Tại một cuộc hội thảo mới đây, các nhà khoa học, lãnh đạo các tỉnh và những người nông dân có nhiều kinh nghiệm đã chỉ ra rằng: Trong 5 năm gần đây, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã có thêm 27.000ha đất sản xuất lúa kém hiệu quả được chuyển sang nuôi trồng thuỷ sản, tăng tổng diện tích lên hơn 600.000ha, đã mang lại lợi ích cho phát triển kinh tế của vùng.
Tuy nhiên, vẫn còn bất cập về ô nhiễm môi trường từ các chất tồn dư của vật tư nông nghiệp, bùn thải từ chất phân của các loài thuỷ sản, các nguồn thức ăn trong quá trình nuôi dư thừa bị thối rữa, phân huỷ. Bên cạnh đó, 400 nhà máy chế biến thuỷ sản hàng năm đã thải ra hơn 456 triệu mét khối bùn thải và chất thải nuôi trồng thủy sản, không chỉ ảnh hưởng đến nguồn nước nuôi gây dịch bệnh khó trị cho nhiều loài thuỷ sản mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng. Trong khi đó khu vực ĐBSCL chỉ xử lý nguồn nước nuôi thủy sản bằng hai hệ thống công nghệ xử lý chính là bể tuyển nổi áp lực (DAF) và bùn hoạt tính.
Nhiều kỹ thuật được xem xét cho thấy phần lớn chất lượng nước sau khi xử lý chưa đạt tiêu chuẩn nên hội thảo đã đưa ra nhiều giải pháp khắc phục trước mắt và lâu dài từ kinh nghiệm của Nhật Bản. Đó là cần quan tâm đến mật độ nuôi phù hợp và sử dụng triệt để nguồn thức ăn trong quá trình nuôi nhằm giảm tối đa lượng thức ăn dư thừa, đây là nguồn hữu cơ dinh dưỡng chủ yếu gây ô nhiễm môi trường nước. Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Luận – Công ty Mêkông thành phố Hồ Chí Minh thì, không cần đào ao xử lý mà nên sử dụng hệ thống bồn xử lý di động. Sau khi đưa nước và bùn ở đáy ao lên sẽ tách bùn cặn mang phơi khô rồi chế biến thành phân hữu cơ vi sinh sạch, chất lượng cao phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và hoàn lưu nước đã xử lý trở lại ao nuôi. Riêng với ao nuôi cá Tra, loại chiếm sản lượng cao nhất hiện nay ở các tỉnh khu vực ĐBSCL thì cần xử lý ao nuôi bằng việc ứng dụng hồ sinh học thổi khí từng phần gồm hai hồ xử lý nước thải và chứa bùn thải để xử lý. Còn kinh nghiệm của tỉnh An Giang thì phải đi kèm với quy hoạch vùng nuôi, quản lý, kiểm soát chặt chẽ từ khi quy hoạch vùng nuôi, địa điểm, con giống và quá trình nuôi, nhất là phải liên kết từ nguồn gốc đến bàn ăn.
Nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu thuỷ sản là thế mạnh của khu vực ĐBSCL nhưng cần phải phát triển bền vững, việc xử lý môi trường nuôi trồng và chế biến không thể chủ quan như hiện nay.
VASEP Editor