Theo Bộ NN&PTNT, tính đến hết tháng 11, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 3.684 nghìn tấn, đạt 96,93% kế hoạch năm và tăng 7,96% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sản lượng khai thác tăng 0,6%, đạt 1.898 nghìn tấn; sản lượng nuôi trồng đạt 1.786 nghìn tấn, tăng 17%. Ước giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 11 đạt 350 triệu USD, nâng tổng giá trị kim ngạch XKTS 11 tháng năm 2007 đạt 3.427 triệu USD, bằng 95,19% kế hoạch và tăng 11,8% so với cùng kỳ 2006.

1. Khai thác hải sản

Tháng 11, do ảnh hưởng của bão số 7, áp thấp nhiệt đới trên biển đông và ảnh hưởng của đới gió đông hoạt động mạnh đã làm hạn chế các hoạt động khai thác thuỷ sản, thời gian này bước vào vụ cá Bắc nhưng do thời tiết diễn biến trên biển phức tạp, thời gian hoạt động khai thác biển ngắn nên sản lượng không cao.

Theo thống kê trong tháng có 62 chiếc Tàu cá bị trôi, chìm (trong đó có 9 chiếc tầu bị chìm do cơn bão số 7- Hagibis gây nên).

Các nghề khai thác thuỷ sản xa bờ hoạt động bị hạn chế do phải tránh, trú bão và áp thấp. Tuy vậy, bão và áp thấp đã làm xáo trộn nước do đó các nghề chụp mực, nghề câu hoạt động khá, sản lượng mực ống tăng so với tháng trước.

Hiện nay, do đang mùa mưa, bão, tại vùng biển Tây Nam xuất hiện loại hình đánh bắt "cào bay" (bắt cá bằng lưới điện). Đây không chỉ là phương tiện đánh bắt tận diệt nguồn lợi hải sản mà còn là nỗi ám ảnh kinh hoàng cho những người đi biển. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các Sở Thuỷ sản và chính quyền địa phương tiếp tục theo dõi, chỉ đạo công tác kiểm tra, kiểm soát đảm bảo an toàn cho người và tầu cá hoạt động sản xuất trên biển, kiên quyết không để các tầu bắt cá bằng lưới điện, các tầu không đủ các trang thiết bị ra khơi để đảm bảo an toàn tính mạng cho ngư dân hoạt động trên biển.

2. Nuôi trồng thuỷ sản

Tháng 11, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long như Cà Mau, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc liêu …. đã hoàn thành việc thu hoạch tôm sú. Năm nay là năm được mùa tôm sú, việc nuôi tôm sú thành công có nhiều nguyên nhân nhưng quan trọng nhất là người nuôi đã ý thức hơn trong việc chọn thời điểm thả giống, tuân thủ các qui trình kỹ thuật nghiêm ngặt, xử lý môi trường, nhất là khâu chọn giống. Chất lượng con giống là yếu tố quan trọng hàng đầu đã được người nuôi đặc biệt chú trọng.

Hiện nay các địa phương vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long đang có 3 hình thức nuôi tôm: quảng canh (tôm sú), tôm càng xanh trong ruộng lúa và thâm canh tôm sú dạng công nghiệp, năng suất bình quân đạt từ 6 đến 8 tấn/ha mặt nước. Trong đó, nuôi công nghiệp năng suất đạt 2,76-4,5 tấn/ha; nuôi bán công nghiệp năng suất 1,11-1,9 tấn/ha; nuôi quảng canh cải tiến và tôm-lúa năng suất 0,54-1,1 tấn/ha. Với giá bán từ 55.000-145.000 đồng/kg, nông dân nuôi theo hình thức công nghiệp thu lợi nhuận 120-500 triệu đồng/ha, nuôi bán công nghiệp lợi nhuận 60-100 triệu đồng/ha, nuôi quảng canh cải tiến và nuôi theo mô hình tôm-lúa lợi nhuận từ 25-40 triệu đồng/ha. Trung bình mỗi hình thức nuôi, nông dân thu lợi nhuận cao hơn từ 5-15 triệu đồng/ha so với năm 2006.

Tại miền Trung, một số tỉnh như Quảng Bình, Khánh Hoà, Phú Yên sản lượng nuôi của các đối tượng như tôm chân trắng, tôm sú, cá biển, nhuyễn thể, cua ghẹ …đều tăng cao so với cùng kỳ năm trước, riêng tôm thẻ chân trắng trên cát, năng suất bình quân đạt khoảng 12 tấn /ha/năm. Ngoài ra do thời tiết, khí hậu thay đổi trong thời gian vừa qua, mưa nhiều khiến cho dịch bệnh phát triển, nguồn nước thay đổi nhanh khiến cho các đối tượng nuôi khác như tôm hùm, rong sụn tại một số địa phương như Khánh Hoà, Phú Yên bị chết, khiến cho nhiều bà con nông, ngư dân bỗng chốc trắng tay. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Sở Thuỷ sản và chính quyền địa phương tập trung chỉ đạo tăng tần suất kiểm tra quan trắc môi trường, kịp thời có khuyến cáo cho người sản xuất tôm giống và nuôi tôm theo dõi; tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về quản lý chất lượng tôm giống, đối với việc nuôi cá nước ngọt, khuyến cáo bà con nông dân và các chủ hộ nuôi cần ngăn lưới bảo vệ, đề phòng thất thoát, chủ động phòng ngừa rủi ro do bão, lũ lụt gây nên.

Theo thống kê ở các tỉnh miền Trung, nhiều địa phương từ Quảng Bình, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế đến Bình Định diện tích ao hồ nuôi tôm, cá vỡ hơn 2.093 ha.

3. Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản

Theo thống kê, hiện nay thịt cá tra loại dưới 1kg rất được thị trường Mỹ, Nga, EU, Ucraina … ưa chuộng. Tuy nhiên, hiện tỷ lệ cá phi lê đáp ứng kích cỡ của nhà nhập khẩu trong tổng số cá thu mua không nhiều, làm số lượng tồn kho của các doanh nghiệp lớn. Trong khi đó, nhiều bà con ngư dân, hộ nuôi cá không nắm bắt được thông tin này. Vì thế, khi cá đến kích cỡ xuất bán người nuôi vẫn cho ăn, nên cá tiếp tục tăng trọng và vượt kích cỡ. Đây là những nguyên nhân làm giá cá tra nguyên liệu giảm và sẽ còn biến động trong thời gian tới. Hiện giá cá tra nguyên liệu loại thịt trắng từ 13.300 – 13.400 đồng/kg; cá loại thịt hồng 12.200- 12.400 đồng/kg, giảm 200-400 đồng/kg. Tại TP Cần Thơ, giá cá tra nguyên liệu trên thị trường cũng giảm từng ngày, hiện nay giá còn 13.000 đồng/kg.

Đầu năm 2007 đến nay, nước ta “được mùa cá Cơm”, mặc dù trữ lượng nguồn cá cơm của nước ta lớn, có chất lượng tốt, được những bạn hàng lớn như Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc hay Đài Loan ưa chuộng, tuy nhiên do kỹ thuật bảo quản, cách chế biến, hấp luộc chưa tốt, gây ẩm mốc, độ ẩm có lúc chiếm tới 26-28%, tỷ lệ mất đầu tới trên 15%, mùi vị chưa thật hấp dẫn, chất lượng thiếu ổn định. không giữ được màu sắc nguyên thủy của cá. Khiến cho con cá cơm khô của Việt Nam thua thiệt so với cá cơm khô của các nước trong khu vực cùng có mặt ở thị trường Mỹ,

Hiện tại, không chỉ cá cơm, mà các mặt hàng thủy sản khô như cá chỉ vàng, mực khô hiện nay cũng được các thương nhân Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc thu mua trực tiếp và mở xưởng chế biến ngay các tỉnh ven biển sau đó xuất về nước, gây cạnh tranh cho các công ty trong nước. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Sở Thuỷ sản và chính quyền địa phương các tỉnh hỗ trợ vốn, công nghệ giúp bà con ngư dân bảo quản, chế biến sau thu hoạch, giúp các doanh nghiệp tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu.

(Trích Báo cáo tháng 11 năm 2007 của Bộ NN&PTNT)