Theo một nghiên cứu mới đăng trên Thư viện Cộng đồng về Khoa học (PLoS One), tổng thiệt hại mà thế giới phải gánh chịu từ việc đánh bắt cá bất hợp pháp được ước tính từ 10 đến 23,5 tỷ USD mỗi năm. Một trong những nguyên nhân quan trọng được nhóm tác giả viện dẫn là cơ chế giám sát thi hành pháp luật còn yếu kém ở các nước đang phát triển.
Dựa vào số liệu từ 54 nước, David J. Agnew ở trường Cao đẳng Hoàng gia London và cộng sự ước tính tổng khối lượng cá bị đánh bắt bất hợp pháp, không được báo cáo và không được quản lý trên thế giới hàng năm vào khoảng 11 đến 26 triệu tấn. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng có mối quan hệ chặt chẽ giữa mức độ đánh bắt cá bất hợp pháp, không được báo cáo với các chính sách của chính phủ, mặc dù nhóm tác giả không có ý rằng các nước đang phát triển với những chính sách hạn chế của mình phải chịu trách nhiệm về tình trạng đánh bắt cá trái phép.
Tuy nhiên, số liệu thu thập cho thấy một điều rõ ràng là những nước này là nơi mà các hành động bất hợp pháp dễ dàng thực hiện. Ví dụ ở Châu Phi, rất nhiều bờ biển quốc gia cho phép các tàu thuyền đến từ các nước khác như Trung Quốc, Triều Tiên, Hàn Quốc và Nga… hoạt động trên hải phận của họ và đã có những dấu hiệu đánh bắt cá bất hợp pháp từ rất nhiều những con thuyền lạ.
Đánh bắt cá bất hợp pháp là hành động nhanh chóng dẫn đến cạn kiệt nguồn tài nguyên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển và các quần thể sinh vật biển. Đánh bắt cá ngừ trái phép ở Địa Trung Hải góp phần mạnh mẽ đẩy nhanh tốc độ suy giảm của loài này và cũng thể hiện sự bất lực của EU trong việc kiểm soát các hành động bất hợp pháp ở vùng biển phía Bắc.
Nghiên cứu cũng cho thấy có sự tương ứng giữa những ước tính về hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và những con số về sự suy giảm các quần thể ở những khu vực đó.
Yến Trang (Theo Mongabay.com, thiennhien.net)