Theo Bộ NN&PTNT, tính đến hết tháng 10, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 3.286 nghìn tấn, đạt 86,47% kế hoạch năm và tăng 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sản lượng khai thác tăng 2%, đạt 1.735 nghìn tấn; sản lượng nuôi trồng đạt 1.533 nghìn tấn, tăng 14,3%. Ước giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 10 đạt 350 triệu USD, nâng tổng giá trị kim ngạch XKTS 10 thángnăm 2007 đạt 3.059 triệu USD, bằng 84,97% kế hoạch và tăng 10,8% so với cùng kỳ.
1. Khai thác hải sản:
Cuối tháng 9 và đầu tháng 10 năm 2006 bão số 6 (bão Xangsane) đã đổ bộ trực tiết vào các tỉnh miền trung nước ta gây nhiều thiệt hại về người và tài sản cho người dân, năm 2007 cũng vào thời điểm này nước ta phải gánh chịu 2 cơn bão mạnh ở khu vực đổ bộ vào miền Trung. Cơn bão số 4 (Francisco) và cơn bão số 5 (Lekima) với sức gió mạnh nhất ở vùng tâm bão mạnh cấp 11-12 giật trên cấp 12. Gió lớn tạo ra các đợt sóng kết hợp với thủy triều cao 3-5m trên vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Trị, do ảnh hưởng của bão kết hợp với gió mùa tây nam cũng gây ra gió mạnh cấp 6-7 trên vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và khu vực nam biển Đông gây nên nhiều thiệt hại cho bà con nông dân, ngư dân ven biển, nhiều tầu thuyền và tài sản của ngư dân bị chìm (46 tầu thuyền), bị hỏng (34 tầu thuyền) gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.
Nhằm khắc phục khó khăn cho bà con nông dân, ngư dân ven biển nhiều cơ quan, đơn vị, cá nhân và tập thể trên cả nước đã quyên góp ủng hộ tiền và tài sản cho bà con vùng lũ giúp khắc phục hậu quả cơn bão số 5, các Sở thủy sản theo dõi, chỉ đạo các tầu thuyền khắc phục khó khăn, chủ động tìm kiếm ngư trường, bám biển để khai thác hải sản.
2.Nuôi trồng thuỷ sản:
Do ảnh hưởng cơn bão số 5 (cơn bão Lekima) từ ngày 1/10 đến 4/10 ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam đã có mưa to đến rất to. Lượng mưa phổ biến từ 200 - 300mm, vùng tâm bão mưa từ 300 - 400mm, một số nơi trên 450mm, mưa lớn kéo dài đã xuất hiện trận lũ lịch sử trong vòng 45 năm qua đã tàn phá một số tỉnh miền núi phía Bắc và Trung Bộ, nặng nhất là các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Ninh Bình, Hoà Bình, Sơn La, Yên Bái... gây nhiều thiệt hại về tài sản, hoa mầu cho bà con nông dân, đặc biệt các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Ninh Bình nhiều nơi nước lũ đi qua gây mất trắng hàng trăm ha nuôi trồng thủy sản.
Hiện nay nuôi trồng thuỷ sản ở Đồng bằng sông Cửu Long rất phát triển, đem lại lợi nhuận lớn và còn nhiều tiềm năng để phát triển, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cần rà soát lại quy hoạch thủy lợi, quan tâm đến những vùng nuôi trồng thủy sản, hướng dẫn và thiết kế hệ thống thủy lợi phục vụ thủy sản. Tiềm năng phát triển thủy sản ở ĐBSCL và vùng ven biển rất lớn, nên tập trung giải quyết được vấn đề thủy lợi, xử lý môi trường và thị trường tiêu thụ. Hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường nước vùng nuôi cá ở Đồng bằng sông Cửu Long đang báo động.
3. Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản:
Hàng năm, cứ vào khoảng tháng 9, tháng 10, các nhà máy chế biến thủy sản bắt đầu tăng tốc do nhu cầu nhập khẩu hàng thủy sản đông lạnh của các nước tăng cao phục vụ thị trường dịp Giáng Sinh và Tết Dương lịch, và đây được xem là giai đoạn quyết định để tăng tốc về đích sớm. Kinh nghiệm xuất khẩu trong nhiều năm qua cho thấy, quý 4 là thời điểm mà các nước thuộc EU, Mỹ, Nga, Hàn Quốc... tiêu thụ rất mạnh hàng thủy sản đông lạnh của Việt Nam và đây chính là thời điểm để các doanh nghiệp tăng tốc đạt chỉ tiêu.
Tháng 10 là tháng cao điểm vụ thu hoạch, giá tôm sú ở Đồng bằng sông Cửu Long đang giảm mạnh, cụ thể: tôm loại 20 con/kg, giá thu mua 152.000 đồng/kg, giảm 3.000 đồng/kg; loại 30 con/kg giá 100.000 đồng/kg, giảm 6.000 đồng/kg; loại 40 con/kg giá 76.000 đồng/kg, giảm 8.000 đồng/kg. Nguyên nhân giá tôm sú ở ĐBSCL sụt giảm do hiện một số doanh nghiệp đã trữ đủ nguồn nguyên liệu cho chế biến phục vụ mùa xuất khẩu những tháng cuối năm, lượng sản phẩm tồn kho còn nhiều. Trong khi đó, hiện nay các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng... trúng mùa tôm sú thả nuôi vụ 2 và hiện đang vào đợt thu hoạch rộ.
Theo thống kê, hiện nay xuất khẩu cá tra, basa của Việt Nam phải đối mặt với hàng loạt những khó khăn do các hàng rào kỹ thuật vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này vẫn tăng mạnh tại hầu hết các thị trường lớn như EU, Mỹ, ASEAN, Ucraina…. Trong khi giá cá trong nước hồi đầu năm tăng đến 17.000đ/kg, sau đó giảm lại và hiện nay từ 13.000-14.000 đồng/kg, với giá này doanh nghiệp và người nuôi có lời, việc cá tra nguyên liệu giảm giá nhẹ là do nguồn dự trữ cá nguyên liệu của các doanh nghiệp còn nhiều, trong khi đó khả năng cung ứng trên thị trường khá dồi dào. Vì thế, cá tra nguyên liệu sẽ ít biến động và sẽ giữ mức giá từ 14.000 đồng trở lên đối với cá loại thịt trắng. Tuy nhiên, phần lớn các hợp đồng xuất khẩu chủ yếu ở dạng cá tra có kích cỡ từ 0,8-1kg/con, nên nhu cầu cá tra nguyên liệu loại này rất lớn. Giá trị xuất khẩu cá tra, ba sa đang tăng tới 41%, với đà tăng trưởng xuất khẩu như hiện nay, mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu riêng mặt hàng cá tra, ba sa đạt 1 tỷ USD. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo các doanh nghiệp thực hiện tốt các quy định của thị trường nhập khẩu, tránh tình trạng đóng gói thiếu quy cỡ, thiếu trọng lượng, ghi nhãn hàng hóa không rõ xuất xứ, không phù hợp với quy định thông lệ của thị trường; Khi cá đạt trọng lượng nói trên, người nuôi nên xuất bán để tránh tình trạng cá vượt kích cỡ, dội hàng đồng thời chủ động xây dựng thương hiệu cho sản phẩm này.
(Trích Báo cáo 10 tháng năm 2007 của Bộ NN&PTNT, vasep)