Theo Bộ Thủy sản, sáu tháng đầu năm 2007, toàn Ngành vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng nhanh về sản lượng thủy sản nuôi trồng và giá trị kim ngạch thủy sản xuất khẩu. Tính đến hết tháng 6, tổng sản lượng của Ngành Thủy sản ước đạt 1.863.485 tấn, đạt 49,04% kế hoạch năm và tăng 9,79% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sản lượng khai thác tăng 3,09%, đạt 1.081.900 tấn; sản lượng nuôi trồng đạt 781.585 tấn, tăng 20,63%. Ước giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm đạt 1.648 triệu USD, bằng 45,78% kế hoạch và tăng 16,78% so với cùng kỳ.
1. Về Khai thác hải sản
Trong 6 tháng đầu năm thời tiết thuận lợi cho khai thác hải sản nhưng giá nhêin liệu tăng cao. Ngư dân cố gắng chuyển nghề khai thác tiêu hao nhiên liệu ít, tổ chức sản xuất trên biển theo đoàn đội, kiêm nghề, lựa chọn đối tượng khai thác và chuyển đổi ngư trường khai thác. Cơ cấu nghề và sản phẩm khai thác có thay đổi rõ nét. Các nghề lưới rê và giã cào khai thác tuyến bờ giảm, nghề vâyk câu xa bờ tăng. Đối tượng khai thác chủyêú là các loài có giá trị kinh tế như: cá ngừ đại dương, cá cam, cá đổng, cá chim, cá thu… Đặc biệt, cá cơm xuất hiện nhiều và dài ngày. Ngư dân các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Định… khai thác đạt sản lượng khá. Nhìn chung, hiệu quả đánh bắt của ngư dân trong các tháng đầu năm đạt khá.
2. Về Nuôi trồng thuỷ sản
Các tháng đầu năm 2007, xen kẽ đợt nắng nóng là trời trở lạnh. Sau tháng 3 thời tiết ấm nên mùa vụ thả nuôi thủy sản muộn. Nuôi tôm vẫn tiếp tục phát triển nhưng công nghệ nuôi tôm có thay đổi. Đa số các vùng nuôi tôm tiếp tục phát triển tốt. tuy nhiên, rải rác vẫn còn xảy ra hiện tượng tôm chết. Bệnh tôm còn xảy ra kể cả diện nuôi công nghiệp và nuôi quảng canh cải tiến và chủ yếu tập trung vào đầu vụ nuôi khi thời tiết chưa phù hợp nhưng nông, ngư dân đã thả giống. Diện tích có tôm nuôi bị chết cả nước là 18.500ha, bằng 3% diện tích thả giống, thiệt hại về tôm giống 2,5 tỷ con. Nguyên nhân tôm chết do việc xử lý ao trước khi thả tôm giống chưa tốt, tôm không kiểm dịch, chất lượng kém. Trước tình hình này, Bộ Thủy sản đã chỉ đạo chặt chẽ việc phòng ngừa và xử lý bệnh tôm khi phát sinh và hầu hết diện tích tôm chết đã được thả giống nuôi trở lại.
Cá tra, ba sa nuôi ở các tỉnh ĐBSCL tiếp tục tăng trưởng nóng về sản lượng và giá trị những tháng đầu năm. Khi giá cá tăng, nông dân đầu tư phát triển nuôi trên diện rộng. Việc phát triển nuôi cá tra quá nóng gây thiếu cá giống, đẩy giá thức ăn, vật tư chuyên dùng tăng và gây nguy cơ đến môi trường nuôi bền vững. Giá cả cá tra, ba sa lúc lên lúc xuống đã ảnh hưởng đến tâm lý người dân và cũng thể hiện việc tổ chức sản xuất và chế biến tiêu thụ sản phẩm chưa tốt tại một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Nét mới trong nuôi cá tra, ba sa là các tỉnh khu vực miền Trung và phía Bắc đã thử nghiệm nuôi và có kết quả. Ðã có mô hình nuôi cá tra đạt 80 tấn/ha (Hà Tây) 150 tấn/ha (Nghệ An). Tại Nghệ An đã chủ động sản xuất được cá giống và giữ cá tra bố mẹ qua đông. Tuy nhiên giá thành sản phẩm còn cao, sức cạnh tranh thấp và nếu phát triển mạnh sẽ gặp vấn đề chế biến tiêu thụ. Sản lượng cá tra, ba sa nuôi 6 tháng đầu năm ước đạt: 400.000 tấn, bằng 50% so với kế hoạch và tăng 100% so với cùng kỳ 2006. Tuy nhiên trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản đã phát sinh nhiều tồn tại cần khắc phục sớm. Ðó là môi trường nuôi đang bị suy thoái nghiêm trọng. Sự cố tràn dầu trên biển và phát triển nuôi cá tra, ba sa quá nóng, ngoài tầm kiểm soát tại đồng bằng sông Cửu Long chính là nguyên nhân chủ yếu gây nguy cơ suy thoái môi trường đã gây bức xúc trong dư luận. Các mô hình liên kết giữa chế biến xuất khẩu và nuôi thuỷ sản đạt kết quả tốt chậm được tổng kết, nhân rộng. Việc sử dụng hoá chất, kháng sinh cấm vẫn chưa được ngăn chặn triệt để, nhiều vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm thuỷ sản đã ảnh hưởng đến tiêu thụ thuỷ sản trong nước và xuất khẩu.
Nuôi hải sản trên biển tiếp tục phát triển ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Nghệ An, Bình Ðịnh, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tầu, Bến Tre, Tiền Giang với các đối tượng nuôi như nghêu, sò huyết, cá biển, tôm hùm, trai ngọc, tu hài, hầu, vẹm xanh, điệp quạt, bào ngư…Ðặc biệt tu hài là đối tượng hải sản có giá trị đã được sản xuất và nuôi quy mô khá lớn tại Hải Phòng, Quảng Ninh. Ðã có 2 triệu giống tu hài đưa vào thả nuôi tại vùng biển huyện Vân Ðồn tỉnh Quảng Ninh.
Các tỉnh đồng bằng bắc bộ, trung du miền núi tiếp tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phát triển các vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung với các đối tượng nuôi truyền thống và đặc sản có hiệu quả kinh tế cao. Cỏc tỉnh miền núi Trung du phía bắc đưa các Trung tâm giống thuỷ sản vào hoạt động đã góp phần cung cấp đủ nhu cầu giống thả nuôi cho nhân dân.
Về sản xuất, lưu thông giống: Cả nước đó sản xuất được 15 tỷ cá giống bột và trên 16 tỷ tôm giống cung cấp nhu cầu giống thả nuôi. Giá tôm giống còn cao đầu vụ và việc cung cấp giống chất lượng tốt, giá hợp lý đúng mùa vụ vẫn còn là vấn đề.
Thức ăn, thuốc, hoá chất, chế phẩm sinh học dùng trong nuôi trồng thuỷ sản có chiều hướng tăng giá và việc quản lý trong lưu thông, bảo quản, sử dụng còn bất cập, đòi hỏi các cơ quan quản lý từ Trung ương đến cơ sở phải đổi mới phương thức quản lý trong tất cả các khâu sản xuất, nhập khẩu, lưu thông, bảo quản, sử dụng đảm bảo đáp ứng yêu cầu nuôi trồng thuỷ sản tạo sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm.
3. Về Chế biến, thị trường và tiêu thụ sản phẩm
Nguyên liệu chế biến chủ lực vẫn là tôm, cá tra, ba sa. Ðầu năm, các doanh nghiệp chế biến vẫn bị thiếu nguyên liệu. Giá cá nguyên liệu lúc tăng, lúc giảm. Do nhu cầu nguyên liệu chế biến, các doanh nghiệp đã phải thu mua cá tra, ba sa giá: 17.000 đ/kg, cá biệt có lúc lên tới 17.500 đ/ kg vào quý I. Do nuôi cá tra, ba sa có thu nhập lớn, phong trào đào ao hầm nuôi cá tra, ba sa phát triển mạnh, kéo theo giá thức ăn, cá giống lên cao. Tuy nhiên, đến nay giá cá lại rớt mạnh, chỉ còn 11.000-11.500 đ/kg. Ðối với tôm, tình trạng bơm chích tạp chất, dư lượng kháng sinh, hoá chất giảm nhiều so với cùng kỳ năm ngoái do việc kiểm tra chất lượng nguyên liệu tốt hơn và do thị trường Nhật Bản áp dụng kiểm tra 100% lô hàng thuỷ sản nhập khẩu từ Việt Nam.
Về năng lực chế biến thuỷ sản: Các doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng, đổi mới trang thiết bị theo hướng tăng cường chất lượng và đa dạng hoá các sản phẩm chế biến. Trong 6 tháng đầu năm đã có thêm 18 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường EU, nâng tổng số doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn trong danh sách 1 lên 245 doanh nghiệp. Nếu kể cả số doanh nghiệp chế biến đa ngành có mặt hàng thuỷ sản là 470 doanh nghiệp. Nét mới năm nay là nhiều doanh nghiệp chế biến đã đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, trực tiếp đầu tư nuôi cá và có thêm nhiều doanh nghiệp chế biến cá tra, cá ba sa xuất khẩu. Toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện nay có 70 nhà máy chế biến cá tra, ba sa với công suất chế biến khoảng 1,5 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, việc phát triển nhà máy chế biến thuỷ sản xuất khẩu hiện nay chưa theo quy hoạch. Xu hướng tự phát trong sản xuất nguyên liệu và xây dựng nhà máy chế biến tiềm ẩn rủi ro cao do mất cân đối cung cầu về nguyên liệu và thị trường xuất khẩu, nguy cơ huỷ hoại môi trường các vùng nuôi.
Về quản lý chất lượng hàng xuất khẩu: Hầu hết các lô hàng được kiểm tra chất lượng trước khi hoàn tất thủ tục xuất khẩu. Thành tích đáng ghi nhận trong 6 tháng đầu năm là ta đã giữ vững 51 thị trường có rào cản kỹ thuật cao như EU, Hoa Kỳ, Canada nên tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản tăng nhanh. Tuy nhiên 6 tháng đầu năm xuất hiện 4 thị trường mới dựng các rào cản kỹ thuật là Nga, Nhật Bản, Australia, Ðài Loan. Với khó khăn này, Bộ, Hiệp hội, các doanh nghiệp đang từng bước tăng cường các biện pháp tháo gỡ. Phải nhìn nhận rằng tình trạng lô hàng bị cảnh báo vẫn còn. Trong 6 tháng có 33 lô hàng bị cảnh báo nhiễm Chloramphenicol. Khó khăn, ách tắc tại thị trường Nga, Nhật Bản là bài toán khó mà Bộ Thuỷ sản, Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Thương mại đang tích cực giải quyết.
Cơ cấu thị trường về giá trị kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản như sau: EU 24,4%, Hoa Kỳ 18,3%, Nhật Bản 17%, Hàn Quốc 7,4%, Nga 5,2%, Trung Quốc 5,1%, Asean 5,8% và các nước khác 16,7%.
Thị trường thực phẩm thủy sản nội địa chuyển biến tích cực cả về số lượng, chủng loại mặt hàng, chất lượng hàng hoá và giá cả. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển khai thác, nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, việc cảnh báo vệ sinh an toàn thực phẩm các mặt hàng thuỷ sản nội địa đang là vấn đề được công luận quan tâm.
(Trích Báo cáo của Bộ Thủy sản)
www.fistenet.gov.vn