Thông tin chung
Tác giả/Author: TS. Nguyễn Quang Hùng (từ tháng 4/2017-12/2017); ThS. Trần Văn Cường (từ tháng 1/2018-12/2020)Ngày phát hành/Issued date: 31/12/2020
Đơn vị phát hành/Issued by: Viện Nghiên cứu Hải sản
Nội dung
1) Tên nhiệm vụ: Điều tra tổng thể biến động nguồn lợi thủy sản ven biển Việt Nam từ năm 2017 đến 2020 (Dự án I.8a)
2) Cấp quản lý: Quốc gia (Đề án 47)
3) Tổ chức chủ trì: Viện nghiên cứu Hải sản
4) Họ và tên chủ nhiệm: ThS. Trần Văn Cường
5) Mục tiêu của nhiệm vụ:
Mục tiêu chung: Đánh giá được biến động nguồn lợi hải sản, điều kiện môi trường, hải dương học, hoạt động khai thác và quản lý nguồn lợi thủy sản vùng biển ven bờ; bổ sung cơ sở dữ liệu điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường biển Việt Nam; phục vụ cho việc đề xuất các giải pháp quản lý khai thác, bảo vệ và sử dụng hợp lý nguồn lợi hải sản góp phần phát triển bền vững ngành thủy sản.
Mục tiêu cụ thể:
- Đánh giá được tổng thể biến động nguồn lợi hải sản ở vùng biển ven bờ, bao gồm: thành phần loài, cấu trúc nguồn lợi, năng suất khai thác, phân bố nguồn lợi, trữ lượng và khả năng khai thác nguồn lợi.
- Đánh giá được biến động một số yếu tố môi trường - hải dương học cơ bản; thành phần loài, phân bố của sinh vật phù du và sinh vật đáy cỡ nhỏ ở vùng biển ven bờ. Có được mối tương quan giữa các yếu tố môi trường - hải dương với sự phân bố của nguồn lợi hải sản và các vùng ương nuôi nguồn giống hải sản.
- Đánh giá được hoạt động khai thác hải sản và nghề cá ven bờ; công tác quản lý, bảo vệ và phát triển nguồn lợi ở vùng biển ven bờ.
- Xác định được danh mục các loài hải sản kinh tế chủ đạo và các loài nguy cấp có giá trị bảo tồn ở vùng biển ven bờ.
- Xác định được đặc điểm sinh học cơ bản của các loài hải sản kinh tế chủ đạo ở vùng biển ven bờ.
- Xác định được danh mục, phạm vi của các khu vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản; thời hạn và các loại nghề cấm, hạn chế khai thác ở vùng biển ven bờ.
- Đề xuất được giải pháp tổng hợp về quản lý hoạt động khai thác, sử dụng hợp lý và bảo vệ nguồn lợi ở vùng biển ven bờ góp phần phát triển bền vững ngành thủy sản.
- Có được bộ dữ liệu điều tra đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản; hoạt động khai thác và nghề cá ven bờ; bộ mẫu vật tiêu bản về đa dạng các loài hải sản phục vụ cho công tác đào tạo, quy hoạch, quản lý và phát triển ngành thủy sản.
6) Kết quả thực hiện:
Đặc trưng khí tượng ở vùng biển ven bờ chịu ảnh hưởng của lục địa, có sự phân mùa theo chiều vĩ độ từ Bắc vào Nam và biên độ dao động ở mùa gió Tây Nam mạnh hơn so với mùa gió Đông Bắc. Chu kỳ Enso xuất hiện 02 đợt Lanina (năm 2016-2017), 02 đợt El nino (năm 2016, 2020) hoạt động yếu với tổng số 38 cơn bão, áp thấp và 150 ngày ảnh hưởng trực tiếp nguồn lợi, nghề cá ven bờ.
Nhiệt độ nước biển tại các vùng tập trung nguồn giống hải sản ở khu vực phía Bắc biến động mạnh hơn so với các vùng ở Trung Bộ và phía Nam. Các vùng tập trung chịu ảnh hưởng của hệ thống Sông Hồng và hệ thống sông Cửu long có độ muối giảm mạnh, độ đục lớn và hàm lượng Chlorophyll-a cao. Khu vực ảnh hưởng có thể mở rộng đến vùng biển cách bờ khoảng 100 km. Xuất hiện sự phân tầng của các yếu tố hải dương, đặc biệt là độ muối và nhiệt độ đã tạo ra sự thay đổi đột ngột theo độ sâu nước biển.
Chế độ dòng chảy ở vùng biển ven bờ chịu sự chi phối của các yếu tố địa phương ảnh hưởng đến sự dịch chuyển phức tạp của các khối nước tạo nên sự khác biệt giữa các vùng tập trung nguồn giống hải sản từ Bắc vào Nam.
Khu hệ sinh vật phù du ở vùng biển ven bờ đa dạng, phong phú và mật độ cao hơn nhiều so với vùng biển khơi. Đã bắt gặp và xác định được 613 loài TVPD, 228 loài ĐVPD và 56 loài/nhóm loài ĐVĐ cỡ nhỏ ở vùng biển ven bờ. Quần xã TVPD vùng biển ven bờ thuộc 7 nhóm sinh thái, trong đó 481 loài phân bố hẹp, 240 loài rộng nhiệt - muối, 38 loài thuộc danh mục ưu thế trong đại dương và 12 loài ưu thế chính ở vùng biển ven bờ. Xác định được danh mục 63 loài tảo có khả năng gây hại và 5 loài có khả năng sinh độc tố. Bổ sung 75 loài TVPD và 3 loài ĐVĐ cỡ nhỏ chưa được ghi nhận ở vùng biển Việt Nam. Trữ lượng động vật phù du làm thức ăn cho cá ở vùng biển ven bờ ước tính khoảng 149 nghìn tấn.
Đã xác định được 03 phân vùng sinh thái khác nhau ở vùng biển ven bờ trên cơ sở phân tích đặc điểm môi trường, hải dương và sinh vật. Phạm vi ranh giới của các phân vùng sinh thái thay đổi theo mùa khá rõ. Mật độ nguồn lợi biến động theo mùa và có sự chi phối của các yếu tố khí tượng, hải dương học. Nguồn lợi thường tập trung ở các khu vực có hàm lượng chlorophyll a, mật độ TVPD cao và nhiệt độ nước biển ấm.
Các khu vực tập trung trứng cá phát tán, chịu tác động của dòng chảy gió kết hợp dòng chảy triều với sự dịch chuyển ở mùa gió Đông Bắc rõ ràng và xa hơn so với mùa gió Tây Nam. Khu vực tập trung trứng cá ở ven bờ VBB chịu tác động mạnh nhất, trứng cá dịch chuyển nhanh và xa hơn trong khi đó các vùng biển khác chịu ảnh hưởng ít, trứng cá dịch chuyển chậm và có xu hướng phát tán ra xung quanh.
Tổng số bắt gặp 896 loài từ điều tra nguồn lợi thuộc 459 giống và 186 họ hải sản, bao gồm: 621 loài cá, 150 loài giáp xác, 57 loài chân bụng, 41 loài hai mảnh vỏ, 27 loài chân đầu và 3 loài sam. Vùng biển ven bờ TB phong phú nhất bắt gặp 627 loài, tiếp đó là ĐNB (528 loài), VBB (448 loài) và thấp nhất ở TNB (385 loài). Nguồn lợi hải sản ở vùng biển ven bờ di cư tương đối mạnh. Xác định 44 loài nguy cấp, quý hiếm, 213 loài hiếm gặp và 89 loài có đặc điểm phân bố rộng. Nhiều loài phân bố đặc trưng trong đó 646 loài phân bố ở vùng biển khơi xa bờ và 232 loài phân bố hẹp, tập trung ở vùng biển ven bờ chưa bắt gặp ở vùng lộng và vùng khơi.
Xác định được 744 loài thủy sản là sảm phẩm của các đội tàu nghề cá ven bờ. Bổ sung 255 loài và cập nhật danh mục loài thủy sản bắt gặp ở vùng biển ven bờ là 1.151 loài thuộc 550 giống, 221 họ và 45 bộ, trong đó gồm: 802 loài cá, 32 loài mực - tuộc, 106 loài tôm, 102 loài cua-ghẹ, 65 loài chân bụng, 41 loài hai mảnh vỏ và 3 loài sam. Cập nhật mới nhấ đến thời điểm hiện tại đa dạng thành phần loài thủy sản bắt gặp ở biển Việt Nam là 1.695 loài và bổ sung bộ mẫu tiêu bản phong phú, chuẩn cho bảo tàng.
Nguồn lợi hải sản tầng đáy ở vùng biển ven bờ phân bố không đều, thành phần và cấu trúc nguồn lợi biến động khác nhau theo vùng biển, mùa gió và thời gian. Đã xác định được danh mục loài hải sản kinh tế ưu thế ở các vùng biển gồm: VBB 40 loài; TB 45 loài; ĐNB 45 loài; TNB 41 loài. Số lượng và đối tượng ưu thế mang đặc trưng riêng cho vùng biển và biến động khác nhau theo thời gian.
Xác định được các đặc điểm sinh học quần thể của 58 loài hải sản kinh tế ở vùng biển ven bờ (45 loài cá, 8 loài tôm/tôm tít, 3 loài mực và 2 loài ghẹ), trong đó cung cấp nhiều thông tin quan trọng về cấu trúc kích thước quần thể, sinh trưởng, sinh sản, dinh dưỡng và hệ số chết phục vụ cho đánh giá và tư vấn bảo vệ nguồn lợi. Xác định đặc điểm hình thái 15 loài cá con ở giai đoạn sớm, cung cấp cơ sở khoa học cho việc xây dựng khóa định loại phân loại cá con ở vùng biển nước ta.
Trữ lượng tức thời nguồn lợi hải sản tầng đáy ở vùng biển ven bờ ước tính trung bình khoảng 37,5 nghìn tấn và khả năng khai thác khoảng 29,3 nghìn tấn. Tổng trữ lượng nguồn lợi hải sản thuộc phạm vi vùng biển ven bờ và các HST đặc thù ven đảo, ven biển ước tính khoảng 450 nghìn tấn, bao gồm: HST bãi triều 345,6 nghìn tấn, vùng biển ven bờ 37,5 nghìn tấn hải sản tầng đáy, HST rừng ngập mặn 36,2 nghìn tấn, HST rạn ran hô ven bờ - ven đảo 23,2 nghìn tấn và HST thảm cỏ biển 4 nghìn tấn. Khả năng khai thác bền vững cho phép ở vùng biển ven bờ và các HST đặc thù ven bờ, ven đảo ước tính khoảng 236 nghìn tấn. Bổ sung và cập nhật tổng trữ lượng toàn vùng biển Việt Nam khoảng 4,4 triệu tấn, chưa bao gồm nguồn lợi ở khu vực bãi cạn, gò đồi ngầm, vùng biển sâu, HST đầm phá và HST cửa sông.
Loại nghề và hình thức khai thác hải sản ở vùng biển ven bờ rất đa dạng và phong phú. Số lượng tàu thuyền nhỏ dưới 20CV chiếm tỷ lệ cao trong tổng số lượng tàu khai thác, chủ yếu là nghề lưới rê ở vùng VBB và TB. Hoạt động nghề cá ven bờ chịu ảnh hưởng lớn bởi điều kiện thời tiết và biến đổi khí hậu. Tổng cường lực khai thác trung bình của nghề cá ven bờ khoảng 7,35 triệu ngày tàu và có xu hướng biến động giảm trong giai đoạn 2017-2019.
Năng suất khai thác của các loại nghề ven bờ nhìn chung là thấp (trừ đăng đáy và te xiệp), có xu hướng biến động giảm, khác nhau theo thời gian và theo vùng. Đối tượng khai thác khá đa dạng, khác nhau theo loại nghề và thời gian khai thác. Tổng sản lượng khai thác của nghề cá ven bờ trung bình đạt 372 nghìn tấn và biến động với xu hướng giảm mạnh theo thời gian. Nghề lưới rê có sản lượng khai thác chủ đạo, đặc biệt ở vùng biển VBB và TB. Cá, tôm tít, ghẹ nhỏ là sản phẩm khai thác chính của nghề cá ven bờ. Bổ sung và cập nhật tổng sản lượng khai thác của nghề cá biển nước ta giai đoạn 2017-2019 trung bình khoảng 3,82 triệu tấn, biến động với xu thế giảm mạnh và tương ứng 4,15 triệu tấn (năm 2017), 3,64 triệu tấn 9 (năm 2018) và 3,67 triệu tấn (năm 2019).
Nguồn lợi hải sản ở vùng biển ven bờ đang tiếp tục suy giảm, giảm mạnh ở ĐNB và VBB. Hoạt động khai thác xâm hại nguồn lợi thủy sản con non, kích thước nhỏ ở mức độ rất cao, trên phạm vi toàn bộ các vùng biển và liên tục các tháng trong năm; đây được xác định là nguyên nhân chính dẫn đến suy giảm nguồn lợi và sản lượng khai thác. Quản lý nghề cá, công tác bảo vệ nguồn lợi và thực thi pháp luật chưa đạt hiệu quả. Văn bản quy phạm pháp hướng dẫn Luật về bảo vệ nguồn lợi đã được ban hành, đầy đủ hơn nhưng chưa hoàn thiện và cần được bổ sung, sửa đổi.
Xác định 20 khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn ứng dụng trực tiếp trong quản lý, ban hành Thông tư 19/2018/TT-BNNPTNT hướng dẫn bảo vệ và phát triển nguồn lợi. Đề xuất điều chỉnh mở rộng phạm vi, ranh giới 13 khu vực đã ban hành và bổ sung 33 khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn. Tăng tổng diện tích bảo vệ đạt 1,653%, góp phần chủ đạo trong việc hướng đến đạt mục tiêu 6% diện tích vùng biển được bảo vệ, bảo tồn theo chủ trương Nghị quyết 36/NQ-TW để tái tạo, phục hồi và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản.
Xác định và đề xuất 35 khu vực tập trung sinh sống các loài thủy sản kinh tế đưa vào quy hoạch khu thả rạn nhân tạo tiềm năng trong Quyết định 541/QĐ-TTg ngày 20/4/2020 phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản.
Đề xuất bổ sung quy định kích thước khai thác tối thiểu cho phép của 65 loài hải sản kinh tế chủ lực quan trọng của nghề cá biển, bao gồm: 21 loài cá nổi, 25 loài cá đáy và cá rạn, 3 loài cá ngừ đại dương, 2 loài cá ngừ ven bờ, 2 loài mực ống, 1 loài mực nang, 7 loài tôm, 2 loài tôm tít và 2 loài ghẹ. Bổ sung quy định tỷ lệ cho phép lẫn tạp các đối tượng nhỏ hơn kích thước quy định không quá 10% tổng sản lượng khai thác theo số lượng cá thể.
Bổ sung cấm hoạt động khai thác đối với các loại nghề/ngư cụ khai thác hủy diệt nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái (thuốc nổ, điện/xung điện, hóa chất và chất độc) còn thiếu, các loại nghề xâm hại nguồn lợi có tính chất thường xuyên (nghề cào bay, nghề rùng, nghề cào/sục phá hủy nền đáy) mà Thông tư 19/2018/TT-BNNPTNT chưa quy định. Cấm khai thác có thời hạn đối với nghề khai thác xâm hại có tính mùa vụ theo từng vùng biển (nghề lưới kéo đáy cá/tôm, chụp, lưới vây).
Đề xuất cấm hoạt động khai thác hải sản trên phạm vi cả nước 4 tháng từ tháng 01/3 đến tháng 30/6 ở vùng biển VBB và TB, từ tháng 01/2 đến tháng 30/5 ở vùng biển TB và ĐNB. Cần thực hiện thí điểm cấm hoạt động khai thác 1 tháng vào tháng 4 và nghiên cứu giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ cộng đồng ngư dân chịu tác động.
Xác định 10 giải pháp bảo vệ nguồn lợi và quản lý nghề cá, trong đó đặc biệt quan tâm đến giải pháp: i) Rà soát, sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật; Giảm áp lực khai thác; Tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật; Xây dựng kế hoạch quản lý nghề cá phù hợp; Đồng bộ và vận hành hiệu quả hệ thống thống kê nghề cá, giám sát và truy suất nguồn gốc; Nâng cao nhận thức; Áp dụng mô hình quản lý nghề cá dựa trên tiếp cận hệ sinh thái và đồng quản lý; Xây dựng cơ chế chính sách phù hợp và triển khai cấm và hạn chế khai thác, chuyển đổi nghề phù hợp.
7) Thời gian bắt đầu - kết thúc: 04/2017 - 12/2020
8) Kinh phí thực hiện: 39.928 triệu đồng, trong đó kinh phí từ NSNN: 39.928 triệu đồng, nguồn khác: 0 triệu đồng