Thị trường Nhật chiếm 40% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm của VN mỗi năm, nhưng những tháng đầu năm 2007, con số này chỉ còn 29% và dự báo sẽ còn giảm. Liên tiếp trong 2 tháng gần đây, nhiều mặt hàng xuất khẩu thủy sản của các doanh nghiệp (DN) VN bị phát hiện nhiễm dư lượng kháng sinh cấm tại các thị trường Nhật Bản, EU.

Mới đây nhất, phía Nhật đã áp dụng chế độ kiểm tra 100% chỉ tiêu Semicarbazide đối với các lô hàng tôm và sản phẩm tôm của VN.

Bất ổn

Theo ông Nguyễn Phạm Minh, Tổng giám đốc Công ty Chế biến và xuất khẩu thủy sản Minh Sáng, với việc kiểm tra 100% các lô hàng khi xuất khẩu sang Nhật, không những làm cho chi phí của DN tăng thêm mà hàng liên tục bị ứ tại các cảng, khả năng đáp ứng thị trường của DN bất cập. Bởi một lô hàng bị kiểm tra một lần, chi phí trọn gói khoảng 1.000USD, chưa kể số tiền mà DN phải bỏ ra để kiểm tra ở nội địa trước khi xuất đi.

Con cá tra, ba sa cũng đang bị “mắc cạn” ở một số thị trường các nước EU, trong đó bất ổn nhất là thị trường Nga. Theo ông Trương Đình Hòe, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), mỗi năm Nga nhập khẩu khoảng 100 triệu USD sản phẩm cá tra, ba sa từ VN, là một thị trường lớn và tiềm năng, nhưng từ đầu năm đến nay tại thị trường này xảy ra liên tiếp các sự cố.

Đầu tiên là việc phát hiện các lô hàng nhập khẩu từ VN bị nhiễm kháng sinh cấm, kế đến là sự thay đổi chính sách nghiêm ngặt hơn trong kiểm tra chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Điều này làm cho việc mua bán của các DN VN không còn suôn sẻ, và hiện nay thị trường này dường như đang... bế tắc.

Giải quyết việc đã rồi

Trước hàng loạt biến cố xảy ra đối với ngành thủy sản, động thái thông thường của Cục Quản lý chất lượng - An toàn vệ sinh và Thú y thủy sản (Nafiqaved), cơ quan “gác cửa” của Bộ Thủy sản, là gửi công văn đến Tổng cục Hải quan thông báo về việc loại bỏ những DN vi phạm ra khỏi danh sách các DN xuất khẩu vào Nhật Bản không bắt buộc kiểm tra hóa chất kháng sinh cấm.

Bước kế tiếp, Nafiqaved ban hành quy định các lô hàng tôm và sản phẩm tôm của các DN vi phạm phải có chứng thư chứng nhận không chứa dư lượng các hóa chất kháng sinh cấm như Chloramphenicol, AOZ, SEM... do Nafiqaved cấp mới được phép xuất khẩu.

Đối với Vasep, cách giải quyết cũng chỉ dừng lại ở mức khiêm tốn: “VASEP một lần nữa khuyến cáo các DN chế biến và xuất khẩu thủy sản cần phải kiểm tra nghiêm ngặt chất lượng hàng trước khi xuất khẩu...”.

Nhiều DN cho rằng, cách làm của Nafiqaved và VASEP chỉ là giải quyết những việc đã rồi. Vấn đề quan trọng hơn là ngăn chặn việc sử dụng kháng sinh cấm ngay từ ao nuôi, nguyên liệu đầu vào. lâu nay, cách giải quyết chỉ là hô hào suông và đổ lỗi cho nhau giữa người nuôi, DN với cơ quan quản lý.

Ngày 10/4, Nhật Bản đã cảnh báo 6 lô hàng thủy sản VN gồm tôm khô, ruốc khô, nem hải sản bị phát hiện dư lượng kháng sinh cấm Semicarbazide (SEM).

Ngày 8/5, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho biết các lô hàng tôm của công ty Viet Phu Foods and Fish Co., Ltd; Agrex Saigon; CaMau Seafood Processing and Service Jointstock Corporation; Amanda Foods VietNam Ltd; Binh Them Co., Ltd; Khanh Hoa Seafish Co., Ltd, bị phát hiện dư lượng chất kháng sinh chloramphenicol, AOZ và Semicarbazide khi kiểm tra tại cảng nhập khẩu Nhật Bản.

Ngày 15/5, lại thêm 4 DN bị phát hiện có lô hàng nhiễm kháng sinh cấm tại thị trường Nhật. Đó là phân xưởng chế biến hàng khô – Công ty Cổ phần Chế biến Thủy sản Xuất khẩu Nha Trang (Khánh Hòa); Công ty TNHH Việt Nam Northern Viking Technologies (TPHCM); Công ty TNHH Thực phẩm AMANDA (Đồng Nai) và Phân xưởng chế biến hàng khô Mỹ An - Công ty TNHH Thương mại Tổng hợp Phước Tiến (Đà Nẵng).

(Theo Người Lao động, VietNamNet