Hàng loạt DN xuất khẩu tôm sang thị trường Nhật đang kêu cứu tới cơ quan chức năng rằng, nếu không kiểm soát được từ khâu nuôi thì nguy cơ họ “buông tay” với thị trường Nhật là hiển hiện.
Việc kêu cứu này sau khi Nhật nâng mức kiểm tra các lô hàng lên 100%. Đáng lưu ý, Nhật là thị trường mà kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt lớn nhất. Xuất khẩu tôm có tỉ trọng cao nhất trong tổng giá trị xuất khẩu thuỷ sản của cả nước...
DN muốn buông thị trường Nhật?
Theo Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho đến nay, Nhật Bản đã kiểm tra 100% các lô hàng tôm nhập khẩu từ Việt Nam đối với chất trifluralin và 30% đối với chất enrofloxacin. Nguyên do bởi đầu tháng 6.2011, hệ thống cảnh báo nhập khẩu của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã thông báo phát hiện 2 lô tôm nhập khẩu từ Việt Nam có dư lượng kháng sinh vượt ngưỡng cho phép, trong đó 1 lô bị nhiễm enrofloxacin với nồng độ 0,03 ppm.
Theo quy định về kiểm soát nhập khẩu của Nhật Bản, nếu chỉ thêm 1 lô tôm của Việt Nam bị phát hiện có dư lượng enrofloxacin thì hệ thống sẽ tự động nâng mức kiểm soát chỉ tiêu này lên 100%.
Điều này đã khiến các DN xuất khẩu tôm Việt Nam lo ngại. Bởi hiện nay theo quy định của Nhật Bản, mức dư lượng enrofloxacin (bao gồm cả chất chuyển hóa ciprofloxacin) trong sản phẩm thủy sản được quy định là không phát hiện.
Phương pháp phân tích được quy định là HPLC (có giới hạn phát hiện enrofloxacin/ciprofloxacin là 0,01 mg/kg), trong khi tại thông tư số 15/2009/TT-BNN ngày 17.3.2009 của Bộ NNPTNT ban hành danh mục thuốc, hoá chất, kháng sinh cấm sử dụng, hạn chế sử dụng vẫn có tên enrofloxacin trong danh mục thuốc, hóa chất, kháng sinh hạn chế sử dụng trong kinh doanh, sản xuất thủy sản với hàm lượng giới hạn là 0,1 ppm. Điều này sẽ gây khó khăn cho DN vì khó kiểm soát được đầu vào hoặc gây thiệt hại lớn cho DN khi phải đầu tư quá lớn vào khâu tự kiểm.
“Nhiều DN phản ánh rằng, chất kháng sinh xuất phát từ khâu nuôi chứ không phải khâu chế biến xuất khẩu. Vì vậy phải kiểm soát từ đầu nguồn. Còn để DN phải đầu tư vào khâu tự kiểm thì không chỉ là giải quyết phần ngọn, mà chi phí này quá lớn dễ khiến DN không đủ sức để tiếp tục theo đuổi thị trường này! Chúng tôi rất cần sự hỗ trợ kịp thời của cơ quan chức năng” - đại diện Vasep cho biết.
Từ tháng 3.2011, hiệp hội đã gửi công văn số 22/2011 đến Tổng cục Thủy sản kiến nghị có ngay các biện pháp ngăn chặn việc các lô tôm xuất khẩu bị nhiễm chất kháng sinh này ngay từ khâu nuôi và phòng ngừa việc Nhật Bản sẽ nâng mức kiểm tra các lô hàng lên 100%.
Cần lưu ý, xuất khẩu tôm có tỉ trọng cao nhất trong tổng giá trị xuất khẩu thuỷ sản của cả nước và Nhật Bản vẫn là thị trường lớn nhất nhập khẩu tôm của Việt Nam. Năm 2010, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đạt gần 900 triệu USD - tăng gần 19% so với năm 2009.
Đau đầu bài toán tôm thẻ hay tôm sú
Cũng theo Vasep, tình trạng dịch bệnh khiến nuôi tôm ven biển ĐBSCL chết hàng loạt thời gian qua nên kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2011 chỉ có thể đạt 1,8 - 1,9 tỉ USD (năm 2010 là 2,1 tỉ USD). Cũng chính việc chưa xác định được dịch bệnh trên tôm sú và tình hình thiếu tôm nguyên liệu kéo dài, nên nhiều DN đang nhắm đến giống tôm thẻ chân trắng. Hiện diện tích tôm sú cả nước là 212.000 ha, còn tôm thẻ chân trắng mới 1.394 ha. Dự báo năm 2011, xuất khẩu tôm sú chỉ chiếm hơn 50%, tôm thẻ chân trắng sẽ chiếm xấp xỉ 50%. Nhiều nước sẵn sàng chào bán giống cho Việt Nam với giá rẻ. Tuy nhiên theo các chuyên gia, mức độ ngày càng tăng mạnh của tôm thẻ là một bài toán khó cần có lời giải sớm.
Là DN đã nuôi thành công tôm sú, ông Lê Văn Quang - Tổng GĐ Cty XNK thủy sản Minh Phú - khẳng định, tôm thẻ chân trắng có tỉ lệ sống cao, sạch bệnh, lớn nhanh... Nếu tôm sú được đầu tư tốt, sẽ phát triển tốt hơn tôm thẻ chân trắng, có hiệu quả kinh tế lớn hơn.
Ông Đào Văn Trí - Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III - cho rằng, hiện nguồn tôm bố mẹ được nhập vào bằng nhiều con đường khác nhau. Trong khi đó, hiện ở Việt Nam số lượng tôm giống chỉ kiểm soát được 30%, sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng tôm nuôi.
Theo lãnh đạo DN Thuận Phước, tôm thẻ chân trắng nhỏ hơn tôm sú nên cần lực lượng lao động và máy móc nhiều. Mà vấn đề này không chỉ Việt Nam, mà nhiều nước, thậm chí Thái Lan (có kinh nghiệm 5 - 6 năm nuôi tôm thẻ chân trắng) cũng gặp khó khăn. Liệu Việt Nam đã chuẩn bị điều kiện để chuyển đổi từ tôm sú sang tôm thẻ chưa? Nếu không có nghiên cứu đón đầu các tình huống thì thiệt hại sẽ rất nhiều.
Ngô Sơn