Tháng 1/2007, kim ngạch XK thuỷ sản đạt 230 triệu USD. Tiếp đó tháng 2 con số này là 220 triệu USD. Trong hai tháng 3 và 4 vừa qua, tốc độ XK tiếp tục tăng mạnh đã đem về hơn 1 tỷ USD, một con số chưa từng có từ trước tới nay. XK thủy sản đã trở thành một trong những mặt hàng XK có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất: trên 40% so với cùng kỳ năm 2006.
Tuy nhiên mức tăng trưởng được coi là nóng này lại đe doạ tới chất lượng và sự tăng trưởng bền vững của thuỷ sản VN.
Nhiều thị trường mới
Tính đến nay, thuỷ sản VN đã XK tới hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau. Trong đó, Nhật Bản chiếm tỷ trọng 25,09%. EU chiếm 21,55%. Bên cạnh đó là các thị trường như
Năng lực chế biến của các DN cũng tăng trưởng mạnh, hiện có trên 200 DN được công nhận đạt tiêu chuẩn và được cấp mã số xuất khẩu sang thị trường EU.
Trong các mặt hàng thuỷ sản XK, tôm tiếp tục giữ vị trí chủ lực với hơn 40% về giá trị, cá đông lạnh chiếm 32%. Đối với cá tra và cá ba sa, năm nay tiếp tục hứa hẹn nhiều thành tựu mới sau thành công của năm 2006. Năm ngoái được coi là một mốc dấu quan trọng đối với 2 loại cá này. Sau khi gặp trở ngại đối với thị trường Mỹ, các DN VN đã tìm kiếm nhiều thị trường mới và đã đạt mức tăng trưởng gấp 2 lần năm 2005 (trong đó EU chiếm gần 50% thị phần) với trên 40 thị trường khác nhau. Theo dự báo, năm 2007, mức tăng trưởng với cá tra và cá ba sa XK sẽ còn tiếp tục tăng mạnh. Hiện nay, cá tra và cá ba sa VN đã trở thành mặt hàng truyền thống tại các thị trường mới ở cả EU và các thị trường mới tại châu Á, châu Đại Dương, châu Mỹ.
Nguyên liệu thuỷ sản trong nước bắt đầu tăng giá sau khi giảm nhẹ từ giữa tháng 3 đến giữa tháng 4. Trong đó tôm sú tăng mạnh hơn cả với mức hiện nay khoảng 90.000 - 120.000 đồng/kg loại 20 con/kg. Giá cá tra, ba sa cũng vượt lên mức kỷ lục tới 16.800 đồng/kg.
Nhiều nguy cơ ẩn chứa
Hiện nay tốc độ XK tăng cao khiến nguồn nguyên liệu bắt đầu trở nên khan hiếm. Thông tin từ Hiệp hội Thuỷ sản cho biết, nhiều DN đã phải nhập khẩu (NK) nguyên liệu. Tình trạng thiếu nguyên liệu còn dẫn tới một số DN chế biến chỉ hoạt động được 50% công suất. Sự thiếu hụt nguyên liệu có thể ảnh hưởng tới tốc độ và kim ngạch XK thuỷ sản mặc dù kế hoạch 3,6 tỷ USD giá trị XK thuỷ sản trong năm nay là hoàn toàn có thể thực hiện được. Một số ý kiến cho rằng, việc NK nguyên liệu trong bối cảnh thiếu hụt hiện nay có thể là tiền đề gây ảnh hưởng tới chất lượng bởi rất khó kiểm soát chất lượng nguyên liệu từ khâu nuôi trồng hoặc đánh bắt.
Cảnh báo từ các cơ quan chức năng Nga và Nhật về an toàn chất lượng vệ sinh sản phẩm trong năm 2006 cũng là những dấu hiệu lo ngại cho XK thuỷ sản VN trong vòng 1 tháng. Việc Nhật Bản kiểm tra bắt buộc đối với tôm, mực xuất khẩu của VN đã ảnh hưởng lớn đến uy tín của hàng thuỷ sản VN. Do đó, tăng cường quản lý chất lượng suốt cả quá trình sản xuất, đảm bảo các yêu cầu của các nước NK, đồng thời bảo vệ người tiêu dùng nội địa là một vấn đề sống còn. Thương hiệu, một trong những điều kiện quan trọng bảo đảm cho sự thành công của sản phẩm thuỷ sản VN cũng chưa được các DN thực sự đầu tư đúng mức. Những trở ngại lớn nhất đối với sự phát triển XK thuỷ sản hiện nay vẫn là năng lực quản lý, suy thoái môi trường, chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu. Bên cạnh đó nhiều yếu kém trong nghiên cứu khoa học như lai tạo giống, công nghệ nuôi trồng và khai thác đảm bảo sự phát triển bền vững cũng là những yếu kém cản bước Thuỷ sản VN.
Theo Chương trình phát triển XK thuỷ sản đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, tới năm 2010, mục tiêu của ngành thuỷ sản là phấn đấu XK 900 nghìn tấn thành phẩm, tương đương 4 đến 4,5 tỷ USD. Đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn, đặc biệt chú trọng vào thị trường Trung Quốc. Phấn đấu 100% DN đáp ứng tiêu chuẩn ngành về an toàn, chất lượng; Nâng tỷ trọng sản phẩm giá trị gia tăng lên 65-70% tổng sản lượng TSXK. Những mốc trên là rất cao song không ít ý kiến chuyên môn cho rằng, có thể vượt qua mốc đó nếu giải quyết triệt để các yếu kém trên.
Thanh Thúy
Theo Diễn đàn doanh nghiệp