Theo tin từ UBND TP. Đà Nẵng, trong 6 tháng đầu năm 2007, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ của Đà Nẵng ước đạt 370 triệu USD, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng mới đạt gần 49% kế hoạch năm. Xuất khẩu hàng dệt may tăng 39,2% nhưng xuất khẩu thuỷ sản lại giảm 14,4% khiến kim ngạch xuất khẩu của Đà Nẵng 6 tháng qua chưa đạt kế hoạch

Theo đánh giá của UBND TP. Đà Nẵng, kim ngạch xuất khẩu của TP tăng cao do VN trở thành thành viên của WTO từ đầu năm 2007 và việc Hoa Kỳ chính thức trao quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn cho VN đã góp phần tạo môi trường xuất khẩu thuận lợi hơn, giúp các doanh nghiệp ký kết được nhiều hợp đồng xuất khẩu. Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp ngoài quốc doanh mới ra đời và tham gia xuất khẩu ở Đà Nẵng cũng ngày càng nhiều. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản phẩm chủ lực của TP bước đầu tạo điều kiện nhất định cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất.

Tuy nhiên, UBND TP. Đà Nẵng cũng cho hay, trong 6 tháng qua, một số mặt hàng xuất khẩu thuộc nhóm sản phẩm chủ lực của TP giảm mạnh so với cùng kỳ, như thuỷ sản giảm 14,4% (Seaprodex miền Trung giảm gần 50%, Công ty Cổ phần Thuỷ sản - Thương mại Thuận Phước giảm 5-10%...); giày các loại giảm 40,3% (Công ty Quốc Bảo giảm 35%, Công ty Hữu Nghị giảm 38%...).

Nguyên nhân chính là các mặt hàng này gặp khó khăn về nguyên liệu, hoặc bị các rào cản kỹ thuật, kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm gắt gao (thuỷ sản), bị áp thuế chống bán phá giá (giày)… Chính sự sút giảm của nhóm hàng này khiến kim ngạch xuất khẩu của Đà Nẵng trong 6 tháng qua tuy tăng khá nhưng chỉ mới đạt 48,9% kế hoạch năm. Đồng thời khiến giá trị sản xuất công nghiệp của TP chỉ đạt 42,9% kế hoạch năm, tăng 11,7% so với cùng kỳ trong khi kế hoạch đề ra cho năm 2007 phải tăng 18,5%!

Trước tình hình này, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP. Đà Nẵng vừa kiến nghị UBND TP tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế của TP nhằm tạo ra bước phát triển căn bản của sản xuất công nghiệp và dịch vụ. Rà soát lại danh mục và nhất là các chính sách cụ thể đối với các sản phẩm công nghiệp chủ lực.

Theo đánh giá của ban này, Đà Nẵng đã thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư và thành lập doanh nghiệp theo cơ chế một cửa liên thông, nhưng sau cấp phép cần rút ngắn quy trình thủ tục hành chính trung gian trong tham mưu, đề xuất và giải quyết kịp thời các kiến nghị của doanh nghiệp.

Mặt khác, cần chú ý đánh giá việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp; có biện pháp đẩy mạnh công tác cổ phần hoá theo đúng tiến độ, đồng thời chú ý hiệu quả sau cổ phần hoá. Thúc đẩy nhanh các dự án đang thi công, có cơ chế hợp lý khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trang thiết bị, công nghệ tiên tiến để tạo tiền đề cho phát triển công nghiệp và dịch vụ, trong đó cần quan tâm đúng mức các dự án khai thác tiềm năng kinh tế biển của TP.

Điểm mấu chốt, theo kiến nghị của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP. Đà Nẵng, là TP cần có những giải pháp mang tính đột phá nhằm tạo môi trường đầu tư thật sự hấp dẫn, nhất là đối với các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp từ các nơi khác đến Đà Nẵng làm ăn.

Hải Châu

Theo www.vasep.com.vn