Nửa đầu năm 2009 đã kết thúc nhưng ở hầu hết các thị trường nhập khẩu (NK) thuỷ sản của Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi rõ nét. Kim ngạch xuất khẩu (XK) cá tra, basa, tôm đông lạnh, mực và bạch tuộc đông lạnh, cá ngừ, hàng khô… đều giảm. Thời điểm khó khăn này, các doanh nghiệp (DN) chế biến, xuất khẩu thuỷ sản đều nỗ lực đạt kế hoạch đề ra. Bảng tổng sắp doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam thêm lần thay đổi, nửa đầu năm 2009, Minh Phu Seafood tạm dẫn đầu…
Khó khăn dai dẳng từ cuộc khủng hoảng tài chính đang dịu dần, tốc độ tăng trưởng âm chậm lại, nhu cầu tiêu thụ tại nhiều thị trường đang phục hồi. Tuy nhiên, thuỷ sản Việt Nam chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ.
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2009, Việt Nam đã XK được 510,5 nghìn tấn thuỷ sản với tổng trị giá 1,76 tỷ USD, giảm 3,8% về khối lượng (KL) và 7,6% về giá trị (GT) so với cùng kỳ năm 2008. Tính đến giữa tháng 7/2009, cả nước XK được 567,5 nghìn tấn thuỷ sản tương đương 1,96 tỷ USD, giảm 4,8% về KL và 7,9% về GT so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong nước, nghịch lý thừa - thiếu tiếp tục diễn ra “theo mùa”, nhu cầu chế biến tăng cao nhưng người nuôi e dè thả nuôi hoặc chuyển diện tích thả nuôi sang một số loài thuỷ sản giá trị kinh tế cao khác. Đang mùa tôm nhưng giá nguyên liệu tại khu vực ĐBSCL vẫn quá cao, nhiều DN vẫn không đủ nguyên liệu chế biến, hoạt động cầm chừng và giảm công suất. Nguồn hải sản cạn kiệt và bị các thương lái Trung Quốc “chặn ngang” ở hầu hết các bến tàu, giá nguyên liệu hải sản trong nước còn cao hơn cả giá NK, nhiều DN chế biến XK hải sản (mực & bạch tuộc, cá ngừ, cá biển, hàng khô…) “ngồi chơi” ngay tại thời điểm chính vụ… Giá XK đứng yên hoặc giảm sút, nhu cầu tiêu thụ trầm lắng, giá điện, giá xăng, giá thức ăn, giá vật tư liên tục leo thang… Nhiều doanh nghiệp chế biến ngậm ngùi: Thời gian gần đây, khó khăn trong nước đáng sợ không kém việc tìm “đường đi” mới cho sản phẩm.
Nhìn vào bức tranh XK thuỷ sản Việt Nam tính đến nửa đầu tháng 7/2009, có lẽ Mỹ và Trung Quốc vẫn là hai thị trường NK ổn định nhất của Việt Nam khi đạt mức tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm 2008: Mỹ tăng 25,2% về KL, 9,5% về GT; Trung Quốc tăng 21,9% về KL, 23,4% về GT.
Tưởng rằng, sự quay trở lại của thị trường Nga, Ucraina trong những đầu năm sẽ tạo nên sự tăng trưởng đột biến cho XK thuỷ sản Việt Nam. Tuy nhiên, tính đến nửa đầu tháng 7/2009, Nga vẫn chưa đủ lớn để xuất hiện nổi bật trong các thị trường NK thuỷ sản chính của Việt Nam, còn thị trường Ucraina giảm 18,2% về KL, 25% về GT so với cùng kỳ năm trước.
Từ 1/1 - 15/7/2009, kim ngạch XK sang các thị trường NK lớn như: EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN tiếp tục giảm: EU giảm 7,6%; Nhật Bản giảm 16,8%; Hàn Quốc giảm 10,3%; ASEAN 2,9% so với cùng kỳ năm 2008.
Mặc dù vẫn chỉ đạt mức tăng trưởng âm, nhưng nếu nhìn xuyên suốt diễn biến từ đầu năm 2009 sẽ thấy, XK thuỷ sản Việt Nam đã có dấu hiệu phục hồi tuy chưa rõ nét. Tính đến nửa đầu tháng 7/2009, ngoài tốc độ tăng trưởng âm chậm lại, mặt hàng tôm đông lạnh và hàng thuỷ sản khô đã tăng nhẹ về khối lượng XK: tôm đông lạnh tăng 3,3%, hàng khô tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước.
Hiện nay, hoạt động sản xuất, XK của DN chế biến thuỷ sản còn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là các DN XK hải sản, hàng khô về nguồn nguyên liệu trong nước. 6 tháng cuối năm là thời điểm thuận lợi để tăng tốc, đạt được kim ngạch đề ra trong năm 2009, doanh nghiệp chế biến, XK thuỷ sản cần sự hỗ trợ hơn nữa từ phía Chính phủ.
Tạ Vân Hà (Nguồn vasep)