Tại hội nghị thương mại và công nghệ cá da trơn toàn cầu, Thứ trưởng Bộ Thủy sản Lương Lê Phương phát biểu, vốn là loài cá bản địa châu thổ sông Mekong, cá tra, ba sa được sử dụng làm thực phẩm cho người dân nghèo, giờ đây lại là món ăn ưa thích của người dân các nước phát triển.

Từ 1997 đến 2006, diện tích nuôi loài cá này tăng 7 lần (từ 1.200 ha lên 9.000 ha), sản lượng tăng 36,2 lần (từ 22.500 tấn lên 825.000 tấn), xuất khẩu tăng hơn 40 lần (từ dưới 20 triệu USD lên 736,8 triệu USD (chiếm gần 40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu 3 tỷ USD của ngành thủy sản).

Trong đó, thị trường Mỹ chiếm 80% thị phần giúp nghề nuôi và chế biến cá tra, basa phát triển. Nhưng lo ngại trước sự lớn mạnh này, Hiệp hội Cá nheo Mỹ kiện doanh nghiệp (DN) VN bán phá giá. Năm 2003, Bộ Thương mại Mỹ đánh thuế chống bán phá giá từ 36% đến 64%. Lúc đó, nhiều người nghĩ rằng, cá da trơn sẽ bị “chết yểu”. Thế nhưng, việc bị “xử thua” trong vụ kiện chống bán phá giá là động lực để các DN tích cực tìm kiếm thị trường mới và nhờ đó, cá da trơn VN đã được nhiều nước biết đến.

Chỉ 3 năm sau vụ kiện, sản lượng nuôi lên đến 825.000 tấn, dự kiến năm 2007 là 1 triệu tấn, cơ cấu thị trường thay đổi căn bản: Mỹ chỉ còn 9,9%, EU cao nhất với 46,6%, Nga 11,3%, các nước ASEAN 8,5%, Trung Quốc (kể cả Hồng Công) 5,1%, Australia 4,2% và 14,4% các thị trường khác. Cá da trơn VN có mặt ở 80 nước. Có thể nói, sự phát triển nghề nuôi và chế biến, xuất khẩu cá tra, basa VN là câu chuyện thần kỳ, đứng thứ 3 thế giới, sau cá hồi (Na Uy), cá rô phi (lãnh thổ Đài Loan, Trung Quốc).

Công Phiên (www.vietlinh.com.vn)