Tham dự Hội thảo có PGS-TS Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch Hội Nuôi biển Việt Nam, ông Trần Văn Cường Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, TS. Nguyễn Xuân Thi - Phân Viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Hải sản phía Nam, ThS. Nguyễn Hữu Thanh – Phó giám đốc phụ trách Trung tâm giống Quốc gia Hải sản Nam bộ, cán bộ Sở Khoa học và Công nghệ, Lãnh đạo phòng Kinh tế thành phố Vũng Tàu, Lãnh đạo Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Lãnh đạo Chi cục Thú y tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cán bộ Trung tâm Khuyến Nông tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cán bộ Phân Viện Nghiên cứu Hải sản phía Nam, cùng 50 hộ nuôi trồng thủy sản ở Long Sơn. Ông Trần Văn Cường và ông Nguyễn Xuân Thi Chủ trì Hội thảo.

Hội thảo đã lắng nghe các chuyên gia trình bày các báo cáo:

- PGS-TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội Nuôi biển Việt Nam trình bày báo cáo cho thấy thách thức của nghề nuôi biển Việt Nam hiện nay là: Thiếu kế hoạch phát triển nuôi biển quốc gia, thiếu chính sách khuyến khích và ưu tiên nhằm thu hút đầu tư; Có rất ít doanh nghiệp nuôi biển, hầu hết các trại nuôi biển đều là quy mô nhỏ, hộ gia đình, công nghệ lạc hậu, ven bờ; Công cụ quản lý nhà nước yếu và không có cơ chế đồng quản lý hiệu quả; Hệ thống cảnh báo và kiểm soát an ninh kém, đây là thách thức lớn cho việc nuôi xa bờ; Rủi ro do ô nhiễm môi trường cao, suy giảm nguồn lợi biển ngày càng nghiêm trọng, quản lý môi trường biển lỏng lẻo; Liên kết giữa trại nuôi với hệ thống cung cấp thức ăn, giống, chế biến, tiêu thụ, phân phối, v.v… còn rất yếu; Hoạt động phát triển thị trường và quảng bá sản phẩm còn yếu, phụ thuộc chủ yếu vào người trung gian nhỏ lẻ. 

 

PGS-TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hội Nuôi biển Việt Nam trình bày báo cáo

PGS-TS Nguyễn Hữu Dũng trình bày giải pháp cho nghề nuôi biển Việt Nam: Xây dựng Chiến lược phát triển công nghiệp nuôi biển Việt Nam Đề án phát triển công nghiệp nuôi biển Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn 2050; Xây dựng Nghị định về các chính sách phát triển nuôi biển, (đầu tư nhà nước, giao quyền sử dụng lâu dài vùng biển cho chủ đầu tư, chính sách tín dụng, chính sách đào tạo); Xây dựng chính sách bảo hiểm nuôi biển (bảo hiểm nhân mạng, bảo hiểm đầu tư công trình nuôi, bảo hiểm vật nuôi); Xây dựng chuỗi giá trị cho các sản phẩm nuôi biển chủ lực (từ sản xuất giống, thức ăn nuôi, nuôi, bảo quản, chế biến, xuất khẩu, tiêu thụ, các ngành công nghiệp và dịch vụ phụ trợ); Thiết lập Chương trình kiểm soát và giám sát môi trường biển; Chương trình bảo đảm an ninh biển.

- Sau đó, ThS. Nguyễn Xuân Toản – Phân viện Nghiên cứu Hải sản phía Nam trình bày về “Công nghệ nuôi lồng HDPE của nước Nauy và hiện trạng sử dụng cá tạp trong nuôi cá biển, giải pháp hạn chế sử dụng cá tạp”: nước Nauy có nghề nuôi cá hồi từ năm 1805 cho đến năm 2016 sản lượng đạt 1,4 triệu tấn/năm, chiếm hơn 65% sản lượng cá hồi đại tây dương trên thế giới và công nghệ lồng HDPE của Nauy hiện đại với hệ thống thiết bị tự động, quản lý dễ dàng; vấn đề sử dụng cá tạp trong nuôi biển ở nước ta đang gặp một số vấn đề là cá tạp có thời gian lưu trữ ngắn, nguồn cá tạp phụ thuộc vào mùa vụ khai thác cá, gây lãng phí thức ăn, thức ăn cá tạp mang nhiều mầm bệnh.

- Tiếp theo, báo cáo “Hệ thống quan trắc tự động chất lượng nước bè nuôi” do Giảng viên Lê Ngọc Trân – Trường Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu: giới thiệu hệ thống quan trắc tự động đang lắp đặt về cơ chế hoạt động, kết quả nổi bật của hệ thống và khuyến cáo nên lắp đặt hệ thống quan trắc tự động để đo, giám sát, cảnh báo chất lượng nước cho người nuôi.

- ThS. Nguyễn Hữu Thanh -  Trung tâm giống Quốc gia Hải sản Nam bộ trình bày báo cáo “Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giống cá biển và nguồn cung cấp giống cá biển trên địa bàn tỉnh”: báo cáo cho thấy vấn đề cận huyết trong đàn cá bố mẹ nên dẫn đến sản xuất giống kém chất lượng; không xét nghiệm giống trước khi nuôi nên thường xuyên bị dịch bệnh; sản xuất giống trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu nên phải nhập giống từ nước ngoài về mà con giống không đảm bảo chất lượng.

Hội thảo tiến hành thảo luận với người nuôi lồng bè tại Long Sơn, lắng nghe ý kiến của người nuôi thuỷ sản về các vấn đề gặp phải trong quá trình nuôi: thường xuyên xảy ra dịch bệnh làm cá chết; chưa được nhà nước giao quyền sử dụng mặt nước; chưa tìm được thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định; chất lượng con giống khi mua về thả còn chưa đảm bảo và các vấn đề khác.

Ông Nguyễn Xuân Thi góp ý giải pháp cho phát triển nghề nuôi biển tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

      Sau khi lắng nghe các ý kiến của bà con ngư dân, TS. Nguyễn Xuân Thi – Phân viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Hải sản phía Nam đã giải đáp, đưa ra các giải pháp để phát triển nghề nuôi thủy sản cho tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu như sau: Công nghệ chế tạo lồng bè, thiết bị nuôi biển tiên tiến, bằng các loại vật liệu bền vững, chịu nước mặn, hoạt động ổn định lâu dài trong điều kiện bão tố  và thời tiết khắc nghiệt; Công nghệ phun thức ăn tự động đến từng lồng nuôi cá; Công nghệ camera chìm quan sát hoạt động của đàn cá nuôi, tình trạng tiêu thụ thức ăn, đo kích cỡ để ước tính trọng lượng cá, cảnh báo dịch bệnh, theo dõi tình trạng lồng lưới; Công nghệ tự động kiểm soát môi trường biển;

 

 

Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa –Vũng Tàu

phát biểu bế mạc Hội thảo

Kết thúc buổi làm việc, ông Trần Văn Cường cảm ơn các chuyên gia đã chia sẻ những công nghệ nuôi biển hiện đại để Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng chiến lược phát triển ngành nuôi thủy sản nói chung, trong đó ưu tiên nghề nuôi biển trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Hội thảo đã thành công tốt đẹp./.

Nguyễn Thị Phương Thảo – Phân Viện nghiên cứu Hải sản phía Nam