Sau 02 tháng thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống Covid 19, tàu cá của địa phương đã được ra khơi bám biển theo kế hoạch 142/KH-UBND ngày 20/09/2021 của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Để được phép ra khơi đánh bắt, ngư dân phải đáp ứng các quy định về phòng chống dịch như: đảm bảo kiểm soát được dịch bệnh và an toàn phòng, chống dịch; chủ tàu cá đăng ký với huyện để tổng hợp danh sách, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ đội Biên phòng tỉnh,…để xét duyệt đủ điều kiện cho tàu cá xuất bến đi biển,…
Một trong những địa phương thực hiện kế hoạch sớm nhất là Thị trấn Phước Hải (huyện Đất Đỏ) với hơn 650 thuyền nan, thúng máy với hơn 1.000 ngư dân được tỉnh cho phép đánh bắt trở lại. Sáng ngày 20/09, đã có hàng trăm thuyền thúng của ngư dân thị trấn Phước Hải vui mừng, háo hức ra khơi sau hơn 2 tháng thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt để phòng, chống dịch Covid-19.
Ra khơi trong niềm vui, sự nô nức nhưng ngư dân ở thị trấn Phước Hải vẫn phải thực hiện nghiêm các yêu cầu về phòng chống dịch Covid-19, ngư dân được chính quyền sở tại hướng dẫn, các thuyền viên, thuyền trưởng, chủ tàu vẫn luôn đảm bảo thực hiện 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Đặc biệt, việc tiếp xúc khi bán sản phẩm cho các nậu vựa, chợ, các chủ đầu mối… các ngư dân đều phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định giãn cách xã hội.
Qua khảo sát nhanh bằng điện thoại đối với ngư dân thị trấn Phước Hải nhận thấy sản lượng hải sản khai thác được của từng thuyền nan, thúng máy cũng khá cao đạt từ 30-100kg/chuyến. Thành phần đánh bắt chủ yếu là cá mai, cá bạc má, ghẹ, mực nang,…; do đánh bắt gần bờ nên bà con ngư dân chỉ đi về trong ngày. Số lượng thủy, hải sản đánh bắt được bán ngay cho các đầu mối thu mua tại bãi hoặc được ngư dân mang vào chợ bán trực tiếp cho người dân trong khu vực. Giá bán các loại cá giao động từ 15.000đ – 30.000đ/kg, ngư dân thu nhập từ 5 – 10 triệu đồng/chuyến/ngày. Theo ý kiến chia sẻ của ngư dân Trần Thanh Tiến cho biết: “hơn 2 tháng thực hiện theo chỉ thị 16 phòng chống dịch Covid 19 gia đình cũng gặp khó khăn về tài chính, nhưng khi nghe tin UBND huyện đã cho mở biển lại, bản thân Ông Tiến và bà con ngư dân rất vui mừng và phấn khởi, được đi biển trở lại thì bà con cũng có đủ chi phí để sinh hoạt hàng ngày cho gia đình; chuyến biển đầu tiên sau thời gian giãn cách Ông Tiến bán được hơn 5 triệu tiền cá, nên rất vui vì đã có thu nhập để lo cho gia đình”. Một ý kiến khác của ngư dân Lê Văn Quý chia sẻ: “nghe tin chính quyền địa phương cho mở biển trở lại sau những ngày giãn cách, tôi và bà con ngư dân không giấu được niềm vui sướng và háo hức được đi biển trở lại. Bà con nơi đây là dân biển, gắn bó bao năm với nghề mà tình hình dịch không ra biển được bà con rất buồn. Giờ chính quyền cho đi biển lại họ rất vui, bà con được cấp thẻ đi ngày chẵn, ngày lẻ và luôn luôn chấp hành nghiêm theo chỉ thị phòng chống dịch Covid-19, thực hiện 5K, đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc”,…;
Theo thông tin chúng tôi thu thập được từ các ngư dân, sản lượng đánh bắt tăng đáng kể sau hơn 2 tháng cấm biển; đây là một tín hiệu đáng mừng đối với bà con ngư dân. Phải chăng, đây là thông tin quan trọng cho các cơ quan nghiên cứu, cơ quan quản lý đánh giá mức độ phục hồi nguồn lợi hải sản sau thời gian giãn cách xã hội, qua đó làm cơ sở khoa học cho các nghiên cứu về cấp hạn ngạch khai thác, phân định vùng đánh bắt, khu vực cấm khai thác,…nhằm bảo tồn nguồn lợi hải sản hướng đến phát triển nghề cá biển theo hướng phát triển bền vững.
Võ Thị Thanh Vân
Phân Viện nghiên cứu Hải sản phía Nam
(Nguồn: Tổng Cục Thủy sản)