Ảnh minh họa
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Hóa chất, chế phẩm sinh học xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản (QCVN 02-32-1: 2019/BNNPTNT) quy định mức giới hạn an toàn đối với hóa chất, chế phẩm sinh học xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản. QCVN 02-32-1: 2019/BNNPTNT áp dụng đối với tổ chức/cá nhân liên quan đến hoạt động sản xuất, nhập khẩu hóa chất, chế phẩm sinh học xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam.
Các thuật ngữ đã được sử dụng trong Quy chuẩn này: (1) Chế phẩm enzyme là chế phẩm sinh học có chứa một hoặc nhiều loại enzyme, có hoặc không có chất mang; (2) Chế phẩm vi sinh vật là chế phẩm sinh học có chứa một hoặc nhiều loài vi sinh vật sống có ích, an toàn với sức khỏe động vật thủy sản, có hoặc không có chất mang; (3) Chế phẩm chiết xuất từ sinh vật là chế phẩm sinh học chứa thành phần, hoạt chất có lợi được chiết xuất từ sinh vật (chủ yếu là các oligosaccharides, chitosan, saponin, β-Glucan, acid hữu cơ), an toàn với sức khỏe động vật thủy sản, có hoặc không có chất mang; (4) Chế phẩm hỗn hợp là chế phẩm sinh học có thành phần là hỗn hợp của các loại chế phẩm khác nhau (enzyme, vi sinh vật, thành phần, hoạt chất từ sinh vật), an toàn với sức khỏe động vật thủy sản, có hoặc không có chất mang.
Yêu cầu về kỹ thuật đối với Hóa chất xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, Quy chuẩn QCVN 02-32-1: 2019/BNNPTNT đã quy định Mức giới hạn tối thiểu và Mức giới hạn tối đa đối với 08 loại hóa chất: Calcium hypochlorite, Sodium hypochlorite, Formaldehyde, Glutaraldehyde, Benzalkonium chloride, Povidone – iodine, Potassium permanganate, Trichloroisocyanuric acid. Đối với các hóa chất xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản khác (thuộc Danh mục hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, nguyên liệu sản xuất thức ăn được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam) phải đảm bảo Mức giới hạn tối đa được quy định trong Quy chuẩn này.
Yêu cầu về kỹ thuật đối với Khoáng chất tự nhiên xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, Quy chuẩn QCVN 02-32-1: 2019/BNNPTNT đã quy định Mức giới hạn tối thiểu và Mức giới hạn tối đa đối với các sản phẩm: CaO, MgO, Ca(OH)2, Mg(OH)2, CaCO3, CaMg(CO3)2, Zeolite. Đối với các khoáng chất tự nhiên xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản khác (thuộc Danh mục hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, nguyên liệu sản xuất thức ăn được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam) phải đảm bảo Mức giới hạn tối đa được quy định trong Quy chuẩn này.
Yêu cầu về kỹ thuật đối với Chế phẩm sinh học xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, Quy chuẩn QCVN 02-32-1: 2019/BNNPTNT đã quy định Mức giới hạn tối thiểu và Mức giới hạn tối đa đối với các sản phẩm: Chế phẩm vi sinh vật/Chế phẩn hỗn hợp có chứa vi sinh vật sống; Chế phẩm từ hạt bã trà. Đối với chế phẩm sinh học vi sinh vật có nhiều loài (Species) cùng một giống (Genus) thì số lượng trung bình mỗi loài vi sinh vật sống ≥106CFU/g (hoặc ml). Chế phẩm enzyme, chế phẩm chiết xuất từ vi sinh vật, chế phẩm hỗn hợp phải đảm bảo Mức giới hạn tối đa được quy định trong Quy chuẩn này.
Các quy định về quản lý và tổ chức thực hiện
Tổ chức/cá nhân công bố hợp quy Hóa chất, chế phẩm sinh học xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản theo những biện pháp khác nhau (tùy thuộc vào loại sản phẩm sản xuất trong nước; hay nhập khẩu). Việc đánh giá sự phù hợp của các loại Hóa chất, chế phẩm sinh học xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản cũng được thực hiện theo những phương thức khác nhau (tùy thuộc vào loại sản phẩm sản xuất trong nước; hay nhập khẩu).
Trình tự công bố hợp quy và Hồ sơ công bố hợp quy thực hiện theo quy định tại các khoản 3 và 4, Điều 1 Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN ngày 31/3/2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012. Bên cạnh đó, Thông tư số 08/2019/TT-BNNPTNT đã quy định Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương tiếp nhận Hồ sơ công bố hợp quy của các tổ chức/cá nhân đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh tại địa phương.
Nội dung, trình tự và nguyên tắc sử dụng các phương thức đánh giá sự phù hợp thực hiện theo quy định tại Phụ lục II, Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
Tổng cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh/thành phố chịu trách nhiệm tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia theo phân công, phân cấp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Ngoài ra, Tổng cục Thủy sản tiến hành phổ biến, hướng dẫn và phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tổ chức việc thực hiện Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Trong trường hợp các quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này có sự thay đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo quy định nêu tại văn bản mới.
Thông tư 08/2019/TT-BNNPTNT có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2020
Ngọc Thúy – FICen