Rong sụn Kappaphycus alvarezii là loài rong biển nhiệt đới có giá trị kinh tế cao, là nguồn nguyên liệu chính cho việc sản xuất k-carrageenan - một dạng hydrocolloid đang được sử dụng nhiều trong công nghiệp keo và tác nhân kết dính.

Tại Việt Nam, rong sụn Kappaphycus alvarezii được di nhập từ Philippines từ những năm 1993 và được nhân giống tại các tỉnh ven biển miền Trung như Khánh Hòa, Bình Định, Ninh Thuận…, trở thành một nghề phát triển, tạo sinh kế ổn định cho người dân nghèo ven biển trong thời gian dài.

Tuy nhiên, những năm gần đây, nghề nuôi rong biển đang dần bị thoái trào. Bên cạnh tác động do ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu thì sự suy thoái nguồn giống rong sụn do quá trình canh tác sinh dưỡng kéo dài cũng dẫn đến sự suy giảm về sức sống và chất lượng cây rong sụn ở Việt Nam.

Các nhà khoa học Phòng Nghiên cứu Công nghệ sinh học biển (Viện nghiên cứu Hải sản) nghiên cứu quy trình công nghệ nhân giống rong sụn. Ảnh: Đinh Mười.

Theo TS Lê Thanh Tùng -  Trưởng phòng Nghiên cứu công nghệ sinh học biển (Viện Nghiên cứu Hải sản), rong sụn có giá trị thương mại cao, sau khi đưa về Việt Nam nuôi trồng đã tạo giá trị thương mại rất lớn và tạo sinh kế bền vững cho bà con nông dân trong gần 20 năm qua.

Tuy nhiên, trong quá trình nuôi trồng, cây rong sụn không có khả năng sinh sản hữu tính ở vùng biển Việt Nam, rong thường được bà con dùng phương pháp sinh dưỡng để lưu giữ và làm giống cho sản xuất mùa vụ sau.

Do vậy qua thời gian dài, cây rong sụn bị suy thoái về chất lượng, dẫn đến tốc độ sinh trưởng cũng như hàm lượng, chất lượng cardavin trong cây rong sụn bị suy giảm. Trước thực trạng này, Bộ NN-PTNT đã giao Viện Nghiên cứu Hải sản nghiên cứu và đã tạo được cây rong sụn chất lượng cao thông qua quá trình nuôi cấy mô sẹo.

sụn bị suy giảm. Trước thực trạng này, Bộ NN-PTNT đã giao Viện Nghiên cứu Hải sản nghiên cứu và đã tạo được cây rong sụn chất lượng cao thông qua quá trình nuôi cấy mô sẹo.

Việc nghiên cứu được thực hiện công phu, tỉ mỉ. Ảnh: Đinh Mười.

TS Lê Thanh Tùng và các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Hải sản đã phục tráng được nguồn gen cây rong sụn, tạo ra được cây mầm có giá trị cao thông qua quá trình phát sinh phôi bào. Cây giống được tạo ra từ nguồn gen mới cho năng suất cao, có khả năng kháng bệnh rất tốt và tốc độ sinh trưởng cao hơn so với cây giống ngoài tự nhiên.

Dù vậy, cây giống rạo ra tiếp tục đứng trước bất cập là phải mất thời gian khá dài, thông thường phải từ 12 - 15 tháng mới có thể hoàn thành quy trình để cung ứng nguồn giống cho người dân.

Để khắc phục bất cập này, TS Lê Thanh Tùng và cộng sự đã tiếp tục nghiên cứu, áp dụng phương pháp nhân nhanh giống rong sụn từ cây bố mẹ chất lượng cao. Đến nay, các nhà khoa học đã làm chủ được công nghệ sản xuất và nhân nhanh giống rong sụn Kappaphycus alvarezii phục vụ nhu cầu sản xuất đại trà.

Các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Hải sản đã làm chủ công nghệ và chủ động sản xuất hàng loạt cây mầm rong sụn chất lượng cao. Ảnh: Đinh Mười.

Đến nay, Viện Nghiên cứu Hải sản đã làm chủ công nghệ và chủ động sản xuất hàng loạt cây mầm rong sụn biển chất lượng cao thông qua quy trình kỹ thuật nuôi cấy mô tế bào thực vật.

Cây mầm rong sụn chất lượng cao được sử dụng làm vật liệu phát triển nguồn giống phục vụ sản xuất thông qua quy trình nhân nhanh và tái sinh sinh dưỡng với số lượng lớn phục vụ trồng thâm canh đại trà với mục đích thương mại.

“Chúng tôi phân nhánh, tạo ra các cây con. Quá trình này chỉ mất khoảng 3 đến 4 tháng, thậm chí nhanh hơn để tạo ra cây giống rong sụn chất lượng cao phục vụ bà con trong quá trình sản xuất đại trà tại các tỉnh ven biển miền Trung của nước ta”, TS Lê Thanh Tùng chia sẻ thêm.

Theo Thạc sĩ Phạm Thị Mát – nghiên cứu viên Phòng Nghiên cứu Công nghệ sinh học biển (Viện Nghiên cứu Hải sản): Quy trình nhân giống rong sụn bằng công nghệ nuôi cấy mô đã được nghiên cứu, hoàn thiện để nâng cao hiệu quả cũng như rút ngắn thời gian từ 240 ngày xuống dưới 150 ngày. Toàn bộ các bước trong quy trình đã được nghiên cứu, cải tiến như: Nuôi thích nghi vật liệu trong phòng thí nghiệm, khử trùng tạo vật liệu sạch cảm ứng mô sẹo và tái sinh phôi tạo thành cây con.

Nguồn: nongnghiep.vn