Hội nghị tư vấn, đánh giá nghiệm thu cấp cơ sở đề tài khoa học công nghệ bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến. Thành phần Hội đồng theo Quyết định số 295/QĐ-PVHS của Phân Viện trưởng Phân Viện Nghiên cứu Hải sản phía Nam, gồm: 1) TS. Nguyễn Xuân Thi, Chủ tịch Hội đồng; 2) TS. La Xuân Thảo, Trung tâm Quốc gia giống Hải sản Nam bộ - Phản biện 1; 3) TS. Huỳnh Minh Sang, Viện Hải dương học Nha Trang- Phản biện 2; Các Ủy viên: 4) ThS. Lại Duy Phương, Viện Nghiên cứu Hải sản; 5) KS. Trần Kim Cương, Chi cục Thuỷ sản tỉnh Bến Tre; 6) CN. Lê Văn Tiến, Phòng Nông nghiệp huyện Thạnh Phú; 7) TS. Phạm Quốc Huy - Thư ký; Đại diện cơ quan quản lý đề tài (Sở Khoa học và Công nghệ Bến Tre); Đại diện Phòng KHHTQT&ĐT (Viện Nghiên cứu Hải sản); Các thành viên thực hiện đề tài và các cán bộ viên chức và lao động Phân Viện Nghiên cứu Hải sản phía Nam.

Toàn cảnh Hội đồng nghiệm thu đề tài cấp tỉnh Bến Tre

Để đạt được mục tiêu: “Phát triển nuôi cá biển trong ao, tận dụng được ao nuôi tôm không hiệu quả để nuôi đối tương mới, nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật nuôi cá biển đến nông ngư dân, đẩy mạnh phong trào nuôi cá biển trong ao, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế nông hộ, kiểm soát chất lượng sản phẩm, dịch bệnh và góp phần phát triển nghề nuôi trồng thuỷ sản ở tỉnh Bến Tre theo hướng bền vững”, đề tài đã triển khai 3 nội dung: 1) Khảo sát vùng nuôi, chọn địa điểm bố trí ao mô hình tại Bến Tre; 2) Nghiên cứu xây dựng mô hình nuôi thương phẩm cá hồng mỹ trong ao đất tại Bến Tre; 3) Đánh giá sơ bộ hiệu quả kinh tế mô hình nuôi cá hồng mỹ thương phẩm và định hướng phát triển sản phẩm cá hồng mỹ tỉnh Bến Tre.

Kết quả: Sau gần 23 tháng triển khai, nhiệm vụ đã thực hiện đầy đủ các nội dung, sản phẩm và tiến độ theo thuyết minh đề cương và hợp đồng đã ký, hoàn thành mục tiêu nghiên cứu đặt ra, tiến độ hoàn thành trước 01 tháng. Đã điều tra, khảo sát chọn được địa điểm triển khai mô hình nuôi cá hồng mỹ thương phẩm tại ấp Thạnh Hoà, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre; Hoàn thành các báo cáo khoa học: Quy trình kỹ thuật nuôi thương phẩm cá hồng mỹ trong ao đất; Báo cáo mô hình nuôi cá hồng mỹ thương phẩm bằng thức ăn công nghiệp năng suất 6,3 tấn/0,9ha; Báo cáo đánh giá sơ bộ hiệu quả kinh tế của mô hình nuôi; Hồ sơ: Xây dựng hồ sơ cá hồng mỹ đạt chứng nhận OCOP của tỉnh Bến Tre và xúc tiến thị trường tiêu thụ sản phẩm cá hồng mỹ đạt chứng nhận OCOP; các bộ dữ liệu, số liệu và các sản phẩm khác. Bên cạnh đó đề tài cũng đã đạt 02 bài báo có nội dung về nuôi thương phẩm cá hồng mỹ phù hợp với điều kiện tự nhiên ở Bến Tre và quy trình kỹ thuật nuôi thương phẩm cá hồng mỹ bằng thức ăn công nghiệp tại Bến tre. Điều quan trọng nhất là đề tài đã xây dựng được mô hình nuôi thương phẩm cá hồng mỹ đạt năng suất 8,1 tấn/0,9ha, tỷ lệ sống: 75% và FCR: 1,5; sản phẩm cá hồng mỹ (cá đù đỏ) một nắng đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh. Hội đồng đánh giá cao ý nghĩa khoa học và giá trị thực tiễn của đề tài.

Với các kết quả đạt được của nhiệm vụ, Hội đồng đã ghi nhận và đánh giá Xuất sắc. Để báo cáo tổng kết có chất lượng tốt hơn, TS. Nguyễn Xuân Thi, Chủ tịch Hội đồng đề nghị ban chủ nhiệm đề tài tiếp thu và chỉnh sửa theo các ý kiến kết luận của Hội đồng.

Nguyễn Thị Phương Thảo – Phân Viện Nghiên cứu Hải sản phía Nam