Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan Việt Nam, 8 tháng đầu năm cả nước xuất khẩu 579.147 tấn thủy sản, trị giá 2,361 tỷ USD, tăng 15% về lượng và 15,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó tháng 8 XK 86.035 tấn thủy sản, trị giá 370,55 triệu USD, tăng 13,3% về lượng và 9,6% về giá trị so với tháng 8/2006.

Riêng trong tháng 8, đối với nhóm sản phẩm chính gồm: tôm đông lạnh, cá tra basa, cá ngừ, các loại cá khác, nhuyễn thể chân đầu và hàng khô, khối lượng XK đều giảm trừ mặt hàng tra basa tăng 46,2% về khối lượng và 42,8% về giá trị. Tôm đông lạnh và hàng khô giảm cả về khối lượng lẫn giá trị lần lượt 3,2%: 19.328 tấn và 2%: 175,874 triệu USD; 11,4%: 2.581 tấn và 3,8%: 11,677 triệu USD.

Tính đến hết tháng 8 tôm đông lạnh vẫn dẫn đầu về giá trị đạt 913,314 triệu USD tăng 2,4% về giá trị với khối lượng 95.345 tấn giảm 3,4%. Mặt hàng cá tra basa đứng ở vị trí thứ 2 nhưng nếu tính theo khối lượng XK mặt hàng này đứng đầu với 238.554 tấn, tăng 37,8%, trị giá 627,328 triệu USD, tăng 41,1% so với cùng kỳ.

Hầu hết các sản phẩm chính đều tăng về giá trị trong đó tăng mạnh nhất là tra basa, tiếp đến là nhuyễn thể chân đầu. 8 tháng đầu năm XK nhuyễn thể chân đầu đạt 53.621 tấn, trị giá 181,673 triệu USD tăng 26,2% về khối lượng và 37,7% về giá trị. Mặt hàng nhuyễn thể chân đầu luôn có nhu cầu cao, tuy nhiên do hạn chế về nguồn nguyên liệu nên mức tăng trưởng của mặt hàng này khó có thể đạt được như mức tăng trưởng của các sản phẩm nuôi.

Ðứng đầu về NK thủy sản của Việt Nam là thị trường EU chiếm 24,7% thị phần đạt 583,273 triệu USD, trong đó NK tra basa đạt 312,059 triệu USD. EU hiện chiếm gần 50% tỷ trọng NK tra basa và đứng đầu về NK mặt hàng này của Việt Nam. Ngoài ra EU còn đứng đầu về NK cá ngừ của Việt Nam đạt 34,977 triệu USD tăng 55%. Ðối với mặt hàng tôm thị trường này đạt 92,864 triệu USD, chỉ đứng ở vị trí khiêm tốn thứ 3 sau 2 đại gia là Nhật và Mỹ.

XK tôm 8 tháng đầu năm sang EU giảm cả về khối lượng lẫn giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, giảm lần lượt 8,6% và 3%. Theo thông tin từ Nafiqaved cuối tháng 9 đầu tháng 10 đoàn thanh tra EU sẽ sang kiểm tra các cơ sở sản xuất chế biến thủy sản của Việt Nam, điều kiện VSATTP tàu cá, cảng cá, các hộ nuôi thủy sản, cơ sở thu mua nguyên liệu...

Mỹ hiện chiếm gần 20% tỷ trọng XKTS của Việt Nam đạt 468,992 triệu USD đứng ở vị trí thứ 2. So với cùng kỳ năm ngoái, XK thủy sản sang Mỹ tăng 14,6%, trong đó XK tôm và tra basa tăng gần 17% mỗi thị trường; hàng khô tăng 66% đạt 2,215 triệu USD, các loài cá khác tăng 39,6% đạt 37,574 triệu USD, trong khi 2 mặt hàng cá ngừ và nhuyễn thể chân đầu lại giảm về giá trị 7,1% đạt 30,114 triệu USD và 11,4% đạt 3,761 triệu USD.

Ðiều đáng mừng tại thị trường này là hiện nay 2 mặt hàng tôm và cá tra basa đang bị đánh thuế CBPG nhưng vẫn có mức tăng trưởng cao cả về khối lượng lẫn giá trị xuất khẩu. Mới đây nhất Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã ra công bố về mức thuế chống bán phá giá (CBPG) cuối cùng đối với tôm XK từ các nước Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Ðộ, Việt Nam, Braxin và Êcuađo trong giai đoạn từ tháng 8/2004 đến 31/1/2006, các nước này phải chịu đánh giá hành chính hàng năm của Mỹ. Trong đó một số công ty của Trung Quốc và Việt Nam đã được giảm mức thuế CBPG đến mức “0”, một vài trường hợp khác bị nâng lên.

Hy vọng với việc giảm thuế này khối lượng XK tôm của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới nhằm bù đắp cho sự sụt giảm thê thảm tại thị trường Nhật Bản, hiện chiếm 19% tỷ trọng XKTS của Việt Nam đứng ở vị trí thứ 3 về nhập khẩu thủy sản của Việt Nam.

8 tháng đầu năm XK thủy sản sang Nhật Bản đạt 72.461 tấn, trị giá 447,793 triệu USD giảm 8,8% về khối lượng và 14,4% về giá trị. Khối lượng và kim ngạch thủy sản XK sang thị trường này từ đầu năm liên tục giảm là do hệ lụy của việc Nhật Bản tăng cường kiểm tra hàng thủy sản của Việt Nam.

Ðược biết đầu tháng 9 Bộ Nông Lâm Ngư, Nhật Bản đang lên kế hoạch tăng cường việc kiểm tra các lô hàng thủy sản sống nhập khẩu bằng việc kiểm tra trực quan của các cán bộ kiểm dịch tại 24 cảng biển và cảng hàng không bắt đầu từ tháng 10 tới, những nỗ lực này nhằm ngăn chặn các dịch bệnh có thể lây nhiễm sang thủy sản của Nhật Bản. Mặc dù việc XK hàng thủy sản sống của Việt Nam không nhiều nhưng biện pháp mới này cũng rất có thể làm hạn chế nhập khẩu hàng sống từ Việt Nam.

Mặc dù sụt giảm mạnh 22,6% về khối lượng và 21% về giá trị, nhưng Nhật Bản vẫn đứng ở vị trí thứ 2 về nhập khẩu tôm đông lạnh của Việt Nam đạt 280,41 triệu USD. Mặt hàng tiếp theo sụt giảm mạnh là hàng khô giảm gần 40% về khối lượng và 60,3% về giá trị đạt 4,708 triệu USD. Ðối với hàng khô Nhật Bản chỉ giữ một vị trí khiêm tốn chiếm 4,9% tỷ trọng.

Trong khi 2 mặt hàng tôm và hàng khô sụt giảm mạnh thì nhuyễn thể chân đầu, cá các loại và cá ngừ lại tăng cao. 8 tháng đầu năm XK nhuyễn thể sang Nhật đạt 12.979 tấn, trị giá 67,5 triệu USD tăng 21,3%-đứng đầu về nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam. Ngoài ra Nhật Bản còn đứng đầu về nhập khẩu cá các loại của Việt Nam đạt giá trị 51,777 triệu USD tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái.

XK cá ngừ sang Nhật đạt 3.678 tấn trị giá 11,774 triệu USD tăng 35,6% về khối lượng và 24,2% về giá trị - đứng ở vị trí thứ 3 sau 2 thị trường trọng điểm nhập khẩu cá ngừ của Việt Nam là EU và Mỹ.

Thị trường Nga cũng ở trong hoàn cảnh tương tự như thị trường Nhật Bản: kim ngạch và khối lượng sụt giảm mạnh. 8 tháng đầu năm XK thủy sản sang Nga đạt 29.544 tấn, trị giá 67,393 triệu USD giảm 5,1% về khối lượng và 2,6% về giá trị. Từ đầu năm đến nay đã có 3 đoàn thanh tra của Cục Kiểm dịch động thực vật Liên bang Nga (VPSS) sang kiểm tra các cơ sở chế biến thủy sản Việt Nam và đến nay đã có 13 doanh nghiệp được phép XK sang thị trường này.

Hy vọng sau đợt thanh tra lần 3 này số lượng doanh nghiệp được phép XK sang Nga sẽ tăng lên và tình hình XK thủy sản của Việt Nam sang Nga sẽ được cải thiện trong những tháng cuối năm.

Nhìn chung, XK thủy sản của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm vẫn tăng trưởng cao ở hầu hết các thị trường chính trừ Nhật Bản và Nga. Hiện nay các doanh nghiệp và cơ quan quản lý của Việt Nam đang ngày càng đẩy mạnh công tác kiểm soát ATVS chất lượng hàng thủy sản từ khâu nguyên liệu tới thành phẩm nhằm kiểm soát tốt nhất chất lượng hàng thủy sản trước khi XK nhằm giữ uy tín cho hàng thủy sản Việt Nam trên trường quốc tế.

Nguồn vasep