven đảo là hệ sinh thái rừng ngập mặn, bãi bồi - vùng triều - cửa sông, rạn san hô, cỏ biển và vùng biển phía ngoài các hệ sinh thái. Tổng số có 854 loài bắt gặp trong hệ sinh thái rạn san hô và hệ sinh thái cỏ biển, 264 loài bắt gặp trong hệ sinh thái rừng ngập mặn, 250 loài bắt gặp trong hệ sinh thái bãi bồi, vùng triều, cửa sông. Ở vùng biển phía ngoài các hệ sinh thái, đã bắt gặp 675 loài hải sản, gồm 463 loài, gồm 221 loài cá đáy, 154 loài cá rạn, 82 loài cá nổi và 6 loài cá biển sâu; nhóm giáp xác bắt gặp 130 loài, động vật thân mềm bắt gặp 80 loài và nhóm hải sản khác bắt gặp 3 loài.

Trong thành phần loài hải sản bắt gặp ở vùng biển Tây Nam Bộ, có 61 loài hải sản có giá trị kinh tế thường gặp là đối tượng hướng đến của hoạt động nghề cá. Có 46 loài sinh vật nằm trong danh mục loài quý hiếm, nguy cấp, có nguy cơ tuyệt chủng, gồm 01 loài ở mức nguy cấp CR; 7 loài ở mức EN; 33 loài ở mức VU và 5 loài nằm trong nhóm I của nghị đinh 26/2019/NĐ-CP.

2) Nguồn lợi hải sản ở vùng biển Tây Nam Bộ có tiềm năng lớn và đặc trưng bởi nhóm cá nổi nhỏ. Trữ lượng của các loài hải sản ở được đánh giá khoảng 618 - 721 ngàn tấn, gồm 108 - 126 ngàn tấn ở các hệ sinh thái ven biển, ven đảo (chiếm 17,54% tổng trữ lượng) và 510-594 ngàn tấn ở vùng biển phía ngoài các hệ sinh thái (chiếm 82,46%). Nhóm cá nổi nhỏ có trữ lượng cao nhất, chiếm 64,24% tổng trữ lượng. Các nhóm còn lại có trữ lượng là 53 - 107 ngàn tấn cá đáy (chiếm 11,97%), 14-16 ngàn tấn động vật chân đầu (chiếm 2,29%), 33-64 ngàn tấn giáp xác (chiếm 7,33%), 77-79 ngàn tấn động vật thân mềm (chiếm 11,68%) và 8-25 ngàn tấn hải sản khác (chiếm 2,49%). Cá cơm là nhóm có trữ lượng cao nhất ở vùng biển Tây Nam Bộ, ước tính khoảng 108 ngàn tấn ở mùa gió Tây Nam nam 2017, chiếm 16,2% trong tổng trữ lượng nguồn lợi hải sản và chiếm 25,16% trong tổng trữ lượng của nhóm cá nổi nhỏ.

3) Tổng sản lượng khai thác của các đội tàu Cà Mau và Kiên Giang trong giai đoạn 2014-2019 có sự biến động lớn, dao động từ 629 - 753 ngàn tấn. Trong đó sản lượng khai thác ở vùng biển Tây Nam Bộ khoảng 465 - 513 ngàn tấn, còn lại là sản lượng khai thác ở các vùng biển lân cận. Sản lượng hải sản lên bến ở vùng biển Tây Nam Bộ chủ yếu được khai thác bằng nghề lưới kéo đáy (58,8-80,7%) và nghề lưới vây (7,3 - 20,3%). Cơ cấu sản lượng khai thác chiếm tỉ lệ rất cao của nhóm cá tạp (còn gọi là cá lợn hoặc cá phân), sản lượng của các loài hải sản có giá trị kinh tế thấp và có sự suy giảm.

4) Vùng biển Tây Nam Bộ đang bị khai thác quá mức với sản lượng khai thác của các nghề chính như lưới kéo đáy, lưới vây, lưới rê tầng mặt, lưới rê tầng đáy đều vượt ngưỡng sản lượng khai thác bền vững tối đa. Hệ số khai thác (E) đối với một số loài ưu thế thường gặp ở mức cao đến rất cao. Trong đó hệ số khai thác của loài cá ba thú là loài đặc trưng ở vùng biển Tây Nam Bộ đã ở mức E=0,81. Khai thác xâm hại ở vùng biển Tây Nam Bộ đang ở mức rất cao thể hiện ở tỉ lệ cá thể còn non, cá thể có kích thước nhỏ của các loài hải sản kinh tế thường gặp trong sản lượng khai thác chiếm tỉ lệ lớn từ 39-91% ở nghề lưới kéo và từ 13-46% ở nghề lưới vây. Kết quả điều tra nguồn lợi hải sản cho thấy, so với giai đoạn 2000-2005 thì ở giai đoạn 2012-2018 nguồn lợi hải sản tầng đáy giảm khoảng trung bình khoảng 30,6% và nguồn lợi cá nổi có sự thay đổi cấu trúc giữa các nhóm, trong đó cá cơm, cá bạc má - ba thú, cá nục giảm và cá khế, cá trích, cá ngân, cá tráo tăng lên.

5) Hầu hết các loài hải sản ở vùng biển Tây Nam Bộ sinh sản rải rác quanh năm, tuy nhiên mùa sinh sản rộ của một số loài hải sản kinh tế thường diễn ra trong khoảng tháng 3 đến tháng 6 và tháng 9 đến tháng 11 hàng năm. Bãi đẻ, bãi giống chính của các loài hải sản tập trung chủ yếu ở khu khu vực tam giác Rạch Giá - Hà Tiên, Phú Quốc, khu vực quần đảo Thổ Chu và khu vực xung quanh mũi Cà Mau. Về không gian, các khu vực phân bố nguồn giống tập trung cao cũng là những khu vực có mật độ cao của các nhóm sinh vật phù du.

* Về giải pháp bảo tồn và sử dụng hợp lý đa dạng sinh học và nguồn lợi vùng biển Tây Nam Bộ: Để bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ nguồn lợi hải sản và khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên sinh vật ở vùng biển Tây Nam Bộ, cần:

1) Thành lập 02 khu vực bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ nguồn lợi hải sản ở: 1) khu vực Mũi Cà Mau (diện tích khoảng 2.320 km2, bao trùm một phần khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau và ba khu vực cấm khai thác có thời hạn) và 2) khu vực tam giác Rạch Giá - Hà Tiên - Phú Quốc (diện tích khoảng 4.800 km2 , bao gồm một phần của khu vực dự trữ sinh quyển biển đảo Kiên Giang và bốn khu vực cấm khai thác có thời hạn). Cần có nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách phù hợp để quản lý hiệu quả các khu vực bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ nguồn lợi hải sản trong thực tiễn.

2) Thành lập mới khu bảo tồn biển ở quần đảo Nam Du. Đây là những khu vực có đa dạng sinh học cao, độ phủ của san hô tốt đồng thời nằm trong vùng bãi đẻ, bãi giống hải sản chính ở vùng biển Tây Nam Bộ.

3) Định hướng quản lý nghề cá thương phẩm ở vùng biển Tây Nam Bộ theo tiếp cận hệ sinh thái, trong đó đi theo 02 hướng chính gồm: (1) Hướng tới tiêu chuẩn MSC áp dụng cho các nghề cá gồm: nghề khai thác cá cơm, nghề khai thác ghẹ xanh, nghề khai thác bạch tuộc, nghề khai thác cá ngừ nhỏ là các nghề khai thác các nhóm nguồn lợi được sử dụng làm thực phẩm trực tiếp cho con người và (2) Hướng tới tiêu chuẩn IFFO RS đối với nghề lưới kéo do sản phẩm của nghề này có tới trên 70% là cá tạp được sử dụng để chế biến thức ăn cho nuôi trồng thuỷ sản hoặc thức ăn chăn nuôi, gián tiếp làm thực phẩm cho con người.

4) Phát triển du lịch sinh thái, du lịch khám phá biển đảo, lặn khám phá hệ sinh thái rạn san hô và các loài sinh vật trong hệ sinh thái rạn san hô ở các đảo Phú Quốc, cụm đảo An Thới, Hòn Tre, Nam Du, quần đảo Bà Lụa, quần đảo Hải Tặc. Các đảo này nằm ở phía Bắc của vùng biển Tây Nam Bộ, là nơi có đa dạng sinh học cao, rạn san hô phát triển và độ đục nước biển thấp, thuận lợi cho du lịch lặn biển. Phát triển du lịch sinh thái kết hợp khám phá văn hoá cộng đồng khu vực ven biển mũi Cà Mau để khai thác tài nguyên cảnh quan của các hệ sinh thái rừng ngập mặn, bãi triều cửa sông ven biển ở khu vực này.

* Mô hình sử dụng hợp lý đa dạng sinh học có sự tham gia của cộng đồng:

Mô hình quản lý “Tổ cộng đồng nghề lưới vây cá cơm huyện đảo Phú Quốc” là mô hình lý thuyết được đề tài lựa chọn để xây dựng nhằm bảo vệ nguồn lợi cá cơm và hướng tới khai thác bền vững đối tượng này.

Tổ cộng đồng ban đầu gồm 46 thành viên, gồm các chủ tàu làm nghề lưới vây cá cơm ở huyện đảo Phú Quốc, tham gia tự nguyện. Đại diện tổ cộng đồng là ông Phạm Văn Hoàng, địa chỉ tại khu phố 9 - Thị trấn Dương Đông - Phú Quốc - Kiên Giang. Phạm vi quản lý được giới hạn trong khu vực có toạ độ là: 10o00’00” N và 103o57’25” E đến 10o00’00” N và 104o00’00” E ở phía Bắc; 9o40’00” N và 103o42’15” E đến 9o40’00” N và 104o10’00” E ở phía Nam. Phía Đông được giới hạn bởi đoạn thẳng nối các điểm từ 10o00’00” N và 104o00’00” E đến 9o40’00’’ N và 104o00’00” E. Phía Tây được giới hạn bởi đoạn thẳng nối các điểm từ 10o00’00” N và 103o57’25” E đến 9o40’00” N và 103o42’15”, toàn bộ khu vực thực hiện mô hình nằm trong vùng lộng tỉnh Kiên Giang. Đối tượng bảo vệ là các loài cá cơm thường gặp ở vùng biển Tây Nam Bộ, gồm cá cơm Đê-vi Encrasicholina devisi (Whitley, 1940); cá cơm mõm nhọn Encrasicholina heteroloba (Rüppell, 1837); cá cơm sọc xanh Encrasicholina punctifer Fowler, 1938;  cá cơm thường Stolephorus commersonii Lacepède, 1803 và cá cơm Ấn Độ Stolephorus indicus (Hasselt 1823).

Tổ cộng đồng đã thống nhất quy chế hoạt động. Ban chấp hành Tổ cộng đồng gồm tổ trưởng, 01 tổ phó và 01 thủ quỹ do các thành viên trong tổ bầu ra. Nhiệm vụ của các thành viên trong tổ do Tổ trưởng phân công dựa trên quy chế hoạt động đã được thống nhất.

Thời gian hạn chế hoặc cấm khai thác được xác định vào thời điểm mùa sinh sản của cá khoảng từ tháng 3 - 5 và tháng 9 - 11 trong năm. Tổ cộng đồng tổ chức thực hiện công tác giám sát hoạt động khai thác cá cơm, gồm: hoạt động tàu thuyền, sản lượng khai thác, giải quyết xung đột nghề tại khu vực thực hiện đồng quản lý. Cường lực và sản lượng khai thác được điều chỉnh qua từ năm dựa trên số liệu giám sát về cường lực, sản lượng và hiệu quả hoạt động khai thác.

7) Thời gian bắt đầu - kết thúc: 09/2017 - 11/2020

8) Kinh phí thực hiện: 6.150 triệu đồng, trong đó kinh phí từ NSNN: 6.150 triệu đồng, nguồn khác: 0 triệu đồng