Biển là một "cỗ máy điều hòa nhiệt độ" khổng lồ, có tác dụng điều chỉnh cân bằng nhiệt độ đất liền và làm dịu các ảnh hưởng khốc liệt của thời tiết khí hậu đối với vùng đất. Biển cũng là môi trường sinh cư của các loài thủy sinh vật biển và của chính con người. Tuy nhiên, môi trường biển nước ta hiện đang có dấu hiệu bị ô nhiễm và suy thoái.

Môi trường sống của các loài

Ðến nay, trong vùng biển nước ta đã phát hiện được chừng 11.000 loài sinh vật cư trú trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình. Chúng thuộc về chín vùng đa dạng sinh học (ÐDSH) biển khác nhau, trong đó ba vùng biển Móng Cái - Ðồ Sơn, Hải Vân - Ðại Lãnh và Ðại Lãnh - Vũng Tàu có mức ÐDSH cao hơn các vùng còn lại.

Các hệ sinh thái (HST) biển và ven biển có các giá trị dịch vụ rất quan trọng như điều chỉnh khí hậu và điều hòa dinh dưỡng trong vùng biển thông qua các chu trình sinh địa hóa; là nơi cư trú, sinh đẻ và ương nuôi ấu trùng của nhiều loài thủy sinh vật không chỉ ở ngay vùng bờ mà còn từ ngoài khơi vào theo mùa, trong đó có nhiều loài đặc hải sản.

Các HST có năng suất sinh học cao như rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn, vùng triều cửa sông, đầm phá và vùng nước trồi thường phân bố tập trung ở vùng bờ và quyết định hầu như toàn bộ năng suất sơ cấp của toàn vùng biển và đại dương phía ngoài. Khoản lợi nhuận thuần có thể thu được từ các HST biển và ven biển của Việt Nam sơ bộ ước tính là 60-80 triệu USD/năm, tức khoảng 56-100 USD/năm cho một gia đình cư dân sống ở các huyện ven biển.

Do nằm trong đới chuyển tiếp giữa lục địa và biển, nên ba hệ sinh thái tiêu biểu cho biển nhiệt đới rừng ngập mặn, rạn san hô và thảm cỏ biển có quan hệ mật thiết và tương hỗ cho nhau, tạo ra những "dây xích sinh thái" quan trọng trong biển và vùng ven bờ. Một mắt xích trong số chúng bị tác động sẽ ảnh hưởng đến các mắt xích còn lại. Trên thực tế, ít ai nghĩ đến việc phá rừng ngập mặn trên vùng triều ven biển lại có ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi sinh vật trong rạn san hô và cỏ biển ở dưới biển sâu hơn. Mất các hệ sinh thái này, biển nước ta có nguy cơ sẽ trở thành "thủy mạc", không còn tôm cá nữa.

Biển và vùng ven bờ là đối tượng khai thác của nhiều ngành kinh tế và cộng đồng ven biển nước ta, nhưng trước hết đây là nơi cung cấp đa dạng sinh học - cơ sở tài nguyên quan trọng đối với thủy sản, góp phần đưa nước ta trở nên thành một quốc gia có tiềm năng phát triển thủy sản vững mạnh. Thời gian qua, khoảng 80% lượng thủy sản khai thác đã được cung cấp từ vùng biển ven bờ và đã đáp ứng khoảng gần 40% lượng protein cho người dân. Năm 2002, khai thác ven bờ đạt khoảng 1.434.800 tấn, đã góp phần đưa ngành thủy sản nước ta đạt mốc kim ngạch xuất khẩu 2 tỷ USD, đứng vị trí thứ ba cả nước.


Nguy cơ ô nhiễm biển

Tuy nhiên, môi trường biển nước ta hiện đang có dấu hiệu bị ô nhiễm và suy thoái. Báo cáo hiện trạng môi trường năm 2003 trình Quốc hội đã chỉ ra rằng: Chất lượng môi trường biển và vùng ven bờ tiếp tục suy giảm theo chiều hướng xấu. Môi trường vùng nước ven bờ đã bị ô nhiễm dầu, kẽm và chất thải sinh hoạt. Còn chất rắn lơ lửng như Si, NO3, NH4 và PO4 cũng ở mức đáng lo ngại. Chất lượng trầm tích đáy biển ven bờ - nơi cư trú của nhiều loài thủy hải sản - cũng bị ô nhiễm. Hàm lượng hóa chất bảo vệ thực vật chủng an-đrin và en-đrin trong các mẫu sinh vật đáy ở các vùng cửa sông ven biển phía bắc đều cao hơn giới hạn cho phép. Ða dạng sinh học động vật đáy ở ven biển miền bắc và thực vật nổi ở miền trung suy giảm rõ rệt.

Lượng hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trong cơ thể các loài thân mềm hai mảnh vỏ được xác định cao nhất tại Sầm Sơn và cửa Ba Lạt (11,14 - 11,83 mg/kg thịt ngao), thấp nhất tại Trà Cổ (1,54 mg/kg). Các chất an-đrin, en-đrin, đi-e-đrin, đặc biệt là an-đrin và en-đrin có ở hầu hết các mẫu phân tích, biến đổi từ 0,12 đến 3,11 mg/kg.

Hiện tượng thủy triều đỏ cũng đã xuất hiện ở nước ta từ tháng 6 đến trung tuần tháng 7 âm lịch tại vùng biển nam trung bộ, đặc biệt là tại Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Năm 2002, thủy triều đỏ xuất hiện khá nhiều ở nam trung bộ. Hơn 30 km bãi biển từ Cà Ná đến Long Hương nhầy nhụa những bột báng màu xám đen dày cả tấc, trộn với xác chết của sinh vật tạo nên mùi hôi thối. Khối nhầy trong suốt bao quanh một số loài vi tảo biển là nguyên nhân làm cho nước biển đặc quánh như cháo.

Thiệt hại gây ra do thủy triều đỏ rất lớn. Nhiều chủ ngư trại tôm và cá mú trắng tay do tất cả các sản phẩm trong ao đều chết; các rạn san hô ven bờ bị chết trắng... Chỉ tính riêng các ngư trại huyện Tuy Phong đã bị thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Ðó là chưa tính đến những thiệt hại về môi trường sinh thái trước mắt và lâu dài. Trong vùng biển ven bờ nước ta đã phát hiện được khoảng 8-16 loài vi tảo biển gây hại tiềm năng với mật độ hơn 2 x 104 tế bào/lít. Hiện tượng thủy triều đỏ cũng xảy ra ở vùng biển Bình Thuận đã tiêu diệt tôm, cua, cá, san hô, rong cỏ biển. Chỉ trong tháng 7-2002, tảo nở hoa ở biển Nha Trang đã làm chết một số cá, ước tính gây thiệt hại khoảng 10 tỷ đồng. Năm 2003, hiện tượng thủy triều đỏ ở vùng biển Ninh Thuận, hiện tượng bùng nở tảo ở Nha Trang và Ðà Nẵng vẫn tiếp tục được ghi nhận.

Do phát triển kinh tế, đa dạng hóa các đối tượng nuôi (ngao, sò, tôm, cá nước lợ...), cùng với việc khai thác gỗ củi bừa bãi khiến cho diện tích rừng ngập mặn ngày càng bị thu hẹp, môi trường rừng bị suy thoái và nguồn lợi thủy sản ven biển bị cạn kiệt. Tốc độ mất rừng ngập mặn do các hoạt động sản xuất trong giai đoạn 1985-2000 ước khoảng 15.000 ha/năm. Do mất rừng ngập mặn, số lượng sinh vật phù du và sinh vật đáy làm thức ăn cho các loài thủy sản bị giảm đi đáng kể, dẫn đến tình trạng năng suất tôm nuôi quảng canh ngày một kém. Theo ước tính, trước đây cứ 1 ha rừng ngập mặn có thể khai thác được 700-1.000 kg thủy sản, nhưng hiện nay chỉ thu được 1/20 so với trước đây. Từ năm 2001, do người dân thay đổi nhận thức, nên hiện tượng phá rừng có phần giảm hơn thời gian trước. Thậm chí, nhiều địa phương đã thực hiện dự án phục hồi rừng ngập mặn bằng cách hạn chế khai thác cây ngập mặn và trồng mới rừng.

Ðặc biệt, mặc dù rạn san hô đóng vai trò quan trọng đối với môi trường biển Việt Nam, nhưng hệ sinh thái này đang bị khai thác quá mức bằng các phương tiện mang tính hủy diệt như đánh mìn, sử dụng hóa chất độc để đánh bắt hải sản sống trong rạn. Khai thác san hô làm vôi và đồ vật lưu niệm cho du khách khiến cho rạn bị suy thoái nghiêm trọng. Viện Tài nguyên thế giới đã cảnh báo 80% rạn san hô biển Việt Nam nằm trong tình trạng rủi ro, trong đó 50% ở tình trạng rủi ro cao. Tình trạng trên cũng diễn ra tương tự với hệ sinh thái thảm cỏ biển.

Chất lượng môi trường biển thay đổi, các nơi cư trú tự nhiên của loài bị phá hủy cũng đã gây ra tổn thất lớn về đa dạng sinh học vùng bờ; giảm số lượng loài, một số loài bị tiêu diệt... dẫn đến giảm năng suất khai thác tự nhiên ở vùng biển. Ðã có khoảng 85 loài hải sản có mức độ nguy cấp khác nhau, trong đó có nhiều loại vẫn đang là đối tượng bị tập trung khai thác và trên 70 loài đã được đưa vào sách đỏ Việt Nam.

Nguồn lợi hải sản ở vùng biển gần bờ có dấu hiệu bị khai thác quá mức. Tổng sản lượng đánh bắt hải sản không ngừng tăng, nhưng sản lượng của một đơn vị đánh bắt hay hiệu suất khai thác (tấn/CV năm) hoặc giữ nguyên hoặc giảm: từ 0,92 xuống 0,48 tấn/CV năm. Tỷ lệ cá tạp trong một mẻ lưới ngày càng tăng; Nguồn lợi hải sản có xu hướng giảm dần về trữ lượng, sản lượng và kích thước cá đánh bắt; trong vòng 10 năm (1984-1994) đã giảm tới trên 30% trữ lượng cá đáy. Ngoài ra, nguồn giống hải sản tự nhiên cũng giảm sút nghiêm trọng so với trước đây.

Thực tế này đang đòi hỏi những nỗ lực của các nhà môi trường biển, cũng như những chủ trương, chính sách hợp lý từ phía quản lý Nhà nước của các cấp chính quyền Việt Nam.

GS, TS NGUYỄN CHU HỒI (Theo Nhân dân, Sinh học Việt Nam)