Thông tin chung
Tác giả/Author: TS. Nguyễn Khắc BátNgày phát hành/Issued date: 31/03/2020
Đơn vị phát hành/Issued by: Viện Nghiên cứu Hải sản
Nội dung
1) Tên nhiệm vụ: Dự án Điều tra liên hợp Việt – Trung đánh giá nguồn lợi hải sản trong Vùng đánh cá chung vịnh Bắc Bộ (giai đoạn V) từ năm 2017 đến hết năm 2019
2) Cấp quản lý: Quốc gia
3) Tổ chức chủ trì: Viện nghiên cứu Hải sản
4) Họ và tên chủ nhiệm: TS. Nguyễn Khắc Bát
5) Mục tiêu của nhiệm vụ: Đánh giá được hiện trạng và biến động nguồn lợi hải sản hàng năm trong Vùng đánh cá chung Vịnh Bắc Bộ giai đoạn 2017-2019 để có cơ sở điều chỉnh số lượng tàu thuyền và đề xuất các giải pháp quản lý nghề cá bền vững trong giai đoạn tới, góp phần thực hiện Hiệp định Hợp tác Nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
6) Kết quả thực hiện:
1. Các kết quả đánh giá hiện trạng và biến động nguồn lợi hải sản trong Vùng đánh cá chung giai đoạn V đã được nhóm chuyên gia Nguồn lợi Việt Nam - Trung Quốc thống nhất. Các kết quả này đã được UBLH nghề cá vịnh Bắc Bộ đánh giá cao, được sử dụng làm cơ sở khoa học quan trọng nhất trong đàm phán điều chỉnh cường lực khai thác trong Vùng đánh cá chung vịnh Bắc Bộ. Duy trì mức cấp phép tổng số tàu hoặc cường lực tương ứng của giai đoạn 2017-2019 giảm 10% so với giai đoạn 2014-2016, giảm 20% tổng cường lực so với giai đoạn 2006-2013. Tuy nhiên mức điều chỉnh giảm này vẫn chưa đủ lớn để khôi phục nguồn lợi hải sản ở mức ổn định so với khi bắt đầu triển khai Hiệp định.
2. Nguồn lợi hải sản ở Vùng đánh cá chung tương đối đa dạng, với số lượng loài và nhóm loài bắt gặp trong các chuyến điều tra bằng lưới kéo đáy giai đoạn 2006-2019 cao, chiếm ưu thế bởi các loài cá tạp và các loài cá nổi nhỏ.
3. Năng suất, mật độ nguồn lợi ở giai đoạn V duy trì tương đối ổn định nhưng mức độ giảm sút của nguồn lợi giai đoạn 2017-2019 là rất rõ rệt, đặc biệt so với các năm ở giai đoạn từ 2006 đến 2010, giảm khoảng 50 %.
4. Trữ lượng nguồn lợi hải sản ở Vùng đánh cá chung vịnh Bắc Bộ, giai đoạn 2017-2019 ước tính trung bình khoảng 40.346 tấn; giảm khoảng 30% so với giai đoạn 2014-2016 (63.000 tấn) và giảm khoảng 60% so với giai đoạn 2006-2010 (110.000 tấn).
5. Chất lượng nguồn lợi không có sự thay đổi nhiều giữa các năm trong giai đoạn 2017-2019. So với các giai đoạn trước đây có xu hướng tiếp tục suy giảm. Nguồn lợi hải sản hiện đang chiếm ưu thế bởi các loài cá tạp và các loài cá nổi nhỏ. Một số loài chiếm ưu thế lớn nhất trong các chuyến điều tra bao gồm: cá sơn Acropoma japonicum, cá sòng nhật Trachurus japonicus, cá bánh đường Evynnis cardinalis, mực ống Trung hoa Loligo chinensis, cá nục sồ Decapterus maruadsi, cá mối thường Saurida tumbil, cá liệt Leiognathus bindus, cá hố Trichiurus lepturus, cá mối vạch Saurida undosquamis, cá chim gai Psenopsis anomala.
6. Hầu hết (90%) các loài có giá trị kinh tế cao ở Vùng đánh cá chung vịnh Bắc Bộ đang bị khai thác với hệ số khai thác cao (E từ 0,4 - 0,6).
7. Tổng sản lượng hải sản khai thác ở Vùng đánh cá chung giai đoạn 2017-2019 dao động trong khoảng 26.000 - 45.000 ngàn tấn. Sản lượng khai thác bền vững tối ưu ở Vùng đánh cá chung ước tính khoảng 10.100 ngàn tấn/quý. Cường lực khai thác bền vững tối đa là 466 tàu hoặc 163,6 ngàn mã lực.
8. Thành phần và đặc điểm phân bố của trứng cá, cá con trong Vùng đánh cá chung vịnh Bắc Bộ giai đoạn 2017-2019 không có sự thay đổi so với giai đoạn trước đây. Khu vực tập trung cao nhất là vùng biển phía Bắc Vùng đánh cá chung, tiếp theo là khu vực giữa vịnh và thấp nhất là vùng cửa vịnh. Mật độ trứng cá cá con có xu hướng suy giảm, ảnh hưởng đến lượng bổ sung tiềm năng.
9. Một số yếu tố môi trường, hải dương như nhiệt độ tầng mặt, động vật phù du, thực vật phù du và nhiệt độ tầng đáy có tương quan thuận ở mức chặt đến rất chặt với năng suất khai thác và mật độ chung của các loài hải sản.
10. Điều tra liên hợp Việt Nam - Trung Quốc trong 15 năm qua là chương trình hợp tác nghiên cứu nguồn lợi hải sản bài bản và dài nhất từ trước đến nay giữa Việt Nam và Trung Quốc, đồng thời là một mô hình hợp tác rất hiếm có trên thế giới. Bộ số liệu, mẫu vật thu được có giá trị khoa học và thực tiễn rất lớn. Các kết quả này đã được Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp Hai nước đánh giá, ghi nhận trong Hội nghị tổng kết 15 năm thực thi Hiệp định Hợp tác nghề cá Việt Nam - Trung Quốc vào năm 2019 tại Chu Hải, Trung Quốc.
7) Thời gian bắt đầu - kết thúc: 01/2017 - 12/2019
8) Kinh phí thực hiện: 26.183 triệu đồng, trong đó kinh phí từ NSNN: 26.183 triệu đồng, nguồn khác: 0 triệu đồng