Một sinh viên ở tỉnh Thái Bình trở thành người đầu tiên ở Việt Nam nuôi thành công một loài cá biển có giá trị kinh tế cao trong môi trường nước ngọt và được Trung ương Đoàn TNCS HCM tặng giải thưởng Lương Định Của 2008.

Tay không

 

Ước mơ vào giảng đường ĐH vừa thành hiện thực với vua các vược 28 tuổi. Ảnh: Lã Quý Hưng

Trương Văn Trị sinh ra trong một gia đình công giáo ở xã Nam Chính, một xã ven biển huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Gia đình có bốn anh em. Trị chỉ được học hết lớp 12. Anh chỉ dám thi vào khoa Kỹ thuật Nuôi trồng thủy sản Trường Trung cấp Nuôi trồng Thủy sản Bắc Ninh.

Hai năm học tại trường, Trương Văn Trị trở thành “người nổi tiếng” toàn khóa, toàn trường.

Kỳ 1 năm thứ nhất xếp học lực khá. Còn các kỳ sau đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Lớp trưởng Trị nổi tiếng hát hay, tay đàn giỏi, còn cùng tập thể lớp 44A2 đưa các hoạt động học tập, văn hóa văn nghệ, thể thao phát triển mạnh mẽ, trở thành lớp dẫn đầu.

Và trong lịch sử 20 năm Trường Trung cấp Nuôi trồng Thủy sản Bắc Ninh, Trị trở thành học sinh đầu tiên được kết nạp Đảng tại trường. Sau khi tốt nghiệp, Trị được trường giữ lại làm ở trại thực nghiệm. Thế nhưng anh một mực xin trở lại quê nhà.

Năm 2003, ở tuổi 23, Trương Văn Trị cầm tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi về quê. Tháng 1/2004, ăn tết xong, Trị làm thuê cho một Cty chuyên nuôi tôm. Suốt 5 tháng, ngày nào Trị cũng vác cánh quạt, vác trục sắt nặng 50 - 60 cân. Bữa trưa ăn cơm 2 nghìn đồng/suất, Trị đen thui, gầy nhanh, sức khỏe sa sút. Rồi xây dựng gia đình với hy vọng an cư lạc nghiệp.

Trị ra đảo Cát Bà (Hải Phòng) làm ở Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thuỷ sản 1 với mức lương 950 ngàn đồng/tháng. Đúng nghề, lại làm trong cơ quan nhà nước nhưng lúc nào Trị cũng hướng về quê nhà, mơ tưởng mình sẽ có một khoảnh đất ven biển, không cần lớn lắm nhưng ở đó sẽ xây dựng thành một trại nuôi tôm cá.

Trương Văn Trị đoạt giải ba Hội thi Sáng tạo KHKT Thái Bình, được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng bằng lao động sáng tạo; Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng bằng khen, được tham dự hội nghị thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác đồng bằng sông Hồng, được Trung ương Đoàn TNCS HCM tặng giải thưởng Lương Định Của 2008.

Một hôm, đang làm việc, Trị sực nhớ tới một lần trò chuyện với ông Chủ tịch Xã Nam Cường. Trị điện về. Sau mấy câu đặt vấn đề, ông nhận lời. Ngay chiều hôm đó, Trị xin phép cơ quan về quê. Sáng hôm sau, Trị có mặt ở UBND xã và bản hợp đồng thuê diện tích đất 7.530m2 trong năm năm được xã Nam Cường chấp nhận.

Đứng trước mảnh đất bãi bồi, Trị thấy lạnh hết sống lưng. Có đất rồi, lấy tiền đâu để xây dựng ao hồ, để mua giống, mua thức ăn. Ngay cả bốn triệu đồng thuê đất một năm cũng phải đôn đáo đi vay mới có.

Trị ngồi bệt xuống đất, nhẩm tính, nếu bán cho xí nghiệp gạch nguồn đất này, mình sẽ được một công đôi việc. Thế là Trị lóc cóc đạp xe lên liên hệ với Công ty xây lắp Tiền Hải và đạt được thỏa thuận, đại loại, nếu Trị khai thác và chở đất tận nơi cho họ thì giá là 23 ngàn đồng/m3; còn họ tự khai thác thì giá mua đất là ba ngàn đồng/m3. Thế là có hai chiếc ao, mỗi chiếc rộng 700m2. Trị lấy tiền bán đất thuê máy làm bờ.

Có ao rồi, vấn đề đặt ra là nuôi cá gì, nước ngọt hay nước mặn, nuôi cá thịt hay ương cá giống? Nếu nuôi cá thịt nước ngọt thì diện tích ao phải lớn, vốn liếng chi phí cao, mà hiệu quả lại thấp. Cuối cùng Trị chọn phương án ương cá giống nước mặn. Trị nghĩ ngay đến con cá vược.

Năm 1988, lúc Trị mới 10 tuổi, có lần bố đi biển về bắt được con cá vược, Trị bắt thả vào chậu nước ngọt. Mãi lâu sau nó mới chết. Khi làm việc ở Cát Bà, lúc rỗi, Trị cũng có sang trại nhân giống cá vược nên hiểu sơ qua về nó.

Trị quyết tâm thuần hóa bằng được con cá vược cho quê mình.

Người đầu tiên

Trương Văn Trị (thứ hai từ trái sang) cùng các đồng chí lãnh đạo T.Ư Đoàn và Tỉnh Đoàn Thái Bình

Tháng 2/2006, qua bạn bè, Trị nhập từ Vinh về 10.000 con cá vược có nguồn gốc Thái Lan với giá 2.000 đồng/con. Tổng số tiền mua giống là 20 triệu đồng. Vay khắp nơi, dù bán cả mấy chỉ vàng nhẫn cưới. Mẻ đầu, do chưa biết cách thuần nên một vạn con chỉ còn sống một ngàn con. Cộng cả tiền thức ăn, lỗ 16 triệu đồng.

Trị lại tiếp tục nhập cá giống, nhưng lần này nhập 10.000 con chỉ mất có 12 triệu đồng. Bằng phương pháp mới, lần này tỷ lệ cá vược sống lên được 40 phần trăm. Sau một tháng Trị bán 3.000 con cá giống, để lại 1.000 con nuôi cá thịt, khi bán bình quân 7 lạng 1 con. Đợt này không những hòa vốn mà còn có lời chút đỉnh.

Cuối năm 2006, Trị cho xây bốn bể, mỗi bể hơn khối, để thuận theo công thức thuần hóa cá vược trong môi trường nước ngọt. Lần này Trị lại tiếp tục rút kinh nghiệm về quá trình thả cá và tỷ lệ nước ngọt theo phần trăm. Kết quả tăng lên quá sức tưởng tượng, tỷ lệ con sống tới trên 80 phần trăm.

Tháng 3/2007, Trị tiếp tục nhập 20.000 con cá vược giống kích cỡ 1-2cm của Trung tâm Giống Thủy sản Vũng Tàu. Lần này, với công thức mới và quy trình mới, Trị thuần hóa thành công cá vược sang môi trường nước ngọt không phần trăm độ mặn, tỷ lệ sống tới gần 90 phần trăm.

Như thế, ba năm 2006, 2007, 2008, Trị thuần hóa, đưa ra thị trường trên 120.000 cá vược giống. Do cá vược giống của cơ sở sản xuất Trương Văn Trị được thuần hóa trong môi trường nước ngọt hơn một tháng, khi bán ra thị trường, về các trại nuôi cá thịt, tỷ lệ sống cũng rất cao, tới 80 - 90 phần trăm.

Trên đà thắng lợi, Trương Văn Trị tổ chức khai thác đất bán cho người đóng gạch. Bằng cách này, Trị có cả một hệ thống 7 chiếc ao lớn mà không mất tiền đầu tư. Hơn thế, Trị còn được thêm một lượng gạch để xây hoàn thiện một ngôi nhà 2 tầng cho vợ con ở trong làng, xây được 40m2 làm văn phòng trang trại. Năm 2008, Trương Văn Trị thành lập Công ty TNHH Hải Long với tâm niệm xây dựng thương hiệu cá vược Hải Long.

Sau gần ba năm, Trương Văn Trị có một trang trại nuôi cá vược giống, xây được nhà trong, nhà ngoài tổng giá trị lên tới gần tỷ đồng. Trị còn có 3 vạn cá giống và ngót một tấn cá thịt. Trị cũng tổ chức mua lại sản phẩm cá vược cho người nuôi, xây dựng cửa hàng bán cá vược thương phẩm tại Thành phố Thái Bình.

Trương Văn Trị trở thành người đầu tiên ở nước ta thuần hóa được cá vược trong nước ngọt.

Trương Văn Trị dự kiến mở rộng quy mô, xây dựng trang trại mới 3,5 ha cũng tại xã Nam Cường, sản xuất cá vược, cá bớp, cá song giống theo quy trình công nghệ mới mang lại giá trị kinh tế cao. Trị cũng vừa ký hợp đồng cung cấp, bao tiêu sản phẩm cho 100ha nuôi cá vược của huyện Tiên Lãng (Hải Phòng).

Đầu năm 2009, Trương Văn Trị thi đỗ trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội mở tại trường CĐKT-KT Thái Bình. Mơ ước bước chân vào giảng đường đại học thành hiện thực với chàng trai quê biển giàu nghị lực và khát khao sáng tạo.

Nếu nuôi ghép với một số cá nước ngọt như cá trôi, mè, chép, rô phi..., phân thải và thức ăn dư thừa (nguồn cá biển) của cá vược lại là thức ăn chính cho các loài cá thả ghép. Trị nhận thấy nuôi cá vược trong nước ngọt nhanh lớn hơn nuôi ở nước mặn (hơn 1,3 đến 1,5 lần). Trị đã nuôi được cá vược nặng trên 10kg.

Cá vược là mặt hàng đặc sản, thịt thơm ngon, không xương dăm, xương ngang, không một loài cá nước ngọt nào sánh được, hiệu quả kinh tế gấp 3-4 lần cá nước ngọt. Giá lúc thấp nhất là 60 ngàn đồng/cân, cao nhất là 120 ngàn đồng/cân.

Lã Quý Hưng (Nguồn vietlinh)