Chủ nhiệm đề tài trình bày báo cáo tại Hội thảo

Tại Hội nghị, Chủ nhiệm dự án đã trình bày thông tin chung về nhiệm vụ như: Mục tiêu, nội dung, phương pháp nghiên cứu cũng như kết quả đạt được của dự án. Sau gần 2 năm thực hiện, đề tài đã tuyển chọn được chủng vi sinh vật bản địa có khả năng sinh axit hữu cơ cao (Rhizopus oryzae, Aspergillus niger); Tối ưu hóa thành công các điều kiện lên men, thu hồi và bảo quản chế phẩm; Xây dựng được quy trình công nghệ sản xuất chế phẩm axit lactic và citric; Thử nghiệm hiệu quả của chế phẩm trong mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng: tăng tỷ lệ sống, giảm FCR và chi phí thức ăn; Tạo ra các sản phẩm khoa học đạt yêu cầu như: quy trình công nghệ, chế phẩm sinh học dạng bột, báo cáo tổng kết đầy đủ và 02 sáng kiến được công nhận cấp cơ sở.

Kết quả nghiên cứu của đề tài có khả năng mang lại hiệu quả đa chiều khi được áp dụng rộng rãi, không chỉ ở khía cạnh kinh tế mà còn ở môi trường, văn hóa và xã hội. Đặc biệt, trong bối cảnh yêu cầu về an toàn sinh học, môi trường và tiêu chuẩn xuất khẩu ngày càng cao, chế phẩm axit hữu cơ từ vi sinh vật là một giải pháp tiềm năng, bền vững và thân thiện với cộng đồng.

Với những kết quả đã đạt được, hội đồng đánh giá cao ý nghĩa khoa học và giá trị thực tiễn của đề tài, kết quả đánh giá xếp loại Đạt. Hội đồng đề nghị Ban Chủ nhiệm đề tài tiếp thu, chỉnh sửa theo các ý kiến kết luận của Hội đồng trước khi trình hồ sơ nghiệm thu cấp quản lý./.

Vũ Thị Thu Hằng