BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN VIỆN NGHIÊN CỨU HẢI SẢN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - hạnh phúc |
Số: 892 /TB-VHS |
Hải Phòng, ngày 06 tháng 9 năm 2022 |
THÔNG BÁO
Tuyển sinh đào tạo sau đại học trình độ tiến sĩ năm 2022
Căn cứ Thông tư số 18/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục Đào tạo ngày 28/6/2021 ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ;
Căn cứ việc xác định và đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2022,
Viện nghiên cứu Hải sản thông báo chương trình tuyển sinh đào tạo trình độ tiến sĩ với các nội dung như sau:
I. Chuyên ngành tuyển sinh:
Chuyên ngành: Thủy sinh vật học
Mã ngành: 9420108
II. Phương thức và chỉ tiêu tuyển sinh
Phương thức tuyển sinh: xét tuyển.
Chỉ tiêu tuyển sinh: 03 chỉ tiêu.
III. Hình thức và thời gian đào tạo
- a) Hình thức đào tạo: thực hiện theo hình thức chính quy, nghiên cứu sinh phải dành đủ thời gian học tập, nghiên cứu tại cơ sở đào tạo theo kế hoạch đã được phê duyệt; trong đó đăng ký đủ 30 tín chỉ trong một năm học được xác định là tập trung toàn thời gian.
- b) Thời gian đào tạo: từ 03 đến 04 năm (từ khi có Quyết định công nhận nghiên cứu sinh).
Nghiên cứu sinh được phép hoàn thành chương trình đào tạo sớm hơn so với kế hoạch học tập, nghiên cứu toàn khóa không quá 01 năm (12 tháng), hoặc chậm hơn so với kế hoạch học tập, nghiên cứu toàn khóa nhưng tổng thời gian đào tạo không vượt quá 06 năm (72 tháng) tính từ ngày quyết định công nhận nghiên cứu sinh có hiệu lực đến thời điểm hoàn thành các thủ tục trình luận án cho cơ sở đào tạo, trước khi thực hiện quy trình phản biện độc lập và thành lập Hội đồng đánh giá luận án của cơ sở đào tạo.
IV. Điều kiện dự tuyển
a) Điều kiện về văn bằng:
- Có bằng thạc sĩ phù hợp với chuyên ngành đăng ký dự tuyển với điểm trung bình các môn học từ 7,0 trở lên.
- Có kinh nghiệm nghiên cứu thể hiện qua luận văn thạc sĩ của chương trình đào tạo định hướng nghiên cứu; hoặc bài báo, báo cáo khoa học đã công bố; hoặc có thời gian công tác từ 02 năm (24 tháng) trở lên là giảng viên, nghiên cứu viên của các cơ sở đào tạo, tổ chức khoa học và công nghệ, cơ quan quản lý;
b) Điều kiện về trình độ ngoại ngữ:
Người dự tuyển là công dân Việt Nam phải đạt yêu cầu về năng lực ngoại ngữ được minh chứng bằng một trong những văn bằng, chứng chỉ sau:
- Bằng tốt nghiệp đại học hoặc bằng thạc sĩ do cơ sở đào tạo nước ngoài, phân hiệu của cơ sở đào tạo nước ngoài ở Việt Nam hoặc cơ sở đào tạo của Việt Nam cấp cho người học toàn thời gian bằng tiếng nước ngoài.
- Bằng tốt nghiệp đại học các ngành ngôn ngữ nước ngoài do các cơ sở đào tạo của Việt Nam cấp.
- Có một trong các chứng chỉ ngoại ngữ tiếng Anh TOEFL iBT từ 46 trở lên hoặc chứng chỉ IELTS từ 5.5 trở lên; hoặc chứng chỉ tiếng nước ngoài khác tương đương do một tổ chức khảo thí được quốc tế và Việt Nam công nhận còn hiệu lực tính đến ngày đăng ký dự tuyển; hoặc các chứng chỉ ngoại ngữ khác tương đương trình độ 4 (theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam) do Bộ Giáo dục Đào tạo công bố.
Người dự tuyển là công dân nước ngoài nếu đăng ký theo học chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ bằng tiếng Việt phải có chứng chỉ tiếng Việt tối thiểu từ bậc 4 trở lên theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài.
c) Điều kiện khác:
- Có đề cương nghiên cứu (bài luận về dự định nghiên cứu), trong đó trình bày rõ các nội dung chính sau: đề tài hoặc lĩnh vực nghiên cứu, lý do lựa chọn lĩnh vực nghiên cứu, mục tiêu, nội dung dự kiến và mong muốn kết quả đạt được; và dự kiến kế hoạch học tập, nghiên cứu toàn khóa (bao gồm các mốc thời gian của quá trình nghiên cứu); đề xuất người hướng dẫn (nếu có).
- Có thư giới thiệu đánh giá phẩm chất nghề nghiệp, năng lực chuyên môn và khả năng tự nghiên cứu của người dự tuyển của ít nhất 01 nhà khoa học có chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc có học vị tiến sĩ khoa học, tiến sĩ đã tham gia hoạt động chuyên môn với người dự tuyển và am hiểu lĩnh vực mà người dự tuyển định nghiên cứu.
- Sơ yếu lý lịch và lý lịch trích ngang được cơ quan quản lý nhân sự xác nhận. Đối với người chưa có việc làm phải được địa phương nơi cư trú xác nhận nhân thân tốt và hiện không vi phạm pháp luật.
- Cam kết thực hiện nghĩa vụ tài chính trong quá trình đào tạo theo quy định của Viện nghiên cứu Hải sản.
Tiêu chuẩn người hướng dẫn
Người hướng dẫn chính, người hướng dẫn phụ và người hướng dẫn độc lập nghiên cứu sinh phải đáp ứng các tiêu chuẩn của giảng viên giảng dạy trình độ tiến sĩ:
a) Là công dân Việt Nam hoặc công dân nước ngoài đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 54 Luật Giáo dục đại học (được sửa đổi, bổ sung năm 2018) và những quy định pháp luật khác có liên quan;
b) Có chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc có bằng tiến sĩ khoa học, tiến sĩ trong lĩnh vực chuyên môn phù hợp với các học phần, môn học (sau đây gọi chung là học phần) đảm nhiệm trong chương trình đào tạo;
c) Có năng lực ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu và triển khai những hoạt động trao đổi, hợp tác quốc tế về lĩnh vực chuyên môn đảm nhiệm trong chương trình đào tạo tiến sĩ.
Người chưa có chức danh giáo sư, phó giáo sư phải đáp ứng thêm những yêu cầu sau:
- Có thời gian giảng dạy ở trình độ đại học hoặc thạc sĩ từ 01 năm (12 tháng) trở lên kể từ khi có bằng tiến sĩ;
- Trong thời gian 05 năm (60 tháng) tính đến thời điểm được phân công giảng dạy có công bố liên quan đến chuyên môn giảng dạy với vai trò là tác giả đứng tên đầu hoặc tác giả liên hệ của 02 bài báo, báo cáo khoa học trong các ấn phẩm được tính tới 0,75 điểm trở lên theo điểm tối đa do Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định; hoặc là tác giả hoặc đồng tác giả của 01 sách chuyên khảo do các nhà xuất bản trong nước và quốc tế phát hành hoặc của 01 chương sách tham khảo do các nhà xuất bản quốc tế phát hành (sau đây gọi chung là tác giả chính). - - Trong thời gian 05 năm (60 tháng) tính đến thời điểm có quyết định công nhận hướng dẫn nghiên cứu sinh, người hướng dẫn chính, người hướng dẫn độc lập, người đồng hướng dẫn khi không phân biệt giữa hướng dẫn chính và hướng dẫn phụ phải có thêm kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực chuyên môn liên quan tới đề tài luận án hướng dẫn, cụ thể như sau: a) Là tác giả chính của báo cáo hội nghị khoa học, bài báo khoa học được công bố trong các ấn phẩm thuộc danh mục Web of Science hoặc Scopus (sau đây gọi chung là danh mục WoS/Scopus) hoặc chương sách tham khảo do các nhà xuất bản quốc tế có uy tín phát hành, hoặc bài báo đăng trên các tạp chí khoa học trong nước được Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định khung điểm đánh giá tới 0,75 điểm trở lên, hoặc sách chuyên khảo do các nhà xuất bản có uy tín trong nước và quốc tế phát hành; các công bố phải đạt tổng điểm từ 4,0 điểm trở lên tính theo điểm tối đa do Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định cho mỗi loại công trình (không chia điểm khi có đồng tác giả); hoặc b) Là tác giả hoặc đồng tác giả của ít nhất 01 kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ đã đăng ký và được cấp bằng độc quyền sáng chế quốc gia hoặc quốc tế; hoặc của ít nhất 01 giải thưởng chính thức của cuộc thi quốc gia hoặc quốc tế được công nhận bởi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đối với lĩnh vực nghệ thuật và nhóm ngành thể dục, thể thao.
3) Mỗi nghiên cứu sinh có 01 hoặc 02 người hướng dẫn, trong đó có 01 người là cán bộ cơ hữu của cơ sở đào tạo hoặc có hợp đồng giảng dạy, nghiên cứu khoa học với cơ sở đào tạo theo quy định của pháp luật; làm việc theo chế độ trọn thời gian tại cơ sở đào tạo với thời hạn của hợp đồng phù hợp với kế hoạch học tập, nghiên cứu toàn khóa của nghiên cứu sinh.
VI. Hồ sơ đăng ký dự tuyển
1. Phiếu đăng ký dự tuyển (01 bản chính theo mẫu)
- Bằng tốt nghiệp đại học (01 bản sao công chứng)
- Bằng tốt nghiệp thạc sĩ (01 bản sao công chứng)
- Bảng điểm đại học, thạc sĩ (01 bản sao công chứng)
- Lý lịch khoa học, lý lịch trích ngang (01 bản chính theo mẫu)
- Sơ yếu lý lịch có xác nhận của cơ quan hoặc chính quyền địa phương
- Căn cước công dân (01 bản sao công chứng)
- Chứng chỉ ngoại ngữ (01 bản sao công chứng)
- Giấy xác nhận văn bằng tương đương của Cục Quản lý chất lượng đối với trường hợp văn bằng tốt nghiệp đại học hoặc bằng thạc sĩ do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp (01 bản sao công chứng)
- 10. Đề cương nghiên cứu tổng quát (07 quyển, theo mẫu)
- 11. Thư giới thiệu đánh giá phẩm chất nghề nghiệp, năng lực chuyên môn và khả năng tự nghiên cứu của người dự tuyển
- 12. Công văn cử đi dự tuyển của cơ quan quản lý trực tiếp theo quy định hiện hành về đào tạo và bồi dưỡng công chức, viên chức (nếu người dự tuyển là công chức, viên chức)
- 13. Ba ảnh 4x6 mới nhất, chụp trong vòng 3 tháng.
VII. Thời gian nhận hồ sơ, xét tuyển, công bố kết quả và nhập học:
- Thời gian phát hành và nhận hồ sơ: từ ngày ra thông báo đến ngày 30/10/2022.
- Thời gian xét tuyển dự kiến: từ ngày 07/11/2022 đến ngày 18/11/2022.
- Thời gian dự kiến công bố kết quả tuyển sinh: 25/11/2022.
- Thời gian dự kiến nhập học: tháng 12/2022.
VIII. Học phí
Học phí được thu theo từng năm học, mức học phí được thu theo quy định của Viện nghiên cứu Hải sản.
- Địa chỉ liên hệ đăng ký và nộp hồ sơ:
Thí sinh dự tuyển có thể lấy Mẫu hồ sơ tại địa chỉ website http://rimf.org.vn hoặc liên hệ trực tiếp theo địa chỉ:
Bà Đặng Thị Minh Thu, Phòng Khoa học, Hợp tác quốc tế và Đào tạo
Viện nghiên cứu Hải sản, số 224 Lê Lai, phường Máy Chai, quận Ngô Quyền, Thành phố Hải Phòng.
Điện thoại: 0225.3836656; DĐ: 0961685269
Nơi nhận: - Bộ GDĐT (để b/c); - Vụ TCCB, Bộ NN&PTNT (để b/c); - Các đối tượng dự tuyển; - Lưu: VT, SĐH. |
KT.VIỆN TRƯỞNG PHÓ VIỆN TRƯỞNG (đã ký)
Nguyễn Văn Nguyên
|