Tham dự Hội thảo có lãnh đạo Cục Thủy sản và các đơn vị trực thuộc Cục, Vụ Khoa học Công nghệ Môi trường – Bộ Nông nghiệp và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy sản thành phố Hải Phòng, Viên Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản, Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản; Chi cục Thủy sản các tỉnh/thành phố khu vực phía Bắc, các chuyên gia trong bảo vệ môi trường cùng các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu thủy sản.
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản; Ông Nguyễn Ngọc Tuất, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ông Nguyễn Khắc Bát, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hải sản đã đồng chủ trì Hội nghị.
Chế biến thủy sản đã và đang phát triển nhanh chóng, góp phần vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế đất nước, trong đó công nghiệp chế biến thủy sản đã làm thay đổi cơ cấu hàng xuất khẩu và làm tăng kim ngạch xuất khẩu, thúc đẩy sản xuất thủy sản phát triển tạo ra nguồn cung cấp nguyên liệu cho chế biến, góp phần thay đổi diện mạo bộ mặt nông thôn và hội nhập thành công với thế giới, mở mang thị trường tiêu thụ, nâng cao vị thế của ngành thủy sản Việt Nam. Năm 2022, ngành thủy sản xuất sắc lập kỷ lục xuất khẩu 11 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay, đưa Việt Nam trở thành 1 trong 3 nước XK thủy sản lớn nhất thế giới (sau Trung Quốc và Na Uy).
Với vị thế đó, ngành CBTS cũng sẽ có những tác động nhất định đến môi trường. Mỗi loại hình chế biến sẽ có những tác động đến môi trường ở những góc độ, mức độ khác nhau. Để phát triển ngành thủy sản một cách bền vững, Đề án Bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất thủy sản đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 911/QĐ-TTg đã đặt ra các mục tiêu và các giải pháp tổng thể quản lý lĩnh vực môi trường trong lĩnh vực thủy sản. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án Phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021-2030 tại Quyết định số 1408/QĐ-TTg. Để hiện thực hóa các mục tiêu và giải pháp nhiệm vụ trong 02 Đề án trên , Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và các cơ quan cơ liên quan tổ chức thực hiện Đề án.
Phát biểu tại Hội nghị, Ông Trần Đình Luân cho biết, trong những năm qua ngành Thủy sản đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đóng góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân, tạo sinh kế, công ăn việc làm cho hàng triệu người dân.
Tuy nhiên, quá trình phát triển đã bộc lộ những vấn đề cần phải được giải quyết như: Quy hoạch hạ tầng sản xuất; Vấn đề chất lượng môi trường; an toàn vệ sinh thực phẩm;Ứng dụng khoa học công nghệ; chất lượng sản phẩm, rào cản thị trường xuất khẩu…Chính vì vậy, Đề án Bảo vệ môi trường; Đề án Phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021-2030 là căn cứ, cơ sở rất quan trọng để ngành thủy sản tổ chức thực hiện góp phần giải quyết những vấn đề nêu trên, giúp ngành thủy sản phát triển một cách bền vững trong thời gian tới. Để thực hiện có hiệu quả, cần huy động tối đa nguồn nhân lực từ nguồn kinh phí, năng lực quản lý, kinh nghiệm của các nước tiên tiên trên thế giới, của các chuyên gia, doanh nghiệp và người dân… để đề ra các giải pháp cụ thể, sát với thực tế, giải quyết những bất cập của ngành đang gặp phải hiện nay.
Để thực hiện nhiệm vụ này, Cục Thủy sản đã tham mưu Bộ ban hành Quyết định số 1527/QĐ-BNN-TCTS ngày 27/4/2022 nhằm cụ thể hóa các nội dung, nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và Cục Thủy sản được giao là đơn vị đầu mối của Bộ tổ chức thực hiện.Năm 2023 cũng là năm đầu tiên Cục Thủy sản sẽ tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Đề án tại một số địa phương, ông Luân cho biết. Ông Luân đề nghị các đại biểu, tập trung thảo luận những vấn đề cấp bách đang gặp phải và đề xuất các giải pháp chính sách quản lý, giải pháp triển khai các nội dung của Đề án để triển khai có hiệu quả.
Phát biểu tại Hội nghị Ông Nguyễn Ngọc Tuất cho biết, Hải phòng có tiềm năng lợi thế lớn về phát triển kinh tế biển, theo định hướng phát triển trong giai đoạn tới Hải Phòng sẽ đẩy mạnh phát triển kinh tế biển gắn với chế biến tiêu thu sản phẩm. Do đó việc phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ môi trường đã được Hải Phòng rất quan tâm nhằm đưa kinh tế biển phát triển một cách bền vững, có hiệu quả. Trong đó, cần tập trung nguồn lực để phát triển hạ tầng nuôi trồng chế biến thủy sản đáp ứng với điều kiện bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là một trong giải pháp được đặt lên hàng đầu.
Hiện Thành phố Hải phòng cũng đang hoàn thiện quy hoạch chung của Thành phố, trong đó có nội dung về phát triển kinh tế biển, quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản, vùng nguyên liệu phục vụ chế biến thủy sản, chính vì vậy hội thảo sẽ giúp Hải Phòng hoàn thiện bản Quy hoạch.
Nguồn nhân lực trong ngành thủy sản thiếu hụt trầm trọng
Phát biểu tại Hội thảo Ông Nguyễn Hữu Miền - Chủ tịch HĐQ- Giám đốc Công ty CP Chế biến thuỷ sản Hạ Long, cho biết cần tập trung quy hoạch đồng bộ khu vực nuôi trồng, sản xuất đánh bắt và chế biến thủy sản, xây dựng chính sách ưu đãi thu hút các doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả, tạo công ăn việc làm cho người dân, doanh nghiệp.
Ngoài ra, xây dựng vùng nguyên liệu, vùng nuôi đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào cho các doanh nghiệp chế biến sản xuất đáp ứng yêu cầu chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm của thị trường xuất khẩu.
Bên cạnh đó, các Bộ, ngành, địa phương cần tổ chức hướng dẫn, hội thảo toàn bộ chuỗi sản xuất cho người dân, doanh nghiệp…để nắm bắt những quy trình sản xuất, quy chuẩn, tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu thị trường, sản xuất các sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn vệ sinh môi trường để phát triển bền vững.
Đẩy mạnh nghiên cứu phổ biến, ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ cao cho các doanh nghiệp, người dân để nâng cao giá trị gia tăng trong sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất. Bên cạnh đó, cần ưu tiên nguồn lực hằng năm hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân, cán bộ đi học tập nghiên cứu, học hỏi các mô hình tiên tiến của các nước để các doanh nghiệp, người dân ứng dụng.
Tập trung nghiên cứu giải pháp, hỗ trợ đào tạo nguồn lực cho ngành nông nghiệp nói chung, cho sản xuất chế biến trong lĩnh vực thủy sản nói riêng đảm bảo nguồn nhân lực để phát triển sản xuất.
Ngoài ra, tại Hội nghị đại diện các công ty sản xuất, chế biến và xuất khẩu tham dự hội thảo đều cho rằng hiện nay nguồn nhân lực lao động cho ngành chế biến xuất khẩu thủy sản rất thiếu hụt trầm trọng. Hiện tại, Công ty có nhu cầu tuyển dụng nguồn lao động có tay nghề, am hiểu về ngành nhưng tìm không ra. Chính vì vậy công ty chỉ tuyển dụng được các lao động vùng cao, không được đào tạo qua trường lớp nào, không trình độ tay nghề do đó công ty tuyển dụng vào sẽ mất thời gian đào tạo ngay từ đầu ‘cầm tay chỉ việc’ sau đó làm được một thời gian chuyển chổ làm việc lĩnh vực khác. Điều này khiến cac doanh nghiệp loay hoay rất mất thời gian, tốn chi phí, không đáp ứng kịp tiếp độ các đơn hàng của khách hàng, đặc biệt trong thời gian cao điểm mùa vụ nhất là mùa Lễ, Tết sắp tới. Các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu thủy sản đang rất đau đầu về vấn đề nguồn lao động.
Ngoài ra, các đại biểu cho rằng cần có những giải pháp xử lý nguồn nước thải tập trung từ các nhà máy chế biến thủy sản để xử lý đáp ứng yêu cầu xả thải theo quy định, tận dụng tối đa những phụ phẩm để sản xuất các loại bột cá, dầu cá… để giảm tối đa chất thải ra môi trường, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Ông Trần Đình Luân yêu cầu các đơn vị chuyên môn tiếp thu những ý kiến góp ý của các đại biểu để tham mưu xây dựng chính sách phù hợp nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách đang gặp phải của các địa phương, doanh nghiệp và người dân trong bảo vệ môi trường lĩnh vực thủy sản.
Tăng cường cao nhận thức cho người dân doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Các đơn vị phối hợp các địa phương tổ chức các Hội thảo, Hội nghị nhằm phổ biến cho các địa phương doanh nghiệp, triển khai có hiệu quả các giải pháp trong Đề án đã được phê duyệt.
Văn Thọ
(Nguồn: Tổng Cục Thủy sản)