Thông tin chung
Tác giả/Author: ThS. Bùi Văn TùngNgày phát hành/Issued date: 31/12/2013
Đơn vị phát hành/Issued by: Viện nghiên cứu Hải sản
Nội dung
Kết quả nghiên cứu cho thấy cường lực khai thác của đội tàu lưới kéo tập trung chủ yếu ở vùng biển có dải độ sâu 50m trở vào, tập trung nhiều ở khu vực Côn Đảo, Nam- Đông Nam Côn Đảo, vùng lộng từ Bình Thuận đến Bạc Liêu; lưới rê tập trung chủ yếu ở vùng biển Côn Đảo, khu vực Tây nam quần đảo Trường Sa; lưới vây tập trung nhiều ở khu vực Côn Đảo, Nam-Đông Nam Côn Đảo, Bình Thuận-Phú Quý, vùng lộng Bà Rịa-Vũng Tàu; nghề câu mực tập trung ở vùng biển Côn Đảo-Nam Côn Đảo, nghề câu cá rạn tập trung ở khu vực tây nam quần đảo Trường Sa; nhóm nghề khác tập trung nhiều ở khu vực quanh Côn Đảo và Nam Côn Đảo, mùa gió Tây Nam cường lực khai thác có xu hướng dịch chuyển ra xa bờ hơn so với mùa gió Đông Bắc.
Hiệu quả hoạt động của các nghề khai thác ở vùng biển xa bờ Đông Nam Bộ như sau: đội tàu lưới vây có 72% đạt mức hiệu quả cao và 28% đạt mức hiệu quả, đội tảu lưới kéo có 67% đạt mức hiệu quả cao và 33% đạt mức hiệu quả, đội tàu câu có 67% đạt mức hiệu quả cao và 30% đạt mức hiệu quả, đội tàu nghề khác có 44% đạt mức hiệu quả cao và 50% đạt mức hiệu quả, nghề lưới rê có hiệu quả hoạt động thấp nhất với 39% đạt mức hiệu quả cao và 39% đạt mức hiệu quả. Hiệu quả hoạt động của các đội tàu có xu hướng tỷ lệ nghịch với sự gia tăng công suất tàu, tàu công suất lớn có hiệu quả hoạt động thấp hơn tàu công suất nhỏ.
Cường lực khai thác bền vững tối đa ở vùng biển xa bờ Đông Nam Bộ nằm trong khoảng từ 950.091-951.659 ngày tàu và sản lượng khai thác bền vững tối đa tương ứng từ 480.779-501.651 tấn. Cường lực khai thác hiện tại ở vùng biển xa bờ Đông Nam Bộ vượt ngưỡng cường lực khai thác bền vững tối đa khoảng 2% và sản lượng vượt ngưỡng sản lượng khai thác bền vững tối đa khoảng 7%.