Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thuỷ sản của cả nước tính lũy kế từ đầu năm đến giữa tháng 3 đã giảm trên 8% về cả khối lượng và giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị trường xuất khẩu còn 122 thị trường, giảm 37 thị trường so với năm trước.
Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu thủy sản tính lũy kế đạt trên 166 ngàn tấn trị giá trên 579 triệu USD. Xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chính đều giảm, trừ Trung Quốc, Australia và ASEAN.
Giảm... toàn diện
Do ảnh hưởng của khủng hoảng, sức mua của các thị trường nhập khẩu chính đều giảm. Giá trị xuất khẩu sang thị trường châu Âu giảm gần 15%. Nhật Bản tuy vẫn đứng thứ hai trong tốp các thị trường xuất khẩu chính, nhưng giá trị xuất khẩu sang thị trường này giảm trên 9%. Xuất khẩu sang Mỹ giảm 3,3% so với cùng kỳ...Việc đóng cửa của thị trường Nga đối với mặt hàng cá tra cũng góp phần đáng kể làm giảm xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Về sản phẩm xuất khẩu, cá tra, basa với kim ngạch 208 triệu USD, giảm 5% so với cùng kỳ. Theo VASEP, đây là sự tụt dốc đáng lo ngại so với tốc độ tăng trưởng của năm trước. Con tôm cũng đã tụt xuống vị trí thứ hai với giá trị xuất khẩu trên 181 triệu USD, giảm 7,3% so với cùng kỳ.
Đối với mực và bạch tuộc, với trên 38 triệu USD xuất khẩu, mặt hàng này giảm gần 15% so với cùng kỳ tuy tháng 3 có dấu hiệu phục hồi. Còn mặt hàng khô, xuất khẩu đạt 19,2 triệu USD, giảm 14,3% so với cùng kỳ. Giảm mạnh nhất là mặt hàng cá ngừ với mức giảm gần 40% so với cùng kỳ, đạt 19 triệu USD và cũng là mức thấp nhất trong 4 năm.
VASEP kỳ vọng giá trị xuất khẩu cả năm 2009 đạt bằng mức năm ngoái là 4,5 tỷ USD. Cơ sở để đặt kỳ vọng vào con số này là tuy khó khăn trong xuất khẩu nhưng các doanh nghiệp trong ngành đã năng động trong việc giảm giá thành, và mở rộng thị trường mới.
Hơn nữa, hiện có một số mặt hàng ở một số thị trường có dấu hiệu tăng trở lại. Như thị trường Tây Ban Nha vẫn tăng trưởng gần 5%, đạt gần 27 triệu USD. Xuất khẩu tôm đông lạnh sang Hàn Quốc tăng 15,8% đạt 11,5 triệu USD, trở thành thị trường lớn thứ 5 về nhập khẩu tôm Việt Nam.
ASEAN thế chân Nga đứng vị trí thứ 5 với mức tăng trưởng 16,1% đạt 36,2 triệu USD, trong đó nhập khẩu cá tra, basa chiếm gần 17 triệu USD. Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc tăng mạnh với giá trị đạt 12,7 triệu USD.
Làm gì để "vượt rào"?
Nhiều rào cản song Mỹ lại là thị trường tiềm năng cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Sắp tới, nếu Dự luật Nông nghiệp 2008 được ban hành thì sẽ thêm rào cản mới cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Mỹ.
Theo VASEP, ngày càng nhiều thị trường tiêu thụ cá tra đã và đang sử dụng các chương trình truyền thông với nội dung gây bất lợi cho sản phẩm cá tra Việt Nam nhằm bảo vệ sản phẩm trong nước trong bối cảnh khủng hoảng. VASEP cho rằng vấn đề này còn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới đòi hỏi ngành và cộng đồng doanh nghiệp trong nước phải có những bước chuẩn bị tốt trong việc phản hồi với những thông tin đúng và có hệ thống giúp người tiêu dùng các nước có cái nhìn chính xác hơn.
Châu Âu là thị trường có thể mang lại hy vọng cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong năm nay. Sắp tới, từ 20-30/4/2009, đoàn thanh tra Liên minh châu Âu sẽ sang nước ta kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản. Phái đoàn này chia thành 2 đoàn kiểm tra về thủy sản và loài nhuyễn thể 2 mảnh vỏ.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lương Lê Phương cho biết, đợt thanh tra định kỳ lần này rất quan trọng trong bối cảnh suy thoái kinh tế. Các địa phương phải rà soát lại điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát chặt vùng nguyên liệu, phòng kiểm nghiệm, kho hàng lưu...
Hiện nay, Liên minh châu Âu đã công nhận 301 doanh nghiệp Việt Nam được phép xuất khẩu vào EU, và kết quả thanh tra lần này sẽ quyết định việc công nhận bổ sung thêm 30 doanh nghiệp mà phía Việt Nam đang đề nghị.
Ông Phương cũng cho biết, thị trường Nga sẽ sớm mở cửa trở lại vào tháng 4 này đối với cá tra Việt Nam. Theo VASEP, các doanh nghiệp phải ổn định và thống nhất chất lượng chuẩn bị cho việc mở cửa lại của thị trường Nga và Ai Cập.
Thời gian qua, khi có thị trường mới, các doanh nghiệp đua nhau xuất khẩu ào ạt nên giá cả và chất lượng không đồng nhất. Hơn nữa, việc ổn định chất lượng cũng giúp các doanh nghiệp tránh được rào cản kỹ thuật mà các nước nhập khẩu liên tục đặt ra để bảo vệ mậu dịch nội địa trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu.
HOA MINH (Nguồn vietlinh)