Tại đây, các quý thầy, cô và các em học sinh được nghe TS. Trần Văn Cường giới thiệu các thông tin về “Biển và nguồn lợi hải sản ở biển Việt Nam”, lịch sử hình thành và phát triển Viện Nghiên cứu Hải sản và các hoạt động nghiên cứu khoa học biển. Qua đó, nhằm giúp các em học sinh có ý thức hơn về chủ quyền biển đảo Việt Nam, hiểu rõ hơn về đa dạng sinh học, nguồn lợi hải sản và vai trò của chúng đối với đời sống con người. Trước thực trạng, đa dạng sinh học suy giảm và nguồn lợi hải sản bị khai thác hải sản quá mức, cùng với suy thoái môi trường ven biển và biến đổi khí hậu là những cảnh báo lớn đối với biển và tài nguyên biển. Các nguyên nhân chính được chỉ rõ và trên cơ sở đó, các giải pháp thiết thực, phù hợp với lứa tuổi học sinh đã được truyền đạt và gửi thông điệp đến các em. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến các giải pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng; tích cực tham gia hoạt động bảo vệ đa dạng sinh học và bảo tồn biển; nói không với khai thác, tàng trữ, buôn bán và sử dụng loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; tham gia các hoạt động làm sạch môi trường biển và giảm thiểu rác thải nhựa; trồng rừng ngập mặn; bảo vệ nguồn lợi, thả giống tái tạo và phục hồi nguồn lợi thủy sản.

Quý thầy, cô và các em học sinh nghe giới thiệu về biển và nguồn lợi hải sản ở biển Việt Nam

          Tiếp nối buổi trải nghiệm, quý thầy, cô và các em học sinh được thăm quan và khám phá Bảo tàng sinh vật biển, nơi lưu trữ và trưng bày trên 2.500 mẫu sinh vật biển phục vụ công tác tác nghiên cứu khoa học, đào tạo và giáo dục cộng đồng. Nhiều loài hải sản có kích thước lớn, có đặc điểm hình thái đặc trưng đã làm tăng sự thích thú, tò mò và trí tưởng tượng của các em, điển hình là loài cá nhám voi, cá heo, cá đuối, cá giống sao, cá ó dơi, cá mập, cá mặt trăng, cá cờ, cá kiếm, cá ngừ vây vàng, cá song, cá nóc, vích, đồi mồi, quản đồng, rùa da, trai tai tượng, rắn biển, ốc gáo, ốc tù và …


Hình ảnh tham quan và trao đổi thông tin tại Bảo tàng sinh vật biển

          Dưới sự hướng dẫn của cán bộ nghiên cứu khoa học, các em học sinh tự do trao đổi, thảo luận và được giải đáp những thắc mắc đặc điểm sinh học, sinh thái học của những loài hải sản và một số đặc điểm hình thái đặc trưng, các hiện tượng kỳ thú trong đại dương. Từ đó, các em cùng nhau xây dựng, đề xuất các ý tưởng về các chương trình hành động bảo vệ đa đạng sinh học, môi trường biển và nguồn lợi hải sản biển Việt Nam.

Quý thầy, cô và các em học sinh Trường THCS Lý Tự Trọng chụp ảnh lưu niệm với cán bộ nghiên cứu khoa học của Phòng Nghiên cứu Nguồn lợi Hải sản

          Đây là hoạt động mang ý nghĩa thiết thực đối với quý thầy, cô và các em học sinh Trường THCS Lý Tự Trọng, đặc biệt hưởng ứng tháng hành động với chủ đề “Thiếu nhi chung tay vì môi trường xanh”. Buổi trải nghiệm không chỉ giúp tăng cường giáo dục kỹ năng sống, tính sáng tạo và ý thức bảo vệ tài nguyên, môi trường biển cho các em, mà còn nâng cao tinh thần dân tộc, góp phần bảo vệ chủ quyền an ninh biển, đảo của đất nước trong mỗi chúng ta.

Vũ Thị Hậu