Giá trị kinh tế, khoa học của loài rong câu chân vịt

Rong câu chân vịt (Hydropuntia eucheumatoides) thuộc chi rong câu túi (Hydropuntia), họ rong câu (Gracilariaceae), bộ rong câu (Gracilariales), ngành rong đỏ (Rhodophyta). Đây là loài rong biển có giá trị kinh tế cao, loại thực phẩm rất tốt cho sức khỏe con người do chứa nhiều canxi và iốt, có tính thanh nhiệt rất thích hợp dùng trong mùa hè. Rong câu chân vịt được sử dụng như rau xanh, dùng để nấu thạch, nước giải khát hoặc chế biến thành các món tráng miệng, sử dụng làm nguyên liệu chế biến agar và nhiều công dụng khác. Vì là loài có giá trị kinh tế cao nên rong câu chân vịt bị khai thác mạnh mẽ và thường xuyên làm cho số lượng và sản lượng trong tự nhiên bị giảm sút nghiêm trọng.

Rong câu chân vịt là loài rong biển quý, hiếm, đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam năm 2007, với mức độ đe doạ: Nguy cấp EN A1a,c,d (loài có nguy cơ tuyệt chủng lớn), với biện pháp bảo vệ đề xuất là chọn một khu vực bảo vệ nguyên vẹn, tổ chức khai thác có mức độ ở các khu vực khác. Tuy nhiên hiện nay, rong câu chân vịt phân bố tự nhiên hầu hết chưa được khoanh vùng bảo vệ (trừ nằm trong phân vùng bảo tồn của một số khu bảo tồn biển), chưa có biện pháp bảo vệ, tổ chức khai thác phù hợp, vì vậy chúng đang bị khai thác quá mức, có nguy cơ đe dọa tuyệt chủng. Chính vì lẽ đó, việc nghiên cứu đặc điểm sinh học, sinh thái phân bố loài rong biển này là rất quan trọng, góp phần phục hồi nguồn lợi và phát triển nuôi trồng loài rong biển này trong tương lai.

Nghiên cứu đặc điểm hình thái loài rong câu chân vịt

Các nhà khoa học của Viện nghiên cứu Hải sản đã tổ chức hai chuyến điều tra khảo sát thực địa vào tháng 4 và tháng 6 năm 2023 để nghiên cứu đặc điểm sinh học, sinh thái loài rong câu chân vịt phân bố tại Khu bảo tồn biển Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Tổng số trên 20 mẫu rong câu chân vịt đã được thu thập để nghiên cứu về đặc điểm hình thái của loài rong biển này.

Kết quả đánh giá cho thấy, rong câu chân vịt mọc bò, có thể cao tới 10 cm, rộng đến 30-40 cm, màu nâu đỏ đến tím sẫm (Hình 1A). Tản rong có dạng hình phiến, chất sụn cứng, chia nhánh không theo quy luật theo kiểu lông chim hoặc phân nhánh đôi, đôi khi mọc chuyền (Hình 1B). Các nhánh dẹt, dày, không có nhánh hình trụ, thường dài 1-4 cm, rộng 5-10 mm, dày 2-7 mm (Hình 1C). Ở mép nhánh có các răng cưa hoặc u lồi, dài 1-1,5 mm; đôi khi trên bề mặt hình thành các mầm gai ngắn (Hình 1D,E).

Bề mặt trên và mặt dưới nhánh có 1-2 lớp tế bào biểu bì nhỏ, hình tròn, đường kính 3-5 μm (Hình 1F,G). Mặt cắt ngang nhánh, phần vỏ gồm 3-4 lớp tế bào, lớp tế bào ngoài cùng được kéo dài theo chiều dọc ra bề mặt, dài 10-25 µm, 2-3 lớp tế bào bên trong hình tròn, đường kính 5-10 μm (Hình 1H); phần lõi gồm 10-15 lớp tế bào hình tròn, hình oval, đường kính từ 35 µm đến 300 µm, các tế bào tăng dần kích thước từ vỏ vào lõi (Hình 1I). Mặt cắt dọc nhánh, các hàng tế bào lõi xen kẽ, hình tròn, hình oval tương đối đồng đều (Hình 1J).

Túi tứ bào tử hình thuôn dài hoặc hình dùi, kích thước 50 x 15 µm, không cắt chữ thập, bao quanh bằng những tế bào vỏ kéo dài. Túi tinh tử hình dạng không đều, phân nhánh, thường sâu hơn rộng, kích thước 130 x 40 µm, gồm 3-6 túi nhỏ hợp thành. Tảo quả lồi trên bề mặt nhánh, có dạng hình cầu, kích thước 1-1,5 x 1,5-2 mm (Hình 1K). Đỉnh tảo quả hơi có mũi, hơi thắt ở gốc (Hình 1L, M). Vỏ tảo quả dày 400-500 µm, gồm 25-30 lớp tế bào, các lớp tế bào ngoài hình trụ đứng, kích thước 20-25 x 10-13 µm, các lớp tế bào trong hình tròn, xếp thẳng hàng, nội chất co lại nhưng không nối nhau (Hình 1N). Quả bào tử hình cầu, đường kính 15-20 µm (Hình 1O).

Hình 1. Hình thái loài rong câu chân vịt (Hydropuntia eucheumatoides)

(A) Dạng sống tự nhiên, rong mọc bò; (B) Tản rong dạng phiến, chia nhánh không quy luật; (C) Nhánh dẹt, dày; (D) Mẫu vật khô, mép nhánh có răng cưa hoặc u lồi (mũi tên); (E) Các mầm gai ngắn mặt trên nhánh (mũi tên); (F) Tế bào biểu bì (mặt trên nhánh); (G) Tế bào biểu bì (mặt dưới nhánh); (H) Mặt cắt ngang nhánh, tế bào ngoài phần vỏ dài (mũi tên), tế bào bên trong phần vỏ tròn (mũi tên); (I) Mặt cắt ngang nhánh, tế bào lõi; (J) Mặt cắt dọc nhánh, hàng tế bào đồng đều; (K) Tảo quả lồi trên bề mặt nhánh (mũi tên); (L, M) Mặt cắt dọc tảo quả, đỉnh hơi có mũi (mũi tên), hơi thắt ở gốc (mũi tên); (N) Chi tiết vỏ tảo quả, tế bào ngoài hình trụ đứng (mũi tên), tế bào trong hình tròn (mũi tên); (O) Quả bào tử hình cầu (mũi tên).
Thanh tỷ lệ đại diện: (A,B) 5 cm; (C,E) 2 cm; (D) 3 cm; (F,G,H) 20 µm; (I) 50 µm; (J,L,M) 200 µm; (K) 1 cm; (N,O) 20 µm.

Đánh giá điều kiện môi trường sống, nền đáy phân bố

Qua hai chuyến điều tra nghiên cứu trong tháng 4 và tháng 6 năm 2023 tại Khu bảo tồn biển Lý Sơn cho thấy, nhiệt độ nước biển là một trong những yếu tố môi trường quan trọng ảnh hưởng đến sự phân bố của rong câu chân vịt, nhiệt độ nước quá thấp làm rong phát triển chậm, nhiệt độ nước quá cao sẽ làm rong bị đứt gãy, tàn lụi và chết. Rong câu chân vịt thích hợp với nhiệt độ nước biển ấm (29,6 ± 0,63oC), điều đó lý giải tại sao rong câu chân vịt chỉ phân bố ở vùng biển miền Trung và miền Nam, không ghi nhận phân bố ở miền Bắc do có mùa đông lạnh, nhiệt độ nước biển thấp. Ngoài ra, khu vực phân bố của loài rong câu chân vịt có độ muối cao (33,1 ± 0,18‰); độ pH kiềm yếu (8,10 ± 0,03); hàm lượng ôxy hòa tan trong nước cao (6,48 ± 0,10 mg/l); độ đục nước biển thấp (0,40 ± 0,05 ftu); độ sâu phân bố thấp (2,1 ± 0,31 m); độ trong cao nhìn thấy đáy, nước trong sạch, hàm lượng muối dinh dưỡng vô cơ hòa tan trong nước nằm trong giới hạn cho phép theo QCVN 10:2023/BTNMT đối với chất lượng nước biển vùng biển ven bờ.

Về đặc điểm nền đáy, khu vực phân bố của rong câu chân vịt là đá san hô gắn kết được hình thành bởi các rạn san hô chết gồ ghề gắn kết lại với nhau, nền đáy này chiếm tỷ lệ 89,2 ± 6,2% bao gồm 4 chỉ tiêu hợp phần đáy phủ lên trên nền đáy này gồm: Rong câu chân vịt (5,0 ± 3,3%); rong lớn, không bao gồm rong câu chân vịt (12,6 ± 5,0%); san hô cứng sống (5,0 ± 1,4%); hải miên (4,3 ± 1,5%) và phần còn lại của nền đáy đá không có các chỉ tiêu hợp phần đáy khác phủ lên (62,3 ± 7,4%). Xen kẽ nền đáy đá là nền đáy cát gồm cát san hô (chủ yếu cát hạt trung và hạt nhỏ mịn) và cát sạn san hô (hỗn hợp cát san hô lẫn cành, nhánh san hô gãy vụn) chiếm tỷ lệ 10,8 ± 6,2%. Rong câu chân vịt với đặc tính mọc bò, bám trên nền đáy cố định bằng các mấu bám dạng đĩa ở mặt dưới các nhánh mọc bò, với đặc điểm nền đáy đá san hô gắn kết, bề mặt nhám, chiếm tỷ lệ cao (89,2 ± 6,2%) nên rất thuận lợi cho rong câu chân vịt bám đáy và phát triển tại Khu bảo tồn biển Lý Sơn.

Hình 2. Phân bố và hình thái mấu bám của rong câu chân vịt

(A) Dạng sống tự nhiên, rong mọc bò, bám trên nền đáy; (B) Mặt dưới tản rong với các mấu bám còn bám chặt vào vật bám (mũi tên); (C) Các mấu bám phát triển tại đầu nhánh (mũi tên); (D) Mấu bám phát triển tại mặt dưới nhánh bò (mũi tên); (E) Mấu bám; (G) Đỉnh mấu bám; (H) Tế bào bề mặt mấu bám xếp theo hàng từ tâm ra ngoài gồm các tế bào hình trụ dài và hình tròn (mũi tên); (I) Chi tiết tế bào bề mặt mấu bám (mũi tên).
Thanh tỷ lệ đại diện: (A,B) 5 cm; (C,D) 5 mm; (E) 1 mm; (G,H) 100 µm; (I) 50 µm.

Cơ sở khoa học phục hồi rong câu chân vịt tại Khu bảo tồn biển Lý Sơn

Tại Khu bảo tồn biển Lý Sơn, rong câu chân vịt thường mọc thành đám, bò, bám lan trong các kẽ đá, trên đá rạn san hô chết, ở vùng triều thấp và phần trên vùng dưới triều đến độ sâu 3-4 m nước, nơi nước trong, sóng vừa đến mạnh. Rong phát sinh vào tháng 12, tháng 1 hàng năm, mọc tốt nhất từ tháng 3 đến tháng 6, phát triển kém vào mùa mưa lũ (tháng 8-10). Tái sinh sinh dưỡng là chủ yếu. Rong bám vào thể nền nhờ các mấu bám dạng đĩa bám được hình thành ở mặt dưới các nhánh bò khi tiếp xúc với mặt thể nền đáy cứng để giữ rong cố định trên nền đáy. Khi tiếp xúc với mặt đáy, các mấu bám này bám rất chắc vào nền đáy, sóng chỉ có thể đánh gẫy rong chứ rất khó nhổ được các đĩa bám này. Rong câu chân vịt chỉ phát triển trên nền đáy cứng vì loại nền đáy này thích hợp để rong bám, bò chắc trên bề mặt, giúp rong không bị sóng, thủy triều đánh cuốn trôi. Nếu phát triển trên nền đáy cát, sỏi, san hô gãy vụn, chúng sẽ bị sóng, thủy triều đánh cuốn trôi, dẫn đến không phát triển được. Rong bám, bò chắc trên nền đáy cứng, khi nhổ được bụi rong, các mấu bám vẫn còn bám chặt vào cát, sỏi đá, mảnh vỡ vụn của nền đáy. Đây là một trong những cơ sở khoa học quan trọng để các nhà khoa học Viện nghiên cứu Hải sản tiến hành nghiên cứu, trồng phục hồi nguồn lợi loài rong này bằng phương pháp cấy cố định trên nền đáy tự nhiên và nhân tạo.

Đỗ Anh Duy, Bùi Minh Tuấn